Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 49

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 49

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 49


Những câu chuyện ở làng mà người lái xe vui tính vừa kể, làm đường xa rút ngắn lại. Ông Đội nói với mọi người là sắp vào thành phố. Trước mắt, dòng người đã tấp nập trên đường. Vượt qua chiếc cầu sắt, đoàn xe lửa vừa mới ầm ầm chạy đi, Tôn nhìn qua cửa xe, dòng sông trong xanh; những con thuyền chầm chậm ngược xuôi. Ai đã từng bảo nước con sông này không chảy, nước có mùi hương! Xe theo con đường chính, xuôi về thành phố.

Nhà thương là một ngôi nhà ba tầng, đồ sộ. Cổng chính bằng sắt, sơn màu nâu đen. Hai cánh cửa đồ sộ, thường chỉ mở một cánh. Xe vào cổng, vòng phía phải, rồi dừng lại. Ông Đội xuống xe, đi tìm phòng ông bác sĩ.

Ông ta dùng phòng làm việc để cho vợ con ông Đội trú lại: ở đó đã đặt sẵn chiếc giường đơn, có chiếc giường bố xếp lại. Khi mọi người sắp xếp đồ đạc vào phòng, ông Đội và ông bác sĩ ra đứng bên ngoài trao đổi, một lúc sau, ông bắt đầu khám cho Hoàng: ông dùng ống nghe, đặt lên ngực, áp phía sau lưng; rồi cầm tay bắt mạch. Những cử chỉ từ từ và chậm rãi, nét mặt suy tư, như một luồng khí vô hình không biết từ đâu hắt đến, đầu Tôn bắt đầu nóng lên. Anh ta bỏ ra bên ngoài…  

Khi trở lại thì ông bác sĩ đang ngồi đối diện vối vợ chồng ông Đội nói tiếng rất nhỏ. Bên cạnh, Hoàng đang nằm, đôi mắt khép lại như đang ngủ. Một lúc sau, ông bác sĩ đến gần Tôn, hỏi ông Đội:

-Đây là cháu?

-Tôn, cháu của nhà tôi.

- Ông bạn tôi phải về làm việc. Cháu giúp. Cần gì, cứ lên phòng bác, đừng ngại nhé! Cơm, nước; bác đã đặt sẵn. Tới bữa, đến đó ăn. Nếu Hoàng ra được, thì càng tốt.

Ông ta người tầm thước, tóc hoa râm, trán cao, mặc áo khoác trắng, trước ngực lủng lẳng chiếc ống nghe. Một lúc sau, hai ông, cùng đi ra cửa, họ nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Đêm đầu tiên ngủ trong nhà thương. Bà kê giường bố cạnh Hoàng. Hầu như bà rất ít ngủ, lòng bà ngổn ngang như sợi tơ vò trăm mối. Tôn trải chiếc chiếu cũ bên lối vào phòng vệ sinh, đặt lưng xuống, gối lên bọc đồ; nhắm mắt định ngủ. Hoàng trở mình, nhìn xuống chỗ Tôn nằm, không yên tâm, chỉ tay nên kéo chiếu ra gần cửa sổ. Bà trở dậy, ghé ngồi lên giường con gái, đặt tay lên trán con. Hơi thở của Hoàng vẫn đều đều. Bữa cơm chiều nay, ba người ngồi ăn chung, nói chuyện vu vơ. Sau bữa cơm, họ đi bộ ra đường một lúc. Ngồi lên ghế đá, mòn vẹt và cũ nát; nhưng nhìn xuống dòng sông ban đêm mới hiện lên những khung cảnh êm đềm, những ngọn đèn trên thuyền di động; giọng hò mái nhì man mác, làm lay động vào lòng khách xa những xúc cảm rất khác nhau.

Sáng hôm sau, ông bác sĩ vào khám lại cho Hoàng. Bà Đội đứng bên cạnh, nhưng tâm trí bà hình như đang phiêu bạt tới chân trời nào… Tôn tựa lưng vào cửa sổ, vừa nhìn ra ngoài, hưởng một chút không khí ban mai, vừa nhìn những cử chỉ mà ông bác sĩ đang khám. Nét mặt ông ta từ hôm qua cho tới nay, sau khi khám, dù không nói nhiều nhưng cởi mở, làm mọi người yên tâm hay là thái độ người thầy thuốc trước con bệnh còn phân vân? Ông cầm ống nghe cho vào túi, quay sang phía bà:

-Tối cháu ngủ có đầy giấc không?

-Thưa, cháu có ngủ được dù mới đến đây.

-Còn ăn?

-So với ở nhà, quán này nấu ăn ngon.

-Được. Sáng nay, ông vào; tôi chờ ông ở chỗ làm.

Vào đậu tận cửa phòng, ông Đội xuống một mình, rồi xe quay đầu chạy đi. Ông hỏi bà về sức khỏe con, hỏi Tôn cần gì ông mang vào cho, rồi đi nhanh lên phòng ông bác sĩ. Ông bác sĩ đi thăm bệnh buổi sáng, vừa trở về. Hai ông nói chuyện rất vui:

-Tôi cố tìm xem có biểu hiện gì lạ. Tuần sau, bác sĩ trưởng sang, sẽ kết hợp thăm khám cho cháu. Anh chị yên tâm.

-Hy vọng là thế.

Rồi hai ông trở về câu chuyện của thời xưa. Những người con trai lớn lên, dù gia đình có điều kiện, nhưng mỗi người rẽ theo mỗi hướng. Người thì chọn nghề “trị bệnh cứu người”, những năm tháng dùi mài trong các nhà thương, muốn góp cho đời một hạt muối; sau chiếc áo choàng trắng, gắn liền với tính mạng con người. Bởi do nghề hay là nghiệp, hoặc kiếp trước, tổ tiên mong chờ, mà ông “đi” theo nghề này, chiếm trọn hết cuộc đời ông. Người đời hay nói rằng, “cái đau”, “cái buồn” trên đời này nhiều quá làm cảm giác con người bị xơ cứng. Nhưng với ông, mỗi lần nhấc ống tiêm, cầm tay người bệnh, sắp gí mũi kim vào da thịt người ta là xúc cảm này bao giờ cũng “tươi, mới” như lần đầu tiên vậy. Còn ông Đội, sự đưa đẩy lại chuyện rất ầu ơ. Ở quê ông, có một mụ nhà giàu, chồng mất sớm. Bà ta có đứa con trai cả, học qua lớp Đồng ấu trường làng. Hàng này, có vài ba chữ bỏ túi; lân la đến những nhà nghèo mà có ít ruộng đất, đến thăm hỏi, bắt chuyện. Dần dà, đồng tiền vào tay nhà khó; nợ nần. Thế là “chiếc bẫy oan nghiệt” sập xuống. Chưa đến vài năm, trong tay anh ta có đến hàng chục mẫu đất, ruộng. Người chú ông Đội đi làm ăn xa trở về thăm quê, nghe bà con chòm xóm ta thán. Ông bắt đứa cháu rời quê:

-Cháu nghe chú: Ra đi là cậu bé con, nhưng khi về là con người “cường tráng”, ngẩng mặt lên, nhìn vào mắt bọn trọc phú…

Dăm năm sau, ông Đội về mang trên người bộ đồ “lính thủy”, đôi giày da láng bóng, trên đầu đội chiếc mũ vải đính hai chiếc mỏ neo bắt chéo, sau ót có hai dải vải màu xanh bay bay trong gió. Một buổi chiều, mưa phùn gió bấc, cả xóm xôn xao, bên mụ nhà giàu, mở lậm phát thóc cho dân nghèo. Ông Đội trong bộ đồ lính chỉnh tề, đi vào sân. Ở đó đặt chiếc bàn, mấy cái ghế. Hai ông lính mặc áo quần xanh đậm đang ghi ghi chép chép. Vòng trong, vòng ngoài chật cứng những con người rách rưới, xơ xác, tay cầm tờ giấy nhỏ cố chen vào xin cho được mớ thóc. Hai người lính vừa trông thấy bóng dáng người lính thủy, đứng lên cúi đầu chào:

-Không để lộn xộn thế này được!

Rồi ông cùng anh lính đứng ra sắp mọi người vào thành hàng trật tự. Nhìn cảnh người nghèo đói, mang được mẹt thóc phát chẩn ra về, trong lòng họ như bắt được vàng; có biết đâu những hạt thóc đó có một phần mồ hôi của mình. Ông ta đi vào nhà trên, ngồi trên chiếc trường kỉ gỗ lim sáng bóng, mụ nhà giàu, vừa ăn trầu vừa nheo nheo hai mắt già nua, nhìn mà chưa nhận ra ai, thì ông đã ôn tồn:

-Chào bà. Bà và chú Tẹo có khỏe không?

Bà bật ra tiếng khóc nghe quá thảm thiết:

-Nó… Vừa mới hết khó mấy ngày; cũng vì ba cái chuyện đất, cát mà đời nó đoản mệnh. Ông là…

-Tôi là cháu ông trưởng họ Lê.

-Hèn chi, nòi nào giống đó!

Mấy năm sau, ông bị điều ra mặt trận, rồi bị bắt khi đang làm việc trên một chiến hạm; bị cầm tù ở một hòn đảo ngoài khơi. Tù binh chỉ có ba người mình, còn là Ma-rốc, Tuy-ni-di… Ba người mình có biết tiếng Pháp, họ trở thành thủ lĩnh trong cái đám ô hợp đó. Họ dựng nhà ăn, chăn nuôi, trồng rau… và không bao giờ có trộm cắp. Hơn năm sau, họ được hồi hương. Ông Đội trở về, bơ vơ; chưa biết tìm việc gì thì gặp lại ông sếp cũ:

-Còn mấy tháng nữa, tôi về nước nghỉ hưu. Anh nhận cái chức ở trại giam. Làm thêm độ một, hai năm rồi nghỉ. Anh sẽ có hai suất hưu: Một là công việc hiện tại. Hai là “tù binh chiến tranh”. Chuyện này, người Pháp họ đường hoàng lắm! Nói nhỏ thôi nghe: Lương hưu sẽ cao lắm đấy. Yên tâm đi!


///---///--- Hết bài thứ 49

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét