VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 43
Tôn bó gối, ngồi nghe những lời từ con người
rất thật này, lại muốn đi học cái môn chuyên ngành về thần học hay về tâm linh,
để hiểu thêm một vài bí ẩn mà với con mắt đời thường khó hiểu được tường minh…
Anh nán lại, cho đến sáu giờ thiếu mười phút, cô Từ đi rửa mặt, sửa lại áo quần
cho ngay ngắn; đến gần chiếc bàn đặt bình thủy tinh. Khi những hạt cát cuối
cùng rơi khỏi phễu, cô cầm chiếc bơ màu xanh - to hơn cả - đổ cát vào bình để
canh giờ cho sáng hôm sau. Quay ra, cô bước từ tốn đến chân tháp chuông, cầm
vào tay gỗ đã quấn vải. Đứng chân trước, chân sau, tay cô bắt đầu kéo. Cho tới
lần kéo thứ hai, tiếng chuông mới bắt đầu ngân lên. Tôn lại nhớ hình ảnh người
con gái có mái tóc thề, hai cánh tay đẩy nhẹ lên mái chèo, con đò lướt đi trên
mặt nước… Đến khi cái chùy còn đu đưa, nhưng không còn chạm vào thân chuông, âm
thanh đang lan xa, mênh mông; cô từ từ buông tay nắm, nhìn về phía Tôn đứng. Tự
nhiên, anh muốn ngắm hình ảnh này - nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt già sạm -
như em bé có lần Tôn chợt nhìn thấy ở trước sân nhà thờ: em đang mở ngửa bàn
tay với nhúm gạo cho đàn bồ câu xúm lại, mổ mổ liên tục. Hai khoảnh khắc hiền
hòa và thân thiện này, sao cứ chập chờn, ẩn hiện trong tâm trí anh!
-Có cần phải đúng giờ?
-Có. Ban trưa, nghe tiếng chuông, người đang làm ngoài đồng biết để về
nghỉ. Chiều, nhờ tiếng chuông, mấy đứa trẻ, dắt trâu, bò về chuồng; người tụ
tập ngoài bến sông, tắm rửa, về nhà lo cơm nước. Nó như tiếng gà gáy sáng đó
anh. Anh thử hình dung đôi chút: nếu buổi sáng, không còn nghe tiếng gà gáy,
người ta buồn biết mấy - sự hụt hẫng không thể không chạnh lòng - Một ngày nào
đó, ở làng này, vùng này, tự nhiên người ta không còn nghe tiếng chuông vang
lên lúc chính Ngọ. Đó đâu còn là của nhà thờ, là người bên Giáo; nó như hơi thở
của cuộc đời vậy!
Tự nhiên Tôn như bị thấm vào từng ngóc ngách của những dự định âm thầm,
nung nấu. Bước chân vào nhà, Thạch trong bộ đồ bà ba lấm chấm hoa vàng, vồn vã:
-Anh nghỉ ngơi một lúc rồi ăn cơm tối, mẹ em đang chờ. Em bắt ở trong
về mấy con cá trê sẽ nướng, làm nước mắm gừng, mời khách.
Bà Lành từ bếp bưng mâm bát đũa lên đặt giữa bàn. Một lúc sau, Tôn đem nồi
cơm, vừa đi vừa hít hà, bắp chà vôi hấp trên cơm, mùi vị “rặt” quê nhà. Thạch
để dĩa cá thơm phức vào mâm, gần chỗ Tôn ngồi:
-Hôm nay, nhà mình ăn bữa cơm đoàn tụ!
Thạch lựa con vàng nhất, bỏ vào bát Tôn.
Bà Lành bưng bát lên rồi đặt xuống, muốn nói điều gì đó, thì Thạch
nhắc:
-Đang vui vẻ, mẹ ăn đi!
Vẫn ngồi im, mắt bà chớp chớp:
-Hay là cháu về, mẹ con cô trả lại nhà cho cháu!
Không khí bữa ăn trở nên nặng nề. Người này nhìn sang người kia. Cố
gắng lắm, ai cũng chỉ nuốt được lưng bát. Thạch lấy nước, rót ra ba cốc mời mọi
người. Cô hớp một ngụm rồi đến kéo tay Tôn ra vườn:
-Mẹ em nói thế là vì trách nhiệm của gia đình, tổ tiên.
-Cũng vì nghĩ đến gia đình, tổ tiên mà anh về và anh còn phải đi…
Đêm hôm nay, mười bốn ta, trăng sáng, gió nhẹ, Thạch ngồi giữa sân nói
chuyện rất khuya với anh. Thạch sắp tới cùng với cô bạn xóm trên, ôn tập để thi
vào trường sư phạm. Hai người từ lâu ấp ủ nguyện vọng làm cô giáo làng. Thạch
còn cho anh biết thêm, khi ngồi ăn trưa, mẹ kể là cha của anh, từ bé quyết chí
ra đi, vào cái nơi gọi là Quảng Lợi hay Quảng Đạo gì đó. Hình như xa xôi lắm! Ở
tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng với cô gái này, trong sâu thẳm, những ngày
này khi Tôn trở về, ẩn hiện câu hỏi: Tại sao, hết cha rồi đến con, ra đi để tìm
“cái báu vật” gì mà say đắm, mà mê muội?
-Ngày mai anh sẽ về thăm bên ngoại, mặc dù không còn ai cả. Anh gởi em
ít “quà”, cho cô phòng lúc đau yếu, cho em dùng làm học phí.
-Đi đâu thì cứ đi, nhưng anh phải lấy vợ!
-Bao giờ em lấy chồng thì anh lấy vợ.
Thạch đứng lên, với động tác mạnh mẽ, đưa ngón tay trỏ về phía Tôn. Cho
đến khi hai ngón tay hai người móc chặt vào nhau, cô bé tỏ vẻ cương quyết:
-Em nghe người đời thường nói: “Lời … như dao chém đá!”.
Mới sáng mờ mờ, Tôn cầm chiếc túi đã sờn mép, nhè nhẹ đẩy cửa, định
bước nhanh ra đường, nhìn quanh, thấy Thạch đã lẳng lặng đứng chờ gần lối ra
cổng. Con chó vá quanh quẩn bên cạnh. Không nén được cảm xúc, anh ôm chặt lấy
người con gái, nghe rõ từng hơi thở, đặc biệt mùi mồ hôi, dù chưa thật gần
nhưng quá ư thân thương. Khi buông tay ra, anh nhìn rất rõ trên má, có núm đồng
tiền đáng yêu biết mấy, những giọt nước mắt nóng hổi, từ từ ứa ra, trong veo.
Chân bước đi, nhưng trong lòng cảm giác vừa nhè nhẹ, vừa nằng nặng, rất
khó nói thành lời, khác với những lần trước. Đó là chất sống, còn có cái trừu
tượng hơn, tiếp thêm nghị lực cho anh. Con đường từ nhà ra bến sông, hàng dứa
lá xanh dài, hai bên là hai hàng gai nhọn; không có ai cả. Đứng trên bờ, cũng
như ngày trước, phía bên này đất lở sâu vào hàng chục mét. Bên kia là bãi cát
dài. Nước cạn. Anh đang xăn quần định lội sang. Phía dưới có chiếc thuyền đan
bằng tre, hai người vừa chèo vừa hò, nghe xao xuyến đến lạ lùng. Lội ra một
đoạn sông, thì thuyền đến:
-Anh chị cho tôi lên trên nguồn với!
Hai người còn trẻ, vợ chồng mới cưới, họ lên vùng đất của dân làng khai
khẩn mấy năm nay. Tôn ngồi nhẹ lên mép bằng cây tre chẻ đôi, làm thuyền chòng
chành. Người vợ cười rất to, dặn anh ngồi chính giữa vì thuyền nan dễ bị lật.
Họ kể cho anh nghe chuyện trên rừng: Cả làng, nhà nào cũng có người lên ở đó.
Đất dọc sông, rộng và bằng phẳng. Chia ra từng khu như vườn dưới xuôi, làm nhà,
chăn nuôi và trồng bắp đậu. Đặc biệt là bí đỏ, tới mùa ra vườn, nhìn như những
đàn lợn nằm lăn lóc; có khi hái không kịp để chở đi bán. Câu chuyện đang sôi
nổi, người chồng chỉ tay về phía dãy núi xa:
-Anh thấy gì không?
Tôn ngước nhìn lên dãy núi xanh rì, tỏa bóng lấp lánh xuống dòng sông,
anh kêu lên khe khẽ:
-Trời ơi! Tôi không dám khoe, đã đặt chân tới nhiều vùng rồi, nói như
người xưa: “Ôi, quê hương ta đẹp quá!”.
-Nhưng cũng cực nhọc lắm anh ơi!
-Tôi chưa hiểu thực, hư?
Người chồng dừng tay chèo, nhìn xa xôi, nói ra những điều…
-Trên những bóng cây cao xanh đó, một ngày không xa nữa, chỉ còn là
những bãi đất tan hoang, trơ ra những gốc cây gỗ mục. Bàn tay con người, sẽ
trồng lên những vườn hoa, những nương dâu xanh tốt, nuôi những lứa tằm dệt sợi
tơ vàng óng cho đời. Có gì không phải, xin anh bỏ qua cho. Cũng chính cái bàn
tay thon thả, trắng trẻo đó, cầm dao đâm vào thân thể con người vô tội!
Tôn đang cố lắng nghe, không còn là chuyện đời thường nữa; thì anh tiếp
tục:
-Gần đây thôi - anh ta chỉ tay -
một hố sâu, khoét vào bờ:
-Cũng bàn tay “mềm mại” như anh, như tôi; nhưng người ta đi tìm thuốc
súng làm mìn, ném xuống lòng sông để bắt cá, tận diệt.
Tôn nhìn, người đàn ông vừa mới
lấy vợ này, trên nét mặt, lẽ ra phải rất nhiều niềm vui, anh lại “nở nụ cười”
chua chát:
-Anh ơi, ngày trước, sợ nhất là thiên tai; cái đó như “Trời kêu ai nấy
dạ”, ngày nay, sợ hơn nữa là “nhân tai” đó anh! Mà đã sa vào nhân tai thì… hai tay
chắp trước ngực để lạy Chúa!
Nghe câu chuyện giữa chồng và người khách vào hồi thú vị, chị vợ góp
thêm:
-Chúng em vừa cưới được mấy ngày, hôm đó mới ở bên ngoại về, vừa bước
vào nhà, chưa uống được hớp nước thì một cô lớn tuổi đến trước cửa, áo quần không
đến nỗi te tua, nhưng mặt mũi thiểu não, cất tiếng thều thào:
-“Em mới ở quê vào, không may, bị móc túi trên tàu, mất hết. Cô, chú
làm phúc cho em xin chút ít cho kịp trở về”.
-Anh biết không, vợ giấu giếm chồng, vào buồng chọn những bộ đồ còn mới
bỏ vào túi vải mang ra trao vào tay, lại nhét thêm vào túi bà ta một số tiền họ
hàng mừng đám cưới. Em còn hỏi là với số tiền này có đủ cho tàu xe và ăn uống
dọc đường; bà nói lại là còn dư. Chuyện qua rồi, em quên hết. Hai hôm sau, em
lên chợ Mai. Từ xa, bên lối vào, nhìn một người đàn bà đang cầm cái bị rách,
nách cắp chiếc nón cời, bộ dạng tiều tụy. Em móc túi, cầm mấy đồng tiền lẻ,
tiến đến. Nhìn một lúc, sao thấy quen quen. Em có nhược điểm là hay xúc động
khi bị những ức chế bên ngoài xỉa xói. Quay lại phía sau, nhanh như cắt, định
nhặt hòn đá xanh nằm trên đường, nắm chặt, giơ cao cánh tay, muốn ném cho vỡ bộ
mặt dối trá. Nên khóc hay nên cười hở anh?
Thuyền ghé bến, hai vợ chồng mời Tôn lên chòi nghỉ trưa, sợ làm phiền;
anh xin lỗi rồi mang túi đi tiếp. Đến nơi, vách núi cao dựng đứng, một phần nhô
ra giữa sông, tạo thành thác nước, sóng cuồn cuộn. Thế mà phía bên kia, một
ngôi làng có người với quán xá đông đúc.
///---///--- Hết bài thứ 43
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét