Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 42

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 42

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 42


Đêm đã chìm sâu vào những giấc ngủ, ông quay qua cầm tay Tôn, bước ra sân, ngắm mãi lên bầu trời, mấy ngôi sao lấp lánh. Ông định nói tiếp với anh điều gì nữa, tự nhiên cổ ông nghẹn lại. Ông buông tay Tôn, tay phải ông chỉ phía hướng vào bàn thờ, tay trái quẹt nhẹ lên mí mắt; đầu cúi xuống, bước chầm chậm ra cổng. Ông lại chìm đắm vào tuổi già suy tư: Khổ thân, một gia đình bề thế, giờ trở về không còn ai. Nhớ con người như ông nội, lúc nào cũng căn dặn, chú phải học, cho dù nửa chữ cũng phải cố mà học. Đời người…

Khi ông trưởng ra về, Tôn xuống nhà dưới, ngồi gần bên cạnh Thạch, em đang nhặt những bó đậu mới hái về lúc chiều.

-Anh cứ tưởng em đi làm rẫy, cực nhọc, vất vả; nhưng sao lại giống cô học trò một thời áo trắng thế hè!

-Em vừa mới nghỉ học. Nói là vào trong rú làm rẫy, nhưng chúng em toàn là bọn “nhất quỉ, nhì ma” cùng nhau làm, nuôi heo, chăn bò, trồng bắp, cấy lúa… Cực thì có cực, nhưng vui và… có một ít thu hoạch đem về. À, chuyện đó, anh tính sao?

Bây giờ, anh mới nhận ra từng câu nói, từng cử chỉ, con người này sao dễ mến và dễ gần.

-Cho anh vài hôm nữa, được không?

-Nếu anh… Không, chiều mai, chúng ta xuống dưới xóm Bàu. Em sẽ quyết!

Một lúc sau, như sực nhớ, Thạch bước tới gần đôi gánh, tìm trong chiếc rổ, lấy ra củ khoai, nói khe khẽ:

-Loại khoai này hiếm, lòng nó có màu tím đậm. Em nướng để anh biết thêm vị quê hương.

Với cử chỉ nhẹ nhàng, Thạch dùng lá chuối tươi, gói lại rồi cho vào bếp than hồng, ủ tro nóng lên. Hai người, bây giờ cùng ngồi trên chiếc ghế thấp. Họ nhìn ngọn lửa đang cháy. Tôn kể cho Thạch nghe:

-Ở ngoài Bắc, có một nhánh tộc người Thượng, họ coi cái bếp như một vật để thờ: trên nhà sàn, bếp đặt chính giữa. Bếp lúc nào cũng phải giữ ngọn lửa. Củi bỏ vào bếp, gốc đưa vào trước. Phụ nữ là người được nhóm lửa.

-Nhưng xứ mình không giữ lửa như thế được, gió nóng khô rt dễ sinh ra hỏa hoạn!

Đã có mùi thơm, biết khoai đã chín; Thạch lấy que củi, cời than, gắp khoai ra. Cô bắt đầu mở lớp lá chuối, đến lượt từ từ bóc vỏ, ghé lại chỗ cũ, đưa mời Tôn:

-Tiền khách, hậu chủ.

Tôn nắm gọn c khoai:

-Tiền chủ, hậu khách.

Cứ thế, mỗi người lần lượt cắn từng miếng, đoạn cuối cùng, anh cắn luôn vào ngón tay Thạch.

-Thạch ơi, anh muốn gọi là Thương, được không?

Thạch tựa đầu vào vai anh.

Hôm sau, Tôn dành một ngày để đi thăm làng xóm. Anh theo con đường chính, đi ngược lên. Xóm cuối cùng giáp với vùng sơn-địa. Ở xóm này, nhà nào vườn cũng rộng, nửa mẫu đến vài mẫu. Phần nhiều đều trồng sắn. Ngoài cây lưu niên như: mít, bưởi, bồ quân… còn lại là chuối. Nhìn vườn chuối, rộng, dài; nhưng trông giống như vừa qua hỏa hoạn: các tàu lá thâm đen, rũ xuống. Vào khoảng giữa buổi, từ phía tây, luồng hơi nóng, từng đợt, từng đợt, vượt qua dãy Trường Sơn, tràn xuống. Bước trên đường, dưới chân, cát bắt đầu ấm dần lên; Tôn đi vào ngôi nhà tranh cao ráo, bà già đang chơi với hai cháu, anh lên tiếng để tránh hiểu lầm:

-Bác ơi, cháu ở dưới bà Lành ghé lên chơi.

-Anh vào nhà, ngoài sân nóng quá.

-Bác đang dạy các cháu học?

-Mỗi ngày khoảng một giờ thôi, chủ yếu là viết chính tả.

-Là sao, cần phải học tính toán…

-Phải viết cho đúng. Nói sai, viết sai; sao coi được! Anh mới ở xa về?

-Cháu gọi bà Lành bằng cô.

Bà im lặng, nhìn ra vườn, nét mặt ẩn chứa ưu tư. Tôn muốn gợi lại chuyện xưa về ông nội, anh muốn biết đâu là thực, đâu là thị phi. Nhưng tìm ai để hỏi? Anh nhìn quanh, thấy cuốn sách tiếng Pháp, cuốn Truyện Kiều đặt ở phía góc xa, nhận ra phần nào con người đang ngồi trước mặt.

-Bác hồi trước, từng đi học bên tỉnh?

-Thời đó, được đi học, đặc biệt là con gái, hiếm lắm. Bác quen biết ông nội cũng từ thời học trò trường tỉnh. Ông học lớp trên những hai, ba lớp cơ. Dáng người thanh tú, nhưng nghiêm lắm!

-Còn sau đó, ông làm Lí trưởng?

-Nhiều người con nhà giàu, chạy để có chức đó.

-Cháu rất muốn biết thêm về ông…

-Chuyện rất xưa rồi cháu, nhiều khi bác muốn chôn chặt vào ký ức… Mỗi khi có công chuyện phải qua tỉnh làm việc, đến chiều, ông tới chỗ gần trường, chờ giờ tan học để gặp bác. Hai người đi bộ một đoạn, nói vài ba câu, rồi chia tay. Có những chiều, không thấy ông đợi, sao nhớ cồn cào. Gia đình hai bên biết chuyện, xem như “duyên phận”. Nhưng lẽ đời ai có thể lường trước. Một vụ tranh chấp đất hương hỏa giữa hai gia đình. Cha của bác bị xử thua, chú em ruột lại được. Cháu có biết “Người cầm cân, nẩy mực” là ai không? Cha bác gọi bác vào buồng, ông giáng cho bác ba cái tát:Nó sắp là con rể mà chả nể mặt ông cha vợ”. Bác và ông nội ôm nhau ngoài bờ sông, khóc hết nước mắt!

-Người ta còn nói rằng, với chức Lí trưởng, ông kiếm được nhiều “hoa lợi” lắm cơ mà?

-Cháu có nghe chuyện, cái ông “tỉnh tỉnh, say say” về làng đi chiếc xe gỗ, con bò cái kéo. Ông ta dùng cái mo cau che đít con bò, ai ai cũng thấy buồn cười, hỏi. Ông bảo: “Để che miệng thế gian”! Người xứ mình có tật xấu là hay thêu dệt, đặt điều (!).

Mặt bà lộ rõ niềm vui. Bà đi xuống bếp, bưng lên chiếc rổ, đựng mấy củ khoai từ:

-Cháu ăn đi. Mấy khi có dịp gặp thế này.

Bà ngồi yên, nhìn Tôn bóc củ khoai có những sợi lông dài dài, rồi bà tiếp:

-Chuyện này, tôi kể để hiểu thêm nhân cách một con người: Sau khoảng ba tháng, buổi sáng, cha bác vừa ăn mấy trái bắp luộc, cái món mà ông thích, nhìn ra đường thấy thấp thoáng có khách. Mắt ông tinh lắm, nhận biết ngay người đến. Ông nhanh chân ra mở cổng. Trên tay ông nội cháu là chai rượu và nửa con gà đã luộc chín.

-Anh vào nhà đi!

-Thưa bác. Cháu muốn quì xuống xin bác tha thứ…

-Không! Chính tôi mới là người quì dưới chân anh để cám ơn. Anh có biết không, nếu không có anh phân xử, lí tình trọn vẹn, cái kết cục bi thảm “cốt nhục tương tàn” chắc là không tránh khỏi? Tính tình tôi, có lúc cũng hay cục cằn. Nhưng, lòng tôi còn xót xa hơn, tôi làm tổn thương tình cảm thiêng liêng của đứa con gái mà tôi thương yêu nhất nhà. Tôi sẽ cưới vợ cho anh. Nhưng tất cả hỏng hết rồi…   

-Người lớn tuổi thường hay nhắc lại chuyện cũ, mà với bác, nó chẳng cũ chút nào cả! Thôi, còn một củ, cháu ăn hết, bác đi lấy nước uống. 

Trời sắp qua giờ Ngọ, trước khi từ biệt, Tôn đến gần, nhìn vào khuôn mặt người đàn bà đã “thất thập” vẫn còn ánh lên những lấp lánh thời hoa khôi mà ông nội anh đã từng say đắm, anh cầm tay bà, giữ ở tư thế đó rất lâu - không nên nói, nhưng cũng không thể không nói - anh nở nụ cười:

-Cháu chưa hề biết, nhưng “tình yêu” là gì mà nó có một sức sống k diệu thế hở bác?

-Đó là tiếng “thì thầm” của trái tim!

-Với bác hôm nay, có một điều cháu muốn biết thêm cái chức “Lí trưởng” của ông nội, để xóa đi cái ám ảnh “ ngựa chết để da… .

Bước thong thả trên đường làng, dù không khí nóng nực, nhưng với Tôn cảm giác mát mẻ giục thêm chân anh bước nhanh. Rồi một kỷ niệm xa xưa ùa về: Phía lùm cây ở góc làng, tiếng chim lảnh lót, khi khoan, khi nhặt; chưa bao giờ được nhìn thấy hình dáng, mà nghe da diết; người lớn thì gọi “ Bắt cô trói cột ”, còn bọn trẻ con thì gọi “ Cha kèo con cột ”. Gợi lại một thời thơ bé!

Nhìn phóng tầm mắt, phía đó là nhà thờ: Hình ảnh tuổi thơ đầy mộng tưởng. Anh phải tìm lại một con người rất bình dị, còn giữ những ký ức đẹp. Đó là cô “Từ” gắn bó cả cuộc đời với tiếng chuông.

Cô vẫn ở trong căn nhà ngói nhỏ, phía sau, tháp chuông, dựng trên bốn cây gỗ cao chừng năm, bảy mét. Thang bằng tre, kẹp vào cây gỗ lớn nhất. Trên nóc lợp hai tấm lá cọ, bắt chéo hình mái nhà. Chuông đồng, treo vào chiếc đòn tay gỗ; chính tâm lủng lẳng là viên chùy, màu mun. Đỉnh chuông gắn vào thanh sắt hình yên ngựa, phía đầu kia buộc sợi dây dừa thòng xuống; cuối dây cuộn vào tay nắm gỗ. Bây giờ, cô Từ quấn nó bằng tấm băng vải. Ngồi trước Tôn là một con người nhỏ thó, vì mặc bộ đồ màu gụ, nên càng tăng thêm nét khắc khổ, nhưng đôi mắt, như ngày xưa, vẫn sáng long lanh. Cô nói nhỏ nhẹ:

-Mỗi ngày, kéo ba lần: Buổi sáng, sáu giờ, kéo ba tiếng và một hồi. Chính Ngọ - đúng mười hai giờ - kéo sáu tiếng và một hồi. Năm giờ chiều, kéo như buổi sáng.

-Khi nào thì thay đổi?

-Có hai việc: Theo lệnh Cha, kéo sáu tiếng, hai hồi. Còn có tang, chuông kéo giống bên Lương đánh trống “giọng ba, giọng sáu”.

-Canh cho đúng giờ, dựa vào đâu cô?

-Sau lưng, nơi Cha ngồi làm việc, có để chiếc đồng hồ, lên dây cót của Thụy Sĩ, xưa lắm; rất chính xác. Mỗi tuần chỉ lên dây một lần, đúng hai mươi vòng. Nhưng vài ba tháng, Cha lắng nghe tiếng chuông nhà thờ lớn bên kia sông để chỉnh.

-Còn với cô hàng ngày phải chạy lên trên Cha xem giờ à?

-Không. Cô có một chiếc đồng hồ riêng. Anh xem trên bàn: đó là chiếc bình thủy tinh hơi ngồ ngộ, với ba chiếc ống bơ, khác màu, trong đựng cát. Buổi sáng, cô đổ cát vào bình (bơ màu trắng), rồi lên kéo chuông. Trưa, cô đổ bơ màu hồng; rồi lên kéo chuông. Còn chiều, dùng bơ màu xanh, to nhất; cứ tuần tự như thế. Có một việc rất cẩn trọng là phải canh chừng, khi những hạt cát cuối cùng rơi khỏi phễu, phải đổ cát canh giờ cho đợt kế tiếp. Rồi bước đúng mười bước lên kéo chuông.

-Cháu không hiểu, tại sao, có “chất men” gì làm cho cô trở thành chiếc đồng hồ sống?

-Anh ạ, nhiều khi chính cô cũng không hiểu.

Cô ngồi yên lặng, hình như đang ưu tư, buồn vui gì đó, lúc sau cô lại tiếp:

-Dần dà tôi nhận ra điều này: Trong âm thanh vang ra từ vật bằng đồng vô tri đó, có cái “hồn”. Khi ngồi đây, nghe tiếng đàn trên nhà thờ vọng xuống, tôi biết ai đang đàn. Với tiếng chuông, với mỗi người kéo - cũng là từ bàn tay qua sợi dây - có “cái âm thanh” riêng của người đó. Ở tầng mức cao hơn, tiếng chuông gắn bó với cuộc đời cô như một người tình, như một con người tri kỷ! Cháu ơi, có những điều rất thầm kín mà chả biết chia sẻ cùng ai!


///---///--- Hết bài thứ 42

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét