Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN II - BÀI 10

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN II - BÀI 10

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN II - BÀI 10


Tranh thủ những ngày ngược xuôi sông nước, Tôn tranh thủ học. Một chương trình tự vạch ra, tự thực hiện, phải theo như có thầy bên cạnh bắt buộc! Sau mấy bảng cửu chương, phép nhân chia; tiếp đến: loại toán gì mà trên con số, dưới con số, một vạch ngang ở giữa; đến các phép tính phân số, rồi quy tắc tam xuất, tiếp thu được. Một phần nào Tôn đã biết cách tự học. Nhưng cầm tới cuốn toán mà Xoan cho mượn, gặp ngay con số, ở trước có dấu trừ. Toán gì lạ thế? Một mét, hai ki lô gạo, ba lit nước… Biết là số âm, nhưng dùng để làm gì? Phải chờ lúc về mua cơm để nhờ Xoan giảng giải cho. Xấu hổ không? …  Không hiểu thì hỏi, chẳng xấu gì cả. Tôn yên tâm nằm xuống một mình trong đêm vắng, suy nghĩ về những con số.

Đi thêm mấy chuyến, quen rồi; Tôn không còn say sóng nữa. Chiều vắng. Các anh đi mua vật dụng, sẽ đi lâu hơn. Đang đánh vật với mấy cái hằng đẳng thức đáng nhớ - hay là đáng quên đây? - thì nghe bên cạnh bè có tiếng động. Một đứa con trai, chắc cùng tuổi, đang nắm tay vào mạn thuyền. Trong nháy mắt, nó nhảy lên sàn, vơ mấy bộ quần áo các anh đang phơi trên mấy sợi dây rừng. Vừa ôm đồ, nó nhảy lẹ xuống nước, bơi vào bờ. Không đắn đo gì hết, bỏ cuốn sách xuống, nhảy vòng ra xa, với hai sải bơi, Tôn cầm được tóc nó:

-Ăn trộm, quân ăn trộm!

Trườn vào đến bờ, thấy nét mặt nhăn nhó của nó, Tôn không nỡ đánh; tiếp:

-Tao tha cho mày!

-Không phải. Không phải.

-Không phải cái gì?

-Vì các anh tranh bến của nhà em mà.

Chiều miền trung du vừa có cái nét cô liêu, vừa có cái nét hoang sơ. Trung và Nam tìm đến cái lán có bàn cờ tướng. Đã vào đây rồi, ai cũng quên hết, cái câu quen quen “Tượng điền, Xe liền, Pháo cách” – nhưng mà hơn cả, đâu có thắng thua, mà là một cuộc đấu trí thú vị như cầm quân trên chiến trường vậy! Còn Bắc ngồi xem Tôn học:

-Cái thiết diện cắt mặt phẳng qua khối chóp cụt, em không hình dung được, nó là hình elip hay tròn. Cái món này rắc rối quá anh ơi!

-Em dùng tấm bìa, cuốn lại; rồi thử quan sát, sẽ hiểu ra ngay và cảm thấy thú vị lắm đó. Chuyện trộm quần áo hôm nọ là sao?

-Hình như mình chiếm chỗ của nhà nó. À, đúng rồi. Hôm trước khi hai bè xuôi ngược gặp nhau, bộ mặt cha nó tỏ ra khó chịu.

-Đúng. Chú nói phải. Lần sau chúng ta ghé bến phía dưới xa, cho đỡ mất lòng.

Ngồi im một lúc, nhìn vào Tôn, Bắc nhỏ nhẹ:

-Anh đã không nhầm. Lần gặp đầu tiên, anh đã có nhận xét… Sắp tới, chỉ còn Trung và Nam làm. Trung và Nam là con trai hai người em trai của cha anh. Còn anh… Này, biết anh mấy tuổi không?

-Độ ba hai, ba ba gì đó.

-Sao mà trẻ thế được. Gần bốn lăm mà chưa đâu vào đâu cả. Cha, mẹ anh ở quê buồn và trách anh lắm! Hai đứa em gái lấy chồng xa mấy năm rồi, hai ông bà già sống cô quạnh. Hồi đó, sắp thi Prim. thì  ông bà già định đi hỏi con gái ông Huyện làng Bùng - hai ông vốn chơi thân thuở hàn vi -  Cô ta học trên anh mấy lớp và học giỏi lắm.

-Em xin lỗi nghe. Tại sao anh khờ thế!

-Anh tin – cho đến gần đây – cuộc đời cũng có cái gì gì đấy mà người ta hay gọi là “Duyên phận”.

Chuyến bè ngày hôm sau, Tôn gởi anh Nam nhờ chuyển cho “cô hàng xén” gói quà. Đó là tấm gỗ nhỏ có vẽ hình cô gái tóc chấm ngang vai bằng bút chì.

Hoàng hôn âm thầm dần dần buông. Trung, Nam kéo Tôn ra vạt cỏ gần cây gội, người cầm chiếc cốc, người câm chai rượu; Tôn đang chưa hiểu có chuyện gì bất thường chăng? Ở góc có mấy hàng tre lúp xúp, Bắc vừa ôm trên tay gói gì to to. Nam chạy đến giúp thì Bắc bảo:

-Ngắt ngọn lá bàng!

Bốn người ngồi quanh, Trung lên tiếng:

-Thơm quá!

-Các chú biết thịt gì không?

-Thịt chó… “cầy tơ” đó!

-Tìm hết cả buổi chiều, may… cầy hương. Nghe mùi thơm không?

Nam rót rượu. Bắc ngồi thẳng lên – bóng dáng này hơi khác thường:

-Chú Nam rót đầy cốc nhé. Anh em mình hôm nay ta…

Lặng đi một lúc, Bắc mới tiếp tục:

… Ngày trước có chuyện “Kết nghĩa vườn đào” mà xa xưa rồi… Tối nay, chúng mình ăn thịt, uống cốc rượu để kỷ niệm tình nghĩa anh em.

Bắc nâng cốc rượu, hớp một ngụm, tiếp theo trao cho Tôn rồi tới Trung. Nam là người sau cùng. Uống, uống hết đi!


///---///--- Hết bài 10

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét