VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 1
///---
Trăm
năm, bia đá…
Một ông tướng - văn võ toàn tài, đánh đông,
dẹp bắc - chạy xuống bờ sông: đang vào mùa lũ, nước hồng như máu, chảy cuồn cuộn;
cởi áo - mà trên đó những hào quang còn lấp lánh, do vua ban tặng sau những
chiến công hiển hách – vò lại, thả trôi. Tay phải đang cầm thanh kiếm - vật quý
giá nhất, hơn nữa là vật tri kỷ - ném nốt. Nhìn lại làng xóm: bầu trời xanh và
mây trắng đang bay… đâm đầu xuống dòng nước đang chảy xiết…
Thằng Cháu, mỗi lần đi học về, để bìa “cac tông” đựng mấy quyển vở vào
ngăn bàn, như thường lệ đến bên ông nội, để trả lời câu mà ông thường hỏi - buổi học có hiểu bài
không, lớp có vắng nhiều bạn không?... Nhưng lần này, ông vẫn ngồi trên tấm
phản gõ, bộ áo quần bằng vải ta (sợi bông với khung dệt ở làng), ông hơi nghiêm
nghị. Thằng Cháu bước từ từ đến trước mặt ông:
-Ông ơi, cháu học trường bên nhà thờ, bạn bè phần đông là “Giáo”, nhưng
cũng nhiều bạn là “Lương”, chơi với nhau hòa thuận, thân thiện lắm, mà sao
người bên mình không thích người “bên Giáo”?
-Sao cháu biết mấy chuyện đó?
- Tháng trước, nước trên nguồn dồn về, đục ngầu, mấy o, mấy chú phải
qua xin nước giếng bên cạnh nhà thờ; mấy người bên đó, họ nhìn có vẻ không vui.
Tự nhiên, nó làm ông nghĩ ngợi: Trên má đang
còn mùi sữa, chưa đọc thông, viết thạo mà đã để ý đến chuyện người lớn! Chuyện
“sinh nở” của nó cũng khá ly kỳ: đến ngày, đến tháng; mẹ nó, thông thường “con
so” về nhờ bên ngoại. Bà nội, một mình băng đồng, qua sông, về xin bà ngoại ở lại
trên này. Sau này, bà hay kể: “Cháu bà sinh bọc, mà “bọc điều” nữa cơ chứ!”. Đó là những nét chấm phá ban đầu
của tuổi thơ bé...
Làng quê này, so với hai làng phía trên và phía dưới, nhiều dân, ruộng ít hơn; nhưng lại có những khác biệt:
nhiều học trò qua học trường tỉnh, phía dưới là đình làng, bên cạnh là ngôi
chùa; giữa làng là nhà thờ. Các gia đình bên Giáo phần đông trú ngụ nơi đây. Đa
số có nhà ngói, có đất ruộng cho làm thuê, có người đi lính, làm công chức. Bên
Lương nghèo hơn, nhưng có nhiều người được dân chúng nể vì, có vai vế trong
làng.
Thuở trước, gặp một thời tao loạn, người bên Giáo bị truy bức. Ban ngày
họ phải vào rừng ẩn nấp, tối mới dám về. Người bên Lương chuẩn bị bắp gạo tiếp
tế, che chở. Vì thế, một bà cố - nếu còn sống cũng hơn trăm tuổi- hàng tháng
trời, nấu cơm đun nước mang vào tận hang không quản mạng sống, chỉ biết “làm
phúc”. Mấy năm sau, vị linh mục về, mời bà “làm con chiên ngoan đạo”, từ người
bên Lương mà thành người bên Giáo rất đặc biệt, cả làng ai cũng kính trọng.
Buổi chiều đầu hè, trời đã dịu nắng, ông Đoàn sau khi đến nhà thờ thăm
cha xứ thì vào nói chuyện với ông nội. Sau này thằng Cháu mới biết, ông là
người giỏi chữ Hán, từng làm Tri huyện một tỉnh miền núi, lập mấy làng định cư
cho người “Mọi”. Lúc hai ông nói chuyện ở nhà trên, thằng Cháu đứng ở cửa, chờ
ông sai vặt: nấu nước pha trà, rửa cốc chén hay châm lửa để họ hút thuốc; có
những lúc không muốn nghe lỏm, bỏ đi chơi. Phút chốc ông lại gọi, nhìn trước nhìn
sau, nảy ra sáng ý: vào buồng cắt hai quả chuối, đặt vào chiếc dĩa sứ, bưng lên
mời hai ông. Thấy vậy, ông Đoàn gọi lại. Ông bẹo vào má, nhìn “tướng mạo”: “Nó
sẽ theo ba nó”. Thằng Cháu từ từ bước ra sân, bần thần: “Ba đi đâu?”. Câu hỏi
này, hình như không có câu trả lời, nhưng suốt đời nó mang theo!
Đầu năm 19…, mới bước qua Tết, nhưng bầu không khí thời cuộc u ám.
Người dân sống bất an. Lác đác, một số người ở dưới tỉnh hay trong thành phố
tìm về quê. Gia đình nào cũng trích trữ lương thực. Mẹ may cho Cháu chiếc ruột
tượng, đổ vào mấy bơ gạo, một ít muối mè, kèm theo bộ quần áo. Bà dặn:
- Con treo lên nơi nào cho dễ thấy. Hễ có động, con theo bà con chạy
cho kịp. Mạ còn phải lo cho ông bà nội. Ông bà già rồi, không thể lánh đi xa
được.
Rồi một buổi sáng, quê hương chìm ngập trong khói lửa: súng ở trong bắn
ra, đạn ở ngoài bắn vào, tàu dưới biển bắn lên, bom trên trời ném xuống. Trong
cảnh hỗn loạn chạy giặc, thằng Cháu nhập vào một toán đàn bà con gái, vượt qua
bao đèo dốc, sông suối. Khi đến một làng xơ xác phía bắc tỉnh, ngơ ngơ ngác
ngác, không tìm được người nhà, không có bà con; bầu trời như tối sầm lại.
///---///--- Hết bài 1
Nguồn: Về một cuộc Hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét