VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 32
Thật
bất thường, Núi đêm nay rất tỉnh táo, dù mấy lần chợp mắt: vui và buồn trộn lẫn.
Anh ta không thể rạch ròi phân định: đâu là đúng; đâu là chưa đúng! Gần bốn
mươi rồi, sống với gia đình, với vợ con; đặc biệt là bạn bè - nhiều lắm - anh
thấy mình ăn ở có trước có sau, không có gì phải băn khoăn, ân hận. Nhưng đối
diện với sự thực này, tự đáy lòng, anh thiếu tự tin?
Anh
ngồi, đốt thuốc. Hết điếu này rồi thêm điếu khác. Biển mở cửa phòng, đi tiểu.
Thật bất ngờ và cũng rất bất thường, em tiến lại:
-Anh
làm sao thế?
Khi
trong phòng chỉ còn lại một mình, ông Mậu thường chìm đắm vào những dự kiến đã,
đang và sẽ làm, tất thảy chỉ tập trung vào trà. Ông đã nguyện, cuộc sống của
ông là trà. Như ông ngoại, làm thuốc, cứu người. Và khi chết, có thể là một con
người cô độc, được trồng bên mộ là mấy cây trà! Có lần, ghé vào chợ tỉnh, nhìn
vào cái tủ kính, họ bày ra đó toàn những gói trà, bao bì nhiều màu sặc sỡ, toàn
những loại xuất xứ từ đâu đâu - không phải của dân ta - mua về uống thử; chỉ xứng
cho một chữ mà thôi: “Nhạt”! Có phải mê cuồng, không; còn hơn thế. Biết mình,
cuộc sống riêng tư không êm đềm, bằng phẳng, thì chỉ mong trung thành với niềm
đam mê – Và biết đâu, đó cũng là liều thuốc. Ông rời khỏi phòng, mang dép, đội
nón ra đi. Ngày đầu, không có gì. Mấy ngày tiếp theo, ông lại ra đi. Ở nhà,
không ai biết ông làm gì, đi đâu, âm thầm và bí hiểm; họ lo cho ông vì tình cảm
riêng tư không như ý mà lâm vào bệnh hoang tưởng? Cả “tảng đá” ném vào đầu, lúc
còn thơ dại, chả ăn thua gì, huống hồ bây giờ là hòn sỏi - nhưng biết đâu, biển
lớn sóng to, lướt qua được; về ao nhà, lại chìm một cách oan uổng. Từ linh cảm
tới trực giác, con người đó - phong thái, dáng đi - mình phải hiểu, phải biết
và có cái ma lực nào đó giục giã ta đi tìm. Ông đi lên núi, chỉ là một màu xanh
bát ngát của cây; quay về xuôi, là màu vàng mênh mông của lúa. Ông đi dọc sông,
tìm tới vạn đò. Ở đằng xa, có chiếc thuyền nhỏ, hai người đàn ông đang quăng lưới.
Bước xuống mép nước, nhờ chiếc thuyền thúng, đưa ông lại gần chiếc thuyền kia.
Ông không nhầm. Con người đó, trong bất cứ tình huống nào - nóng, lạnh, mưa, nắng
- không bao giờ để mình trần. Khi khoảng cách thu gần lại, nhìn thấy rõ khuôn mặt
thì ông bảo với người chèo, quay về!
Ngủ
một đêm, chả thấy mộng mị, có điềm báo may hay rủi, thêm một ngày; ông dặn
lòng, tạm gác “chuyện trà” lại, chú tâm vào cái việc mà ông đang canh cánh. Đến
tối, ông lại ra đi. Tìm đến con sông. Bầu trời đen sẫm, như chụp lên không gian
ông đang căng mắt ra để nhìn, đậm đặc bóng tối. Thời gian nặng nề, trôi đi chầm
chậm. Một tiếng rất khẽ đâu đó, khuyên ông quay về. Cái ý định lúc ra đi, yếu dần
yếu dần. Rồi ông lại thử dấn lên chút nữa; một chút nữa thôi: Trời phía đông có
ánh chớp, mắt ông nhìn lờ mờ, phía đằng xa, có một người đang ngồi vắt vẻo trên
nóc giàn cất vó. Ông lò mò lội tới:
-Ông
ơi, bị lạc, nhờ ông…
-Tìm
gì để đến nông nỗi này?
Ông
Mậu im lặng, nhưng khóe mắt ông làm sao che lấp được cái nhìn trực diện của Tôn:
-…
Đi tìm người…
-Thân?
-Không.
Tôi đi tìm cái mà tôi muốn, tôi quý, tôi trân trọng.
Từ
trên cao, Tôn nhảy xuống, cấm tay Mậu, kéo lên. Hai người ngồi, chưa thể nói
thành lời, rồi Tôn từ từ dang hai tay, đặt lên vai Mậu:
-Đêm
nay, chúng mình nằm, để ngắm cho hết vẻ đẹp của trời, mây, sông, nước…
Mấy liếp tre hạ xuống, hai người gối lên bọc
cói đựng lưới. Gió mỗi lúc một mạnh. Hơi lạnh ban đêm kéo đến. Tôn vươn tay, mở
tấm chăn mỏng, đắp lên hai người. Mậu sải cánh tay, để Tôn làm gối.
-Mỗi
người có một ký ức: người trong veo tuyệt vời, nhưng cũng có người… hơi xám
xám. Hình như “cái ký ức” nặng nề lắm phải không ông, ở nơi người hơi xám xám
đó? Ngày trước có câu chuyện mà tôi nhớ: Người đàn ông bị một kẻ “đầu trâu, mặt
ngựa” trong làng giết. Người mẹ nuôi đứa con trai năm tuổi, quyết trả thù cho
chồng. Chị ta thuê ông thầy dạy võ. Đã gần nửa năm, chị ta chỉ thấy thằng bé học
một động tác duy nhất: đứng, tiến đến, ôm chặt hòn đá nặng năm mươi ký, nhấc
lên rồi đặt xuống. Cứ thế, ngày này qua ngày khác. Buổi học hôm sau, chị đi
cùng con đến gặp thầy:
-Sao
thầy hoài phí thời gian vậy, thầy hiểu cho hoàn cảnh mẹ con tôi?
Thầy
rất từ tốn:
-Tuần
sau, cháu sẽ học mấy miếng “đánh”.
Trên
đường về, từ xa chị ta nhác thấy người đàn ông mà chị khắc cốt ghi xương, đi gần
lại phía hàng cây giữa đồng. Chị chỉ tay:
-Đó.
Chính hắn là kẻ đã sát hại cha con.
Thằng
bé, bước nhanh về phía trước. Chờ khi người kia qua mặt, quay lại, trong nháy mắt,
nó ôm, siết mạnh, người đàn ông bẹp dúm dưới vòng tay nó… Ông biết không, tôi
không đi học võ như mẹ con chị ta, mà tôi từng là kẻ cầm đầu một toán cướp. Dưới
tay tôi, có lúc đếm được chục tên anh chị. Tôi đi cướp, mà là cướp hạng sang. Tốp
thằng “Mèo đỏ” - mắt nó xanh như mắt mèo, tóc thì màu đỏ tươi, không biết “bà mụ”
tìm được đâu ra cái hình hài đặc biệt đó? - chỉ làm lẹt xẹt. Tôi làm ăn lớn: xe
bọn buôn thuốc cấm bên biên giới về. Bọn tôi phục kích ở nơi chân đèo hiểm trở,
chỉ lấy một ít, tha cho chúng đi, bán lấy tiền. Tôi làm được hai chuyến ngon
lành.
-Đêm
nay không ngờ, ông cho tôi thưởng thức không phải trà hảo hạng mà là chuyện kiếm
hiệp. Ờ mà, sao ông không tiếp tục?
-Phải
biết dừng lại đúng lúc! Phải dừng lại.
-Đó
là một bài học “bằng vàng”!
-
Ông không thể tưởng tượng: Một thời, tôi là con người khác. Mặc bộ ka ki màu vàng,
như lính khố đỏ; chân đi bốt cao cổ; trên đầu là chiếc nón “cao bồi”; bên cái thắt
lưng to bản, tôi đeo khẩu “mô de”, để khuất phía trong áo, chỉ lộ ra đuôi khẩu
súng màu đen.
-Ông
mua hay cướp được?
-Mua
hay cướp, làm gì có của quí đó! Tôi gặp ông thợ mộc có tiếng, nhờ ông ta giúp.
Ông ngồi suốt một ngày, không ăn chỉ uống nước: cưa, bào, đục; dùng nước sơn mà
chỉ riêng ông ta có, màu thâm đen: cái thật thật giả giả đó làm cho nhiều kẻ yếu
bóng vía khiếp sợ. Mấy lần tôi mang cây súng, lận cây dao kiếm được của đội
quân đầu trọc, định quay về lấy huyết những kẻ làm tan nát gia đình, dòng họ
tôi… Còn chuyện nữa mà ông không ngờ. Chúng ta đã từng gặp nhau, phải đến mấy
năm rồi: Một chiều trời u ám, ở cái nơi “ngã tư Suối Máu”, ông đứng bên cạnh
người đàn ông lớn tuổi, đang trao đổi về vụ đi tìm trầm với bọn trùm Mây. Tôi đứng
phía sau, trong bóng tối, nên nhìn rất rõ. Có lẽ, vì lần đó, sao nét mặt ông
làm tôi chú ý đến vậy! Chỉ mấy ngày thôi, một trận chém giết tàn bạo xẩy ra.
Tôi bỏ cuộc và tìm đến một nơi rất xa. Những ngày ông ở trong phòng riêng, tôi
ngờ ngợ, có cái gì làm tôi phải lật đi lật lại trí nhớ của mình. Một hôm, trong
đầu sáng ra, đúng rồi, tôi nhận được người quen.
Hai
người thay đổi tư thế, tựa lưng vào hai cây tre dựng làm khung vó. Tôn định nói
với Mậu, những điều ông ta kể giống câu chuyện cổ tích, nhưng…
-Những
ngày ở trong phòng đó, ông không biết, tôi có một người bạn thân thiết, làm cho
tôi thoát ra khỏi cảnh cô đơn.
-Người ta đi xa rồi cơ mà!
-Không. Cứ tảng sáng, nghe tiếng con gà gáy, ban đầu có cảm
giác nhè nhẹ, lâng lâng. Những ngày sau, càng ngẫm nghĩ và thấm thía: hai chúng
tôi có hoàn cảnh rất giống nhau: mong muốn tìm về tự do. Trong năm cái ẩn hiện
của con gà trống, tôi nguyện nâng niu: chữ tín.
///---///--- Hết bài thứ 32
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét