VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 33
Hai người ngồi im phăng phắc. Gió thổi. Mặt nước gợn những
con sóng nhỏ. Trăng non chênh chếch, những mảnh vàng, rơi xuống, tan dần; càng
làm tăng thêm vẻ u tịch. Ông Mậu không muốn kéo dài thêm:
-Nói đi chứ! Sao lại im ắng?
-Chỉ là vô âm mà thôi. Như vậy cũng đã nói lên được nhiều
điều lắm. (Im lặng sống là sự thinh lặng ở trong tận cõi lòng. Sự im lặng ấy mở
ra cho ta con mắt thứ ba để nhìn cuộc đời rõ hơn và toàn diện hơn).
Ông Mậu lại chuyển cảnh:
-Con người cũng hay thật, giữa thiện và ác, thanh cao và
trần tục… chỉ là bờ biên quá ư là mỏng manh.
-Tôi lớn lên từ đứa bé sống cầu bất, cầu bơ. Còn ông, đã
từng ở trong nhung lụa, từng ngụp lặn trong dòng đời đen bạc; dù sao bây giờ
ông “cái thế giới tinh thần” đã có một chỗ neo đậu. Phía trước, nếu không nhầm,
đã có ánh sáng dù chưa phải… Còn tôi, chân chưa bước ra khỏi cái hàng rào tre của
mảnh vườn hẹp. Bọn ta, ngoài ba mươi, đâu còn trẻ nữa! Đã nói nhiều lần, chỉ muốn
nhắc lại: “…Đời người chỉ sống có một lần”.
-Tôi nói thêm về cái biên quá mỏng manh. Đúng! Lần đó,
tôi định bóp cổ…
-Ông lại đang kể chuyện đời xưa!
-Đời nay hẳn hoi. Khi nhìn thấy, người đó đút miếng trứng
luộc vào miệng người kia - mặc dầu họ rất
kín đáo; nhưng làm sao qua được mắt tôi - đầu tôi sôi lên sùng sục…
-Bây giờ ông bóp được rồi đó!
- Nếu không may dòng nước xiếc cuốn ông đi, tôi sẽ nhảy
theo.
-Và ông tiếp tục dìm?
-… sẽ đưa hai người về nằm chung trong một khuôn viên, trồng
cây hải đường, có hoa đẹp nhưng không có mùi thơm; vài cây ngọc lan, để cho mùi
vị nằng nặng đó, lan tỏa ru cho giấc ngủ của họ đi vào thiên thu.
Hai người ngủ thiếp đi, quá nửa đêm, ông Mậu nghe con vạc
đi kiếm ăn về kêu mấy tiếng, nhè nhẹ kéo chăn, khoác chiếc áo ngoài, rời chỗ đặt
vó.
Tôn biết, trời sáng, nhưng vẫn nằm nán lại: ông ta tìm đến
để làm gì, không phải về bản vẽ, không phải về trà? Rồi lặng lẽ ra đi. Suy nghĩ
một lúc, đầu óc anh ta chạm vào cái mà từ trước đến nay, anh chưa bao giờ để
tâm: tiền. Đó là một thế giới: phong phú và phũ phàng. Cao sang cũng ở đó mà
hèn mạt cũng không có giới hạn. Ma lực của đồng tiền! Nó có đáng yêu không? Có.
Nó có đáng ghét không? Có. Nó là bông hoa đẹp, nhưng nó cũng là chiếc lá ngón.
Đồng tiền không có tội. Nó là vật vô tri nhưng bản thân nó có sức sống!
Tôn bước tới, đứng tựa vào giàn cất vó: Nếu tiếp tục làm ở vạn đò, kiếm thêm một ít tiền cho bước đường sắp tới, thì
phải mất ít nhất hai năm. Hai năm nữa chôn chân ở đây ư?
Chiều hôm sau, Tôn nhận được mảnh giấy ông Mậu nhờ người chuyển tới. Chưa bao giờ, Tôn đang đứng trước những
lựa chọn khó khăn. Mà cái gốc là ở trong con người mình: Trong hoàn cảnh nào
đó, cần phải thỏa hiệp, cần phải nhượng bộ hay là vì “bản tính nhu nhược”? Anh dành trọn hai ngày, vào bờ rừng, cùng mấy đứa trẻ chăn bò, đi câu cá. Sau gần
một giờ, đứa nào cũng bắt được, ít nhất là một con; còn anh thì không. Chiếc
phao ruột cây sắn xốp, màu trắng, nằm êm ru trên mặt nước. Ừ, là do con người
không được “mát tay”.
Bên
bờ suối. Anh gối đầu lên gốc cây, muốn chợp mắt một lát. Giấc ngủ đến rất
nhanh, nhưng cũng chỉ được dăm, mười phút thôi. Mở mắt, nhìn bầu trời; một làn
mây trắng vừa bay qua chầm chậm. Đầu óc anh lại chìm đắm về những ngày tháng
hãi hùng vừa qua: bom đạn, dòng nước xiết... Cái chết rất cận kề. Ngoảnh về
phía sau thêm một đoạn đời nữa:
“…
Buổi sáng mùa hè, sắp đến giờ “Ngọ”, mẹ cháu cắp rổ đi chợ. Ra tới cánh đồng đất
cát, trồng khoai, thì chuyển dạ. Người làng chạy về nhà, gọi bà nội ra. Mẹ con
sinh con trong chiếc bọc. Nhanh tay, bà xé chiếc bọc... Sau này trở thành câu
chuyện, ông nội con hay kể: Thằng cháu đích tôn sinh bọc điều là thế!..”. Cái
ký ức sâu đậm này, ai đó, có lần nói cho Tôn biết; hơn nữa là để nhắc nhở, khi
anh tìm về nơi mà ông Mậu nhắn. Quãng đường khá xa. Anh đến chợ Chùa. Cứ ngỡ rằng
chợ có quán xá sầm uất, người đi lại đông đúc… Đó chỉ là cái chợ quê. Một ông
già ngồi sau mấy bó củi. Người đàn bà luống tuổi, đứng canh cặp heo giống. Anh
hỏi chỗ bà Ấm bán cau trầu. Bà mặc bộ đồ màu lam, tóc quấn khăn nhung đen. Khi
anh bước tới, giống như người đã quen biết, bà cười:
-Tôn
đã lên đến nơi rồi con; mấy hôm nay dì trông quá chừng!
Bà
quay ra phía sau, mang vào cho anh gói thức ăn:
-Ăn
tạm cho đỡ đói. Cháu Mậu lên đây hai lần. Lần đầu ở lại hai ngày, lần sau chỉ
chừng một buổi vì phải về lo công việc. Tháng trước, hàng làm xong, khách đến tận
nhà lấy hết. Tháng này, chuẩn bị cho được năm tạ - phải là hạng đặc biệt vì gởi
vào kinh đô, sắp có tuần lễ lớn trong năm. Cái lò mới chưa xong. Mậu kể rằng phải
thuê mấy ông thợ nung lò có kinh nghiệm, xây các đường ống dẫn nhiệt; đã chạy
thử, nhưng tính Mậu hơi cầu toàn; nó nói chỉ tạm được thôi. Chuyện này, dì nói
để con yên tâm: Người cô ruột nuôi nấng Mậu thuở hàn vi với dì là bạn học, giống
như hai chị em ruột - ăn cùng nhau, ở với nhau, mặc cũng giống nhau. Hằng năm,
theo lệ thường, Rằm tháng bảy và hai ba tháng Chạp, Mậu thường lên ở với dì dăm
ba ngày. Dì cháu có khi nói chuyện thâu đêm. Mà cháu ơi, nhìn khuôn mặt Mậu dì
xót lòng lắm.
///---///--- Hết bài thứ 33
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét