Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 30

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 30

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - BÀI 30


Buổi tối, Mậu dành thời gian khá lớn, xem lại những ghi chép, mà thời gian qua, anh chú tâm: nghiêng về con người tử tế, hơn là kẻ du thủ du thực. Anh Núi phải gặp anh ta lần nữa, để biết thêm về gia đình, quê quán… hoàn cảnh những năm tháng đã qua. Cũng không thể trách ông Mậu, con người quá kĩ tính, vì những trải nghiệm, những va đập chua xót.   

Buổi sáng, Tôn vừa ăn xong, đang muốn đi ra ngoài, thì Mậu và Núi bước vào. Dù chưa gặp, nhưng Tôn không bất ngờ vì biết “cái chuyện này” thế nào cũng đến.

-Ông Mậu dành sáng nay để chúng ta cùng nói chuyện.

Tôn đứng dậy, tay phải cầm cổ tay trái, nói nhỏ nhẹ:

-Tôi muốn nói lời cảm ơn, e rằng khách sáo quá!

-Ông Mậu muốn anh em mình ra ngoài vườn, vừa uống nước, vừa nói chuyện.

Anh Núi bước trước, tiếp theo là Tôn. Ông Mậu đi sau cùng – dáng đi, phần nào đó, thể hiện tính cách. Tôn không ngờ rằng, cạnh sân, sau hàng tre cắm đơn sơ, mấy cây mướp trổ hoa vàng đẹp quá; chỗ ngồi là gốc cây rừng đẽo thành bàn và mấy chiếc ghế, đơn giản mà sang trọng. Chiếc mâm tre, đặt bộ ấm chén màu xanh ngọc, mùi trà nóng, thoang thoảng, gợi vào lòng người cảm giác bình an. Nếu không nhầm, đây là lần đầu, sau biết bao ngày tháng…

-Anh Núi đã bày tỏ chuyện trà. Anh đã đi xem cơ ngơi của chúng tôi. Anh Núi có sáng kiến, gọi là “Trà Mậu”, còn riêng tôi, e còn sớm quá, chất lượng phải độc đáo; mùi vị khi khách nhâm nhi li trà, làm con người ta ngây ngất trong cảm giác khó diễn tả thành lời.

Núi ngồi nghe rồi cầm con chim bằng gỗ để ở bên cạnh, đi ra phía ngoài, lau bụi, thì Mậu gọi lại:

-Anh cứ ngồi nói chuyện cùng chúng tôi.

 

Lần gặp tiếp theo, Mậu đưa Tôn vào phòng vây kín bằng ván, chỉ mấy mét vuông; nhưng bên trên, có cửa thông gió, nên không khí rất mát. Hai người ngồi trên hai ghế nhỏ, đối diện. Có lẽ, trong đầu Mậu, lúc nào cũng nghĩ đến trà nên khi gặp Tôn, dù chưa biết, nhưng có một hy vọng thô sơ nào đó, mong Tôn mở lối, dù là…

-Tôi gần ông chưa nhiều, nhưng tôi hiểu được tâm tư ông. Với ông, nỗi niềm về trà, có thể nói, như một tín đồ, mê đạo trà.

-Đúng. Ông đã phần nào hiểu được. Không biết có quá lố không, khi tôi bộc lộ với ông điều này: tôi chưa đi tu, cũng chưa hiểu gì nhiều về đạo Phật, từ khi ấp ủ theo cái nghiệp này, chiều sâu trong tâm can có sự chuyển, gọi là “tà” – tạm coi như thế - sang “thiện”.

-Tính cách như ông, nếu không nhầm - tôi trộm nghĩ  -  làm sao ông có thể làm hại người được?

-Con người ta làm sao quên được quá khứ, những ký ức, mà đó là vết thương rỉ máu không bao giờ lành?

Mặt Mậu đanh lại, quay nhìn sang chỗ khác; liếc rất nhanh, nhìn khuôn mặt con người mới gặp lần đầu. Tôn lập tức dịu giọng, chuyển câu chuyện:

-Ông có biết, chuyện trà bên Nhật không?

-Mong ông…

-Tôi chỉ nhờ đọc sách đâu đó: mà cầu kì lắm cơ! Phải dùng ấm chén ra sao, nấu nước, tráng bình… Đến bàn ghế, cách ngồi. Động tác uống trà thật đặc biệt, làm như nghệ sĩ xiếc! Phải học người Nhật, ít ra là về cách sống.

Trà đạo (Chanoyu), thế kỉ XV ở Nhật Bản, giai cấp võ sĩ (Samurai) đã đưa trà thành một tín điều mỹ học, tức là trà đạo là như thế! “Mỹ cảm là cốt lõi của tính cách dân tộc Nhật. Đó chính là đặc điểm căn bản nhất mà tất cả các đặc điểm còn lại đều tập hợp xung quanh” (Te. Ta.).

Tôn nhìn kĩ, vết thương trên mặt ông ta, đã làm lệch hẳn chân dung một con người… đúng là một cái “hạn” lớn. Rồi Tôn hạ giọng:

-Tôi có một phần lỗi, đã làm tổn thương…

-Không hẳn thế. Chính tôi khuyên Luyến. Cái thằng người trong chúng mình cũng oái oăm thật: cái chuyện đời vừa muốn vừa không.

Mậu ngừng câu chuyện, nhìn xa xăm; đăm chiêu một lát, rồi tiếp tục:

-Tôi biết, tôi không thể giữ, mà cũng không nên làm hoài phí thời gian của ông. Ông cứ tạm nán lại. Giúp được cái gì thì cứ giúp. Ông ngủ chỗ tôi hay ngủ chỗ anh Núi cũng được. Mọi việc tùy ý ông, miễn là ông cảm thấy thoải mái, như thế công việc mới hiệu quả!

-Thời gian trước, cũng đã mấy năm, tôi đến một vùng quê tìm hiểu, ban đầu là nghề mộc cao cấp. Sau đó, tâm đắc nhất là gốm mỹ nghệ, nguyện suốt đời theo đuổi: tôi đã hình dung được, chọn nguyên liệu, dựng xưởng, tuyển người… Sản phẩm là sứ, có men lam đặc trưng, tạo ra những độc bình rạn, giống đồ cổ mấy trăm năm trước… Cái này độc đáo lắm ông ơi!

-Sao ông không làm?

-Ông trời bắt tôi còn phải lận đận. Ông có tin không, hình như có cái “số” gì đó, ám vào người tôi?

Những ngày sau, Tôn theo sát chân Núi, đến lò sấy, xem khâu đưa củi vào đốt. Tìm cách chất củi, để lửa cháy đều; hạn chế khói từ lò bốc lên. Những búp trà sau khi qua khâu vệ sinh, ủ, phơi sương… đến giai đoạn tiếp xúc với nhiệt. Khâu này quyết định hương vị, màu sắc; đặc biệt những cọng trà khi bốc lên, bỏ vào lòng bàn tay hình uốn cong cong, nên mới có tên là “Trà Móc câu”… Những người như ông Mậu, anh Núi… nhìn là biết, không cần phải nếm thử. Trà đó đã đạt được bao nhiêu phần. Những ngày tiếp theo, Tôn cùng cậu Biển ra bìa rừng, chọn củi: thân cây chắc, không quá to, nhưng cũng đừng bé tí. Đem về, mang ra bãi cỏ, sắp thành từng giàn, hứng lấy ánh nắng. Sau một vài nắng tốt, củi được xếp vào chỗ khô ráo, tránh sương mù, hơi đất. Những chuyện đó xem ra rất nhỏ mọn, không đáng kể, nhưng khi ông Mậu nghe Núi thuật lại thì gợi cho ông thêm những suy nghĩ. Đặc biệt là khâu giữ sạch nguyên liệu từ khâu đầu cho tới khâu cuối. Ông Mậu dặn, phải làm ngay. Ngày xong công việc dồn dập, đêm về, suy đi nghĩ lại, cảm thấy những việc mà Tôn và anh cùng bàn bạc, cùng làm với nhau; tự nhiên làm cho Núi bất an. Một đêm, chập chờn, không thể nào chợp mắt. Cái cảm giác này, cứ giày vò, không thể nào dứt ra được. Núi thức giấc, định chạy lên gặp ông Mậu; do dự, lại nằm xuống.


///---///--- Hết bài thứ 30

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét