Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 50

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 50



Một cuộc gặp tình cờ ở đám giỗ nơi gia đình “Tôn Thất”. Hai người ngồi cùng mâm, cùng thích bún Huế. Cả hai đã ngoài bốn mươi rồi. Trời cho cái “duyên”, thế là sáu tháng sau, họ nên vợ nên chồng. Đám cưới bề thế. Mãi đến hai năm, họ mới có con gái đầu lòng và cũng là duy nhất.

Để bà Đội nằm nghỉ, Tôn đưa Hoàng ra ngoài, đi bộ dọc theo hàng cây. Nhìn qua hàng rào đơn sơ, phía bên kia, nhiều người đến làm thuốc, chữa bệnh… náo nhiệt cả một khu vực. Chọn dưới tán cây phượng có bệ xi măng thâm thấp, Hoàng ngồi, còn Tôn ra gần đường nhựa, chờ người đi bán hàng rong. Phía xa, một người đàn bà không còn trẻ, bưng chiếc thúng đi tới, chưa nghe tiếng rao, Tôn đã đưa tay ngoắt:

-Có gì ăn sáng không chị?

Cô ta bước tới, để nhẹ chiếc thúng xuống, ngồi lên hòn gạch, mở cái mẹt ra. Với một “không gian” rất hạn chế, bàn tay chai sạn, thế mà xếp lên từng ngăn, từng lớp: bánh bèo, bột lọc “quai vạc”, bánh nếp gói lá chuối… Anh mua mấy chiếc bánh nếp:

-Bán hết hàng mới về?

-Cũng tùy ngày thôi anh.

Hoàng cầm chiếc bánh còn hơi ấm, tách lá thành từng sợi nhỏ, Tôn ngồi lệch nghiêng, để ý xem - hay thật! Nhìn Hoàng ăn, gọn gàng, nét mặt tươi tỉnh; anh cảm thấy không khí ban mai này dễ chịu làm sao.

Trên đoạn đường ngắn trở về phòng ở, họ nhìn thấy ông bác sĩ từ lầu hai đang bước xuống tam cấp. Hai người nán lại. Ông ta bước rất nhanh, áo khoác lấm lem, có những vết sẫm hình như máu:

-Vừa trực đêm xong, gặp phải mấy ca cấp cứu nữa; bác cảm thấy mệt. Bác về nghỉ. Chiều nay Tôn lên phòng bác, giúp bác chút việc.

 Như lời dặn, chờ cửa phòng mở thì Tôn bước vào, anh cúi đầu chào. Ông đứng dậy, chỉ cho anh ngồi vào ghế:

-Chúng tôi đang theo dõi bệnh tình của em. Mọi điều có thể xảy ra. Tất cả còn nằm trong những dự kiến “phác đồ điều trị”. Là đàn ông mà làm “chân hộ lí” thật không dễ chút nào. Vào chút nữa, tủ sách đây, anh tới chọn cuốn nào thích; mang về hai anh em cùng đọc; tránh lặp đi lặp lại những công việc quá ư đơn điệu, dễ chán nản!

Đây có lẽ là lần thứ hai, phải chăng là điều may mắn, anh được nhìn vào “kho tri thức” với biết bao mong ước! Mắt lướt nhanh, tổng thể là những gì: Ngăn trên, tiếng Pháp. Ngăn thứ hai, từ điển, sách chữ Hán; tiếp theo là bệnh lí học… Anh dừng lại rất lâu ở ngăn cuối, rồi anh xin phép rút ra một cuốn:

-Cho tôi lấy thử cuốn này.

Ông nhìn lướt qua, rồi gật đầu:

-Được, nhưng mà…

Tôn chờ ông nói tiếp, thì ông dừng lại:

-Về đọc chầm chậm, lúc nào thư thả, ta cùng nhau nói chuyện.

Tôn cúi đầu cám ơn rồi đi ra.

Trở về phòng, bà đang ngồi bắt chí cho con. Hai mẹ con thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Thấy Tôn đang lấp ló ngoài cửa, bà gọi:

-Vào đi, không có gì đâu!

Sáng hôm sau, họ đi ra nơi cũ để mua thức ăn sáng. Chờ mãi, không được; Hoàng rủ đi mua chè đậu ván. Thấy ý định cũng hay hay, định chuyển hướng, tìm đường; thì gặp người đàn bà ngồi ở cái bệ mà ngày hôm qua họ ngồi, cởi chiếc nón lá ra quạt:

-Chị ơi, muốn mua chè đậu ván thì đi lối nào?

Chị ta nở nụ cười:

-Vừa ở trên rừng về à?

Hoàng hơi phật ý:

-Sao chị lại hỏi thế?

-Là vì chè đậu ván, người ta phải làm từ sáng, nào đậu, nào đường… Đến trưa mới bắt đầu nấu. Chiều múc ra, sắp vào gánh, lúc đó mới có chè mời khách.

-Công phu thế hở chị?

-Vùng này có ba quán có tiếng. Những người sành ăn, họ biết hương vị của từng quán. Bưng chén chè, đưa muỗng múc, rồi nhâm nhi; dù ngồi ở nhà, hay bên vệ đường biết “chè cô Sen”, “quán bà Lê” hay “đặc sản Thiên Thai”. Bao nhiêu năm rồi, con cháu giữ gìn …

Hai anh em đang nghe về cái món chè, thì sau mấy hàng cây, một người đang cắp chiếc thúng xăm xăm đi tới. Chị nói tiếp:

-Mơ đó. “Liễu yếu đào tơ”, với hai bàn tay trắng mà nuôi ba đứa con ăn học tấn tới!

Khi đến gần, chị bán bánh cười rất tươi:

-Mèng ơi, sao hôm nay đi lạc ra chỗ này?

-Theo giấy ghi, đến ngày phải vào khám lại. Thôi nhé, mình phải tới cho kịp giờ.

Nhìn theo người đàn bà đã đi khuất sau hàng cây, chị lấy bánh đưa cho Hoàng rồi thủ thỉ:

-Cũng như bao người con gái khác, lớn lên, mơ ước… Một người con gái “mát tay”, buôn đường dài có tiếng, mới có vài năm, được gọi bà Lớn, bà Nhỏ... Bánh hôm nay không ngon, sao ăn không hào hứng như hôm qua? À mà này, tôi thấy vui vui vì nhìn hai vợ chồng thương nhau ghê quá hè!

-Không. Em gái đó!

-Mà sao không có nét gì giống nhau cả!

-Rồi tiếp theo…

-Một anh chàng phất phơ, nổi tiếng tài hoa, gặp nhau, tán tỉnh… đến “kết” và … tan thành mây khói.

Hoàng đặt chiếc bánh đang ăn xuống:

-Cần chi, về nhà làm ruộng!

-Số phận chưa buông tha, lại bị đẩy vào chốn “bán thân, nuôi miệng”. Con bệnh quen mặt của nhà thương đó! Qua bao sóng gió, thế mà nhìn khuôn mặt vẫn còn lưu dấu của thời xuân xanh!

-Đời người con gái quá ư là…

Hoàng buông ra câu nói dường như vô thức nhưng chứa chất nhiều tâm trạng. Còn Tôn nhìn những cây phượng đỏ rực, mùa hè đó, với anh chưa bao giờ được nếm mùi vị “Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về, chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”.

-Hai người là bạn thời áo trắng?

-Có học một trường nhưng khác lớp. Rồi gió bụi cuộc đời đưa đẩy. Gần đây mới gặp lại.

-Chị ấy cứ nhấn nhá: “Một thúng bánh, hai bàn tay chăm chỉ; thế mà sống đường hoàng như ai”!

-Hai anh chị ơi, người ta bảo: Ông Nam Tào ở đâu trên cao, giữ cuốn sổ có ghi hết thảy “cái số” của chúng ta; như tấm lưới vô hình choàng lên cuộc đời của mỗi con người, cho dù ai có quẫy, đạp, vùng vẫy thế nào chăng nữa, thì cuối cùng vẫn chịu nằm vào trong đó!

Hoàng từ từ vươn vai, đứng dậy, nở nụ cười:

-Để em bưng con gà luộc lên cúng cho ông và xin ông dùng bút thần chỉnh lại vài nét…

Hai người ngồi bên cạnh cười ồ lên:

-Rất hay!

Chị ta lại bưng chiếc thúng ra đi, những bước chân khoan thai, cái vẫy tay điệu đàng, như rút ngắn lại con đường trước mặt. Từ đâu trong tâm thức, câu thơ tìm gặp trong mớ giấy gói đồ hồi ở quán, Tôn nhẫm lại, nhưng không muốn đọc cho Hoàng nghe: “Ngày mai, trong giá trắng ngần/Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ” (T.H).

Hai người đi nhanh về chỗ ở, bước vào. Hai ông bà Đội đang trò chuyện, họ dừng lại nơi ngưỡng cửa. Ông ta quay ra hỏi thăm Tôn và cho anh biết, đã liên hệ được với ông Tư. Bước tới gần con gái, ân cần:

-Con chú ý ăn cho đủ chất, duy trì giấc ngủ thật tốt. Ba lên gặp bác sĩ rồi quay về ngoài mình luôn.

Hai ông bà cùng đi. Hoàng vào giường, tựa lưng vào tường. Tôn bắc ghế thấp ngồi gần:

-Cuốn sách của tác giả là một phụ nữ người Anh. Bên nội bà, là người có tiếng trong giới toán học. Bên ngoại, có người ghi dấu ấn về địa chất học. Không theo truyền thống gia đình, bà theo nghiệp văn chương. Thực ra ban đầu, bà muốn chọn một con đường chưa có lối mòn…

Khi trở về, bà Đội cầm mấy quả cam. Trao cho Tôn quả to nhất, đến ngồi cạnh con gái, bóc cam cho con ăn:

-Cam vùng này có nhiều chất bổ, rất cần cho sức khỏe đó con!

Bà đứng tần ngần một lúc, đến gần, muốn nói với Tôn là đi ra chợ để cho trong người khuây khỏa một chút. Hoàng bước xuống giường, ho mấy cái rồi nôn thốc nôn tháo. Trưa, cả ba người bỏ cơm. Đền gần giờ làm việc chiều, Tôn chạy lên phòng bác sĩ:

 -Thưa ông, Hoàng có gì đó không bình thường!

Ông mặc vội chiếc áo khoác, cầm ống nghe, xách túi thuốc, cùng Tôn bước nhanh ra ngoài. Về đến phòng ở, ông nhìn lướt qua trạng thái, sắc mặt rồi chầm chậm khám cho Hoàng. Một lát sau, ông chích cho Hoàng mũi thuốc.

///---///--- Hết bài thứ 50
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét