VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 8
Sáng. Không. Trời còn mờ mờ, mẹ nói với ông “Đêm qua tôi không ngủ
được. Tôi phải ra quán ngay!”. Từ xa, thấy cửa quán còn đóng. “Đúng, như ai đó
mách bảo trong lòng…”. Mở cửa quán, trên cái mẹt thường dùng mang hàng cho
khách, có quả chuối – chuối ngự, loại chuối ngon nhất ở xứ này – bên cạnh, tờ
giấy lấy từ vở học trò, xếp lại rất cẩn thận.
“Gởi mẹ kính yêu”
Mắt bà bị nhòe, nước rơi xuống tờ giấy; không thể nào xem được.
“Khi mẹ đọc những dòng này thì con đã ở rất xa rồi… ”. Bà gấp tư lá thư
bỏ vào túi, vội vội vàng vàng quay về. Ông đang đứng bên cây hải đường trước
nhà, bà đến gần, dúi vào tay ông bức thư. Như một linh cảm đã nối với hai
người; ông biết sự việc gì không bình thường đã tới. Ông bảo bà vào nhà nằm
nghỉ, hôm nay đừng mua bán gì cả; rồi ông đi đến nhà thầy. Hai người đàn ông,
một Tây học, một Hán học; tuổi tác chênh lệch, còn những khác biệt nữa; nhưng
khi đã ngồi trước ấm trà ướp hoa nhài, thì những câu chuyện giữa họ rì rà rì
rầm như khe nước trong giữa rừng róc rách chảy. Uống ngụm trà nóng, vừa để cốc
xuống, ông lấy thư đưa cho thầy. Thầy cầm lên, chăm chú đọc – dù lá thư chưa
được mười dòng :
-Phạm Tôn Chân à! Bây giờ tôi mới biết.
-Tôi cũng thế.
Thầy cho gọi Hiền và Diệu lên.
-Các con có biết cậu bé tên gì?
Hai đứa học trò nhìn nhau, rồi lắc đầu. Diệu cầm thư lên đọc, sững sờ;
rồi trao cho Hiền. Họ về lớp mang theo phảng phất nỗi buồn.
-Định kèm toán một vài tuần, sẽ ghép vào lớp bé…
-Chuyện này, làm tôi liên tưởng đến Thánh Gióng, rồi cậu bé Trần Quốc
Toản bóp nát quả cam lúc đứng bên ngoài hội trường…
-Đọc lại, suy ngẫm, những trang vàng chống ngoại xâm…
-Cũng vì cụ nhắc mà tôi cứ nhớ mãi lời tổ tiên: “Cái họa phương Bắc”… À
mà quên: có quà hạt sen cố đô, học trò vừa biếu. Xin mời cụ.
Cầm mấy hạt sen, ông vừa nhấm nháp, vừa uống nước, suy tư một lát, rồi
quay về phía bạn tri kỉ:
-Thầy ạ, không biết có thiên lệch không…
-Chuyện lịch sử à?
-Gần gần như thế. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi hai tiếng “thực dân”. Lá cờ tam
tài nhuốm máu bao người con thân yêu của nước Pháp, nhưng khi đến nước ta, nó
cũng gây ra bao tội ác. Những nhà tù Sơn La, Ban Mê, Lao Bảo… nổi tiếng ở Hà
Nội có Hỏa Lò, là nơi đày đọa những người yêu nước. Mà cũng chính tại Hà Nội,
Sài Gòn… những công trình kiến trúc mà hàng trăm năm rồi vẫn rất modern. Đà
Lạt, thành phố hoa, thành phố du lịch; còn mang đậm dấu ấn người Pháp.
-Cụ ơi! Trong thâm tâm tôi, còn một dấu ấn nữa, phải cám ơn người Pháp:
Cho dù mục đích ban đầu, họ làm cho họ. Với nền văn hóa tiến bộ đó, đã sản sinh
ra những tinh hoa!
- Có một thời, khi học sử, thầy giáo giảng đến phần, nước ta bị người
Pháp đô hộ hơn tám mươi năm. Chúng ta thua vì lực lượng yếu, vũ khí thô sơ…
nhưng bản chất, cội nguồn, thua là do ở đâu hở thầy?
///---///--- Hết bài 8
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét