VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 36
Trời xế chiều. Nắng vẫn còn gay gắt. Tôn đang
ngồi ở quán “bún bò gốc Huế”; khách vào, nhìn lướt qua, biết là loại khách
quen, không phải dạng “bình dân”. Bàn đối diện, người đàn bà đứng tuổi, ngồi
chung với hai cô gái, ăn mặc rất lịch sự. Họ gọi ba tô: bún giò, bún thang;
người sau chọn bún chả. Họ ăn và nói chuyện, nhỏ nhẹ và thân mật. Tô bún trên
bàn Tôn ngồi, chỉ còn lại tí nước. mấy cọng giá. Dĩa rau sống, hầu như vẫn còn
nguyên.
Chiếc xe Jeep mui trần, từ ngoài đường rẽ vào,
để lại sau đuôi, một đám bụi dày đặc. Hai người ngồi sau, nhảy xuống; đi vào
quán:
-Cho hai tô giò.
Một người ăn rất nhanh, còn người kia, vừa ăn
vừa hút thuốc. Người ăn xong trước, đi lại chỗ để nước uống, cầm cốc vừa uống,
vừa nhìn quanh, thấy Tôn đang chuẩn bị đứng lên, thì tiến lại:
-Cơn gió nào đẩy ông đến đây?
-Ông có nhầm tôi với người nào đó không?
-Sao ông chóng quên thế! Lần trước, cũng đã
lâu rồi, ông Mậu và ông đem quà tặng; tôi vẫn nhớ câu ông nói khi chia tay: “
Tôi còn tin, quả đất tròn...”. Anh em chúng tôi, muốn có ngày gặp lại mà chưa
có dịp. Thế này nhé: vì ít thời gian; nếu không có gì trở ngại, ông đi với
chúng tôi, chỉ một, hai ngày. Vui là chính!
Tôn biết điểm yếu của mình là hay có tính cả
nể, không dám từ chối, dù việc đó đang còn đắn đo:
-Tôi chỉ muốn đi chơi một đêm thôi.
Thế là họ lên xe. Trước
khi nhấn ga, người cầm lái nhắc mọi người chú ý, đoạn này vào đèo, đường rất
xấu. Chiếc xe nhà binh như người say rượu, hết lắc lư rồi đến gầm thét. Ngoài
người cầm lái, cả ba bắt đầu vào cơn say. Lên gần đỉnh đèo, xe dừng lại. Tất cả
bước xuống bãi cỏ ngồi thở. Một lũ áo đen, chừng năm đứa, nhảy ra từ bụi rậm.
Thằng to, lùn bước tới:
-Các anh giúp bọn em ít
lương thực; mấy ngày nay đói quá!
Hai thằng cao cao, trong
tay cầm gậy, đứng yểm trợ phía sau. Tình huống quá bất ngờ, tất cả như chững
lại. Lê lái xe vẫn nắm chặt vô lăng. Long và Lân đang nhìn ngơ ngác. Thằng áo
đen thứ nhất lăm lăm, nhắm vào Long. Thằng áo đen thứ hai, như con sóc, nhảy
mấy bước; thò tay vào thùng xe, cuỗm bao đồ, chạy biến vào rừng.
Thằng áo đen thứ ba, vừa gậy, vừa dùng thân, nhảy vào định hạ sát Lân. Ở phía
sau, với tư thế thuận lợi, Tôn vơ ngay bao bố ai ngồi bỏ ở vệ đường, ném vào
mặt. Mất phương hướng, nó vừa dụi mắt, vừa vò đầu, lảo đảo thối lui. Thấy Long
đang nằm lăn ra đường, Tôn chạy lại. Máu ở cánh tay Long chảy ra thành dòng.
Tôn bước lên xe, xách túi vải nhạt màu - vật bất li thân - mở dây, lục tìm; toàn loại vải thô, còn lại chiếc áo kỷ niệm của Luyến, mỏng và sạch; do dự chút xíu, Tôn xé
toạc hai vạt trước, băng vết thương cho Long. Mấy phút im lặng trôi qua, Long
ngồi dậy:
-Công việc còn phải đi tiếp, mà tay mình bị thương thế này…
Lân đưa mắt về phía Lê.
Chờ thêm một chút nữa thì Tôn, nhè nhẹ, nho nhỏ:
-Tôi không biết công việc
của các anh. Còn anh Long, phải chữa gấp vết thương, ta sẽ đưa đi tìm thuốc.
Xe lăn bánh từ từ, xuống
chân đèo, không tìm thấy nhà người ở hay quán xá nào cả; giữa đêm khuya khoắt
thế này cũng chả biết hỏi ai. Lê cho xe rê theo triền đường thấp dần, đi được
một đoạn, mọi người mừng quá vì nghe có tiếng gõ từ sông vọng lên. Đó là tiếng
gọi cá quen thuộc của dân chài. Đúng ra là người ta dùng đoạn gỗ ngắn, đập vào
mạn thuyền, xua cho cá dưới sông, di chuyển vào lưới đã chăng sẵn. Long và Tôn
xuống xe, tìm đường ra bờ sông. Đợi một lúc nữa, tiếng gõ rõ dần, Tôn bước lên
mỏm đá. Chiếc thuyền không mui, ngồi phía trước thấp thoáng
chiếc áo trắng, người con trai đang kéo lưới lên khỏi mặt nước, nhặt từng con
cá bỏ vào giỏ. Phía sau, người con gái, mặc tà áo mỏng bay bay trong gió, hai
tay lướt nhẹ trên mái chèo. Trong lòng Tôn rất tự nhiên, một niềm vui ùa đến:
-Các em ơi, bạn anh bị thương, nhờ giúp đỡ!
Anh con trai dừng tay,
quay lại nói nhỏ, người con gái đẩy mạnh mái chèo, cho mũi thuyền tiến vào bờ.
Tôn để Long ngồi yên, đi xuống phía trước thuyền, người con trai chỉ tay:
-Anh nói với chị em.
Tôn từ từ xoay mình,
người con gái đã lên tiếng:
-Thương tích thế nào mà xảy ra đêm hôm thế?
-Anh Long ngồi đó đó, bị
ở tay; máu ra nhiều lắm!
Thuyền cập bờ, cả hai chị em nhảy xuống;
-Thu phụ đưa anh gì… lên
thuyền.
Chững lại một lúc, Thương
quay lại, bước lên thuyền, hướng về phía Tôn:
-Đã sơ cứu gì chưa?
-Tôi chỉ băng…
Thương lục tìm trong đống
đồ đạc ngổn ngang, cầm lên cái chai nho nhỏ bằng quả cau, ghé vào gần mặt Tôn:
-Dầu tràm xứ họ Bùi. May
quá, còn một ít; em sẽ bôi để sát trùng; đến sáng hãy hay.
Thương mở băng, nhìn vết
thương, máu vẫn còn ri rỉ; thấm dầu vào mảnh vải Tôn đưa, làm vệ sinh. Tôn ngắm
người con gái, giống như một y tá thực thụ, đáng yêu quá đi thôi; nhưng không
dám nói điều gì. Long ngồi hẳn lên, mặt hơi nhăn nhó:
-Cám ơn hai chị em. Nhưng
rát quá!
-Tốt, rất tốt. Bước đầu,
cầu mong cho không bị nhiễm trùng! Trời sắp sáng rồi. Chúng em sẽ đưa anh đi
làm thuốc.
Thương bắt đầu đặt bàn
tay dịu dàng lên mái chèo, cho thuyền xuôi theo dòng nước. Thu tiếp tục kéo
lưới bắt nốt những con cá còn sót lại. Đi được vài cây số, bên bờ phải đã thấy
thấp thoáng những mái nhà. Thương chỉ tay:
-Sau xóm nhà, phía trong
nữa, có nhà thờ. Chúng mình sẽ lên đó.
Trời vừa sáng tỏ. Thuyền
cập bến. Thương đến gần Long, ngồi xuống:
-Anh thấy trong người thế nào?
-Hôm qua, khi mới xảy ra, hình như tôi bị choáng.
Bây giờ thì dễ chịu hơn rồi.
-Không sao đâu. Anh nghe em; đừng lo lắng; chỉ
vài chục phút nữa thôi.
Thu bước nhanh xuống trước, kéo và giữ thuyền
để mọi người lên bờ. Đường đất hẹp, dốc thoai thoải đi lên làng. Đến bụi tre,
Thương ngoái lại dặn Thu nhớ trông đồ đạc. Phía sau ngôi làng là nhà thờ nho
nhỏ. Thương để hai người đứng chờ, chạy vào một lúc rồi chạy ra, dẫn họ vào căn
phòng nhỏ, cạnh nhà thờ. Nghe Thương thưa chuyện xong, người y tá già dùng cồn
sát trùng, rửa thuốc tím; sau đó dùng gạc tẩm thuốc và băng lại:
-May quá, đã có sát trùng sơ bộ. Hy vọng vết
thương sẽ chóng lành. Ba người đứng lên, như một hàng thẳng, vừa nói vừa cúi
đầu:
-Chúng con không biết nói câu gì…
Xơ cầm vào vai Thương:
-Đừng nói gì hết. À mà này, để cho người bị thương
nghỉ một lúc. Các con ra sau, chơi với mấy đứa nhỏ.
Đó là một “trại mồ côi” gần mười đứa. Ở giữa
gian nhà hẹp, trải mấy chiếc chiếu. Chúng nó ngồi thành vòng tròn, sắp tới giờ
ăn. Tôn và Thương nhìn bọn trẻ, chúng nó rất vô tư. Tôn định nói với Thương câu
gì cho thật “đặc biệt sâu sắc”, nhưng không biết nên bắt đầu thế nào; thì chứng
kiến cái cảnh này: mỗi đứa cầm một chén nhỏ, vài muỗng cơm, một ít rau và đôi
ba con tép. Tôn hay nói với bạn bè mình là thằng yếu đuối, nên đến gần :
-Thương ơi, chúng ta có thể giúp được gì…
-Em hiểu ý anh rồi!
Hai người quay ra, đi xuống mé sông nơi thuyền
đậu. Khi nghe chị nói mấy lời về khó khăn của trại trẻ, Thu bảo ngay:
-Em gom hết số cá bắt được mang lên cho.
Ba người vào nơi chỗ cứu thương, Long đang
ngồi nghỉ; vừa nói vừa cười:
-Hầu như đã hết nhức.
Tôn đến gần:
-Long ơi, vết thương sẽ lành thôi, nhưng có
chuyện này…
Tôn chỉ nói vắn tắt, Long đáp, không một
thoáng suy nghĩ:
-Trong túi, tôi có mang theo 5 đồng. Tôi đóng
2 đồng, ba đồng còn lại tôi góp cho ba bạn.
Thương đi trước, Thu xách túi cá, Tôn và Long
cùng nhau đi vào nơi xơ đang đứng. Mọi việc ùa tới nhanh quá, làm xơ hết sức
cảm động. Đã vào gần trưa, xơ giữ lại ăn cơm. Nhưng mọi người phải về ngay vì
còn nhiều công việc đang đợi.
///---///--- Hết bài thứ 36
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét