Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN I - BÀI 2

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 2

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - Bài 2


Từng nhóm dăm ba người, phía này thì đi ra; phía kia thì đi vào. Tại sao? Tất cả hành động theo cảm nhận rất chủ quan. Mang trên người chiếc “ruột tượng”, tay cầm cành ổi vừa bẻ được bên vệ đường , thằng Cháu cũng xăm xăm bước theo “đoàn người vô định”, đến bờ con sông, người lớn thì ngồi nghỉ, trẻ con xuống nghịch nước. Một bà mẹ trẻ, dắt đứa bé xuống rửa mặt. Đang đứng gần, thằng Cháu thoáng nhìn em bé, có một nét gì đặc biệt; tiến đến, trao nhánh cây có trái ổi.

Thấy nét mặt hiền lành, nhìn thằng Cháu từ đầu tới chân, người mẹ hỏi:

-Sao cháu lại ở đây, cùng đi với ai?

Hơi bối rối trong giây lát, rồi lễ phép đáp:

-Cháu bị lạc gia đình rồi dì ơi!

Cậu bé đưa vạt áo lên lau nước mắt.

Trời mới hé nắng, màn đêm còn vương vấn. Bỗng chốc từ phía nam, chiếc “bà già” ù ù rì rì bay qua. Nhanh như cắt, chiếc dakota nhào tới. Một loạt bom giội xuống, xác người, áo quần bay tung tóe. Cháu bé ngất lịm, bà dì bị mảnh bom đâm trúng ngực, máu trào ra ướt đẫm cả vạt áo. Chiếc dakota quay lại. Mấy quả bom nữa ném xuống. Khói đen dày đặc trùm lên bến sông.

 

Phải mất cả ngày, không còn biết gì nữa; như giấc ngủ dài, khi tỉnh dậy, thằng Cháu nhận ra mình đang nằm trong cái lán tre. Không gian trong suốt. Thời gian như ngừng lại. Cảm giác đầu tiên là sợ: ám ảnh trận bom vừa qua, máu me, người chết; mình đang ở chỗ nào đây; mẹ đâu; ông bà đâu? Bị lạc rồi… Lạc!

Những ngày đầu, những ngày tiếp theo và sau này nữa, lòng thằng bé, thỉnh thoảng bị những cảm giác bơ vơ, lưu lạc giày vò.

Rồi cũng quen dần với với cuộc sống hiện tại: ăn xong, thằng Cháu dọn dẹp bát đũa đem đi rửa. Ban đầu, cầm nắm rơm vò lại, múc nước đổ vào cái vò vỡ; rửa đi rửa lại mấy lần mà chưa vừa ý. Mấy ngày sau, một anh lớn tuổi, đem về một chai nước màu đen, thêm cái xơ mướp:

-Em dùng cái này sẽ sạch sẻ hơn.

Cứ thế, việc hàng ngày thằng Cháu làm đều đặn, chăm chỉ. Rồi một hôm, anh Lâm, người vui nhất trong ba anh ở trạm, thấy thằng Cháu ngồi hóng mát, tay cầm chiếc chong chóng bằng lá dứa, căng ra trước gió; những vòng quay tròn; một cái gì rất gần mà cũng rất xa. Anh chăm chú nhìn cậu bé:

- Cháu ơi, em có biết chữ không?

-Có học một ít thôi, anh ạ!

-Anh đang có một quyển vở cũ, còn một ít giấy trắng và cây bút chì. Bút này ruột to, hay lắm. Ngày mai, em bắt đầu học nhé!

Lặng đi trong giây lát, thằng Cháu nhẹ nhàng bước đến ôm anh Lâm:

-Dạ.

Lững thững bước xuống vườn sắn bên cạnh trạm sau trận mưa đầu hè, lá đang lên xanh, thằng Cháu cảm thấy vui vui. Chiến tranh để lại những giây phút khủng khiếp, nhưng mà chả nhớ được gì nhiều.

Ngày hôm sau, bưng mấy củ sắn luộc lên, cả ba anh trong trạm xúm lại, mỗi anh cầm một củ:

-Nhờ bé Cháu nên độ này mấy anh đỡ vất vả. Anh Cần vừa nói, vừa bẻ một miếng bỏ vào miệng.

Anh Liêm nhỏ tuổi nhất, lúc nào cũng cười đùa:

-Rửa bát, đun nước… giỏi lắm, xứng đáng gọi là “Em nuôi” rồi đấy!

Sau bữa sáng đơn sơ, anh Lâm đem quyển vở và cây bút chì ra:

-Em ngồi vào bàn, ta bắt đầu.

Lâm ngắm nhìn cậu bé một lúc:

-Không thể cứ gọi mãi “thằng Cháu” được, phải có tên! Anh đặt cho em tên mới.

-Tên gì hở anh?

-Tên rất dễ gọi mà. Lâm đăm chiêu một lúc, rồi à lên:

-Phạm Tôn Chân!

Thằng Cháu đang ngơ ngác thì Lâm nói tiếp:

-Anh là Phạm Đình Lâm. Chúng ta cùng họ hàng. Lớn lên em sẽ hiểu “Tôn Chân” và sống theo “tôn-chân”. Bây giờ bắt đầu nhé: Viết trước, làm tính sau: Nhiễu điều…”. Chữ h phải cao lên, khi kéo xuống, nét phải to ra. Tiếp: “... phủ lấy giá gương”. Chữ g, bụng hơi lép một tí, khi vòng lên phải tròn lại.

Nghe tiếng người lao xao ngoài cổng – cảnh này hay xảy ra – anh Lâm chạy ra trước. Một người bị thương ở mắt đang nằm trên cáng lấy từ vạt giường bằng tre, buộc mấy sợi dây chìu vào chiếc đòn; người đàn ông và người đàn bà cùng khiêng vào. Anh Lâm giúp họ, đưa người bị thương vào nhà:

-Tôn – anh gọi tắt – đun nước sôi. Liêm chuẩn bị sơ cứu.

Anh Lâm đến bên người bệnh; hỏi người nhà nguyên nhân và tình trạng sức khỏe, rồi bắt đầu kiểm tra, vệ sinh mắt bên phải cho người bệnh.

Những lúc rỗi, ngoài việc học, Tôn còn được các anh chỉ dẫn thêm: cách pha nước muối, luộc dụng cụ; cái tên “Xơ ranh xanh” lần đầu nghe lạ lùng quá.

Chỉ một thời gian ngắn, tình hình có vẻ yên ổn. Buổi tối, ăn cơm xong, anh Lâm hơi “nghiêm nghiêm”, đến cầm vai Tôn:

-Ngày mai, dậy sớm, anh đi lên phía trên. Anh Cần đi xuống phía dưới; những nơi ấy xa lắm. Công việc mới đang chờ. Còn Tôn theo anh Liêm để anh gởi vào chỗ nào đó cho tạm thời an toàn…

Hai anh đi rồi, tự nhiên Tôn cảm thấy buồn buồn thế nào ấy (một anh xoa đầu, một anh ôm vai). Cả ngày trời không nắng cũng không mưa mà sao dài quá. Đêm xuống nhanh, anh Liêm kiếm đâu về chiếc mũ vải cứng, xem lại bọc đồ của Tôn; rồi dẫn đi. Qua bờ ruộng, rồi lên con dốc trước ngọn đồi thoai thoải; trời bắt đầu mưa nặng hạt. Liêm nắm tay Tôn dắt đi. Chiếc ba lô trên vai Liêm nhẹ tênh – vì chả có gì – định bỏ bọc đồ của Tôn vào, để cho thằng bé đi không cho khỏi ngã, nhưng sau lại thôi. Đến đỉnh đồi, họ nhập vào đoàn người gồm trẻ con, đàn bà gồng gánh, có thêm mấy người đàn ông . Trời sắp qua canh hai, họ xuống dốc đồi. Con suối nhỏ hiện ra trước mắt. Dừng lại nghỉ chân một lúc, những người lớn tuổi cho bọn trẻ con, vượt suối trước. Hai toán đầu, kịp an toàn. Đến khi hai anh em bắt đầu lội xuống, nước đang ròng. Qua đến gần bờ bên kia, bỗng chốc nước suối ào ào đổ về - vì chiều nay, mưa trên nguồn lớn lắm – Liêm kéo Tôn vào gần bờ, nhờ mấy người lớn đang lội gần đó kèm đưa sang rồi quay nhanh lại đỡ hai mẹ con đứa bé đang bị cuốn trong dòng nước xiết. Liêm lao theo, nắm được bàn tay đứa bé, nhưng mấy cơn sóng lớn tiếp theo, kéo họ xuống hố nước sâu ở phía dưới.

///---///--- Hết bài 2

Nguồn: Về một cuộc Hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét