Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 46

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 46

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 46


Nằm co quắp, tay bị trói bằng những sợi tháo ra từ bao bố, một đầu buộc vào cọc gỗ gắn chặt vào thân thuyền; chưa biết sống, chết ra sao, nhưng Tôn vẫn bình tĩnh, tự dặn, phải chủ động trong mọi tình huống. Ở trong mui, cũng mấy cặp bị trói như anh. Nhưng họ không phải dân buôn bán, không “đầu trộm, đuôi cướp” thì cũng thuộc loại “chém đinh, chặt sắt”. Còn hai thằng bé, sao lại phải vào nơi chốn dao, búa này?

Anh theo thuyền buôn bắp, đang về xuôi. Người lái hình như không thuộc địa hình. Trên thuyền, ngoài anh ra, chỉ là mấy người đi buôn đường dài. Được một đoạn, vào vùng thác xoáy, thuyền bị lật. Một thuyền khác, từ dưới, xông lên ập vào. Thế là tất cả rơi vào tay bọn cướp. Rồi người nhà binh vây bắt bọn buôn hàng cấm. Tất cả đưa vào đồn. Họ bắt đầu phân loại. Mấy người buôn bán và bọn trẻ con được thả đầu tiên. Hai toán gồm bọn trộm cắp và bọn buôn hàng cấm cho vào phòng kín, giam lại. Còn một người nữa, chưa rõ lai lịch; được mở trói, đưa vào phòng có cửa, có khóa chờ lệnh. 

Anh lính gác, như thường lệ, sáng sớm vào phòng ông Đội, thuật lại những việc xy ra của ngày hôm trước. Ông Đội còn dùng dằng khi người lính xin ý kiến về “người tù” chưa biết rõ:

-Anh về làm tiếp nhiệm vụ, khoảng một giờ nữa, quay lại.

Tối qua, ăn cơm xong, bà ở nhà có than phiền, con bé giúp việc vì nhà có tang đã xin về quê hơn tháng rồi mà không thấy ra; nhắn vào mấy lần không được, muốn ông tìm cho người khác. “Ta hỏi xem người tù này… Biết đâu? Thử lấy độc trị độc!”.

Nghe tiếng gõ cửa:

-Cứ vào!

Người lính bước vào, trên mặt vẫn còn mấy nét căng thẳng.

-Có chuyện đột xuất?

-Tôi chưa tìm được đồ ăn sáng cho anh ta.

-Chuyện nhỏ ta tính sau. Bây giờ, anh lấy xe tôi, đạp về nhà, bảo bà nhà tôi, có người này giúp. Bà ưng ý, anh đưa về, rồi nghỉ trưa luôn.

Trưa, ông đi bộ về, đang nói chuyện vui với mấy người hàng xóm, thoáng chốc đã đến cổng nhà. Phía bên con chó đốm nằm ở sân, nơi góc xa, gần nhà bếp, một người đàn ông đang bổ củi, lại mặc bộ đồ của ông mà chiều chiều ra đi dạo ngoài bờ sông. Giữ thái độ vô tư, ông đi thẳng vào nhà, tới chỗ bàn làm việc; móc mũ lên giá, cởi áo ngoài, ngồi ngả lưng trên ghế. Như thường ngày, bà vào, đến cạnh; ông đã hỏi:

-Tôi có chọn nhầm người để giúp bà không?

-Tôi mong ông về từ chiều…

-Bà có chuyện khó nói?

-Không.

-Tôi thầm phục bà, vì bà rất tinh ý khi có người lạ ở trong nhà.

-Chỉ một ngày thôi, tạm gọi là “được”: cậu ta bửa củi, dùng búa đưa lên vừa phải, bổ nhẹ, thanh củi tách ra nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức. Giữa chiều, tôi đi chợ về, đứng ở cổng, xem cậu ta tắm cho con Đốm, sao nó hiền thế, khác với mọi khi con Hoàng tắm cho nó mà như đánh vật với nhau vậy! Dùng ruột trái mướp khô, xoa xà bông rồi chải lên người nó, bốn chân nó run run. Con Hoàng ngồi cười thoải mái tự nhiên. Tôi không biết hai người đã nói chuyện gì với nhau.

-Còn ăn uống và nơi ngủ?

-Trưa nay, tôi gọi lên cùng ăn chung, nhưng cậu ta xin phép ông bà cho ngồi riêng. Còn chỗ ngủ, cứ ở phòng cái bé giúp việc. Tôi đã dọn dẹp, vệ sinh.

Ngày hôm sau đi làm về, vừa đạp xe bon bon, đã thấy bà cắp rổ rau đang nói chuyện với các bà vừa làm đồng về. Ai cũng mở lời chào ông Đội. Ông chỉ cười tủm tỉm. Chào mọi người, ông dắt xe cùng đi hàng đôi với bà:

-Sáng nay, cậu ta giảng về toán cho con bé.

-Bà có hỏi gì thêm về hoàn cảnh…

-Không. Tôi suy nghĩ: hãy còn quá sớm!

Theo nếp sống thường ngày, ăn tối xong, ba bà con ngồi uống nước, nói chuyện. Ông hay kể chuyện vui ở nơi làm việc. Ông quay về phía Hoàng:

-Toán loại nào con thấy khó hiểu? Anh ta giảng giải ra sao?

-Phần đại số vừa mới vừa lạ… Mà sao lại bị cầm tù hở ba?

 

Đã mười ngày, thời gian với Tôn, vừa nhanh lại vừa chậm. Có khi anh hình dung được vài ba tháng sắp đến; có khi chỉ tính được vài ba ngày mà thôi. Những việc mà anh “giúp” bà chủ, dù sao cũng có một chút “niềm vui”; anh linh cảm rằng, nơi đây không phải lo lắng, băn khoăn mà anh ngày ngày phải chung sống!

Sáng nay, trời trong, nắng nhạt và gió nhẹ; Tôn chẻ mấy thanh củi xong, sắp lên một chồng từng lớp như bậc thang, trông ngồ ngộ. Hoàng vừa ôn bài xong, nhảy từ nhà ra sân, bước tới vườn định sắp lại mấy chậu cúc cho thẳng hàng thì Tôn bảo:

-Em chăm hoa còn anh tưới rau.

Hoàng vào bếp xách ra cho anh chiếc gàu tôn:

-Mình múc nước dưới cống, được không anh?

-Phải tưới nước sạch để khi hái làm rau sống, ăn mới tốt.

Bà Đội từ vườn đi vào sân, ôm bó lá chuối, dừng lại, nhìn bao quát: Phía bụi “tre cán giáo”, hai con chích chòe đang đùa giỡn, nhổ lông cho nhau. Khung cảnh này, giữa người và thiên nhiên, sống thân thiện. Bà không tụng kinh, gõ mõ, nhưng lòng bà cùng hướng về phía đạo Phật.

Ông Đội trưa nay về sớm. Đạp xe sắp đến nhà thì xe tuột xích. Ông ngồi chữa một lúc, hai bàn tay bê bết dầu, vẫn không ổn; ông đành phải dắt bộ. Tưới rau xong, Tôn đang cùng Hoàng cắt, tỉa mấy cây hoa, nhìn ra phía xa, thấy ông đang dắt xe chầm chậm; anh phóng ra cổng, đến gần, cầm lên tay lái, nói nhỏ:

-Xích bị sự cố, xin phép ông để tôi dắt vào.

Chọn góc sân có ít lá rụng, Tôn đặt xe nằm xuống, thì ông mang ra cho anh thùng đồ nghề. Mở ra, lấy búa, cái đột và con ốc sắt, trong phút chốc, anh đã cắt bớt một đoạn dây xích, lắp vào. Dựng xe đứng lên, anh dùng khăn lau khung xe, rồi lau rất kĩ sợi dây xích, tiếp theo nhỏ nhớt vừa mỏng vừa đều; sau cùng là lau sạch lớp nhớt. Ông Đội đứng nhìn anh làm, vừa chú ý, vừa như không. Một lúc sau, Hoàng pha trà, bưng lên phòng khách, ra mời ông, bà và Tôn vào uống nước. Chuyện không có gì phải bận tâm, thế mà sau này anh nghe bà nói lại: Ông không hiểu tại sao, khi tra nhớt vào xích, anh lại dùng khăn lau sạch. Anh nói cho bà và Hoàng là nhớt còn thừa nhiều thì cát và bụi sẽ bám vào làm bẩn xích, nó mòn nhanh hơn. Nghe bà nói lại chuyện cỏn con như thế cho nên sáng hôm sau, không đi làm, ông cùng bà ngồi nói chuyện với Tôn. Ông có thói quen là khi có khách dù là thân hay sơ, bao giờ cũng có ấm trà nóng. Ông rót đầy ba cốc, đưa cho bà, mời Tôn và ông bưng cốc, vừa uống vừa bắt đầu:

-Anh tên Cư à?

-Dạ thưa, không phải ạ. Khi ở trong phòng giam, tôi khai đại là Cu. Với gia đình, cứ gọi là Tôn.

-Anh đi đâu mà bị bắt cùng với bọn bất hảo?

-Từ quê, tôi đang tính vào phía nam…

Ông ngắt lời Tôn:

-Quê là… à, ở nơi đâu?

-Dạ. Là Thuận Biều.

Ông ngồi trầm ngâm. Bà nhìn sang ông, bất chợt - hay ông bị “bệnh nghề nghiệp”, ít khi nói chuyện mà ông ngắt lời người khác! - bà thay đổi tư thế ngồi, ghé về phía Tôn:

-Gia đình muốn anh giúp Hoàng học toán và một số môn nữa. Còn tiếng Pháp thì nhờ cô giáo cũ.

-Tôi sẽ cố gắng. Nhưng bà hỏi thêm ý của Hoàng.

Nhìn thấy Hoàng ôm vở ra khỏi phòng học, biết ý; Tôn xin phép đi ra ngoài.

-Có chuyện gì mà ngồi lâu thế?

-Chuyện học của em thôi.

Khi còn lại hai người, bà mới hỏi ông:

-Ông có gì hoài nghi,,,

-Không nghi kị gì cả, nhưng muốn biết thêm vài điều.

-Tốt hơn hết, ông nên ngồi nói chuyện với anh ta thêm một lần nữa. À, mà…Ông ơi, tiện hôm nay rảnh rỗi, ta bàn tiếp việc hôm trước.

-Tôi hiểu được ý bà: Sang năm tôi nghỉ hưu - làm thêm một, hai năm nữa cũng được - nhưng vợ chồng bác Từ bên Paris gởi thư về muốn hai cha con tôi qua sớm. Còn bà thu xếp việc nhà rồi sẽ sang sau. 

-Chỉ còn lo trau dồi tiếng Pháp cho Hoàng nữa mà thôi.

 Ông đứng lên, do dự một lát, quay lại nói với bà:

-Hôm nay bà chưa đi chợ, hay tôi chở bà đi.

-Vui thế này, không đi thì tiếc lắm, nhưng tôi mua hến rồi, trưa nay tôi đãi cả nhà.

Tự nhiên, lòng bà thấy phấn chấn: chuyện đi Pháp thì dùng tiền hưu của ông, còn ăn, ở thì bà con giúp, bà nhớ buổi tối trên con đường thơ mộng, lần đầu ông ôm bà, cảm giác đó không bao giờ phai mờ, bầu trời đầy sao, ở phía xa, tiếng còi tàu rời ga. Mấy chục năm rồi, sống với nhau đầm ấm, chỉ duy nhất có đứa con gái, ông gần với “hoàng tộc” nhưng ở giữa đời thường, chả có gì làm ông phải suy tư.


///---///--- Hết bài thứ 46

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét