VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 3
Mấy năm sau, nhớ lại những thời khắc ấy, Tôn vẫn còn rùng mình: Tôn bị
uống nhiều nước quá. Có người bồng, nhồi lên, hạ xuống, xổ nước ra. Có người
tìm lá thuốc gần đó, vò nát, xoa người cho Tôn.
Sáng hôm sau, tỉnh lại, Tôn thấy mình đang nằm ở nhà bác nông dân, ở
góc bếp có chiếc cày, đất ướt còn bám trên lưỡi. Con bò đực đang vẫy đuôi, ăn
cỏ; phía sau hè nhà. Bác chủ nhà, từ ngoài đường đi đến sân, bước vào nhà. Tôn
nhìn; ban đầu hơi sợ sợ, nhưng khi bác đứng gần:
-Tỉnh lại rồi. May quá. Bác đang tính, đi mời y tá!
Tâm trạng của Tôn lúc này thật lạ: không vui cũng không buồn. Phải
chăng, vì những va đập mà cuộc đời “trần trụi” đang ném Tôn vào vạc dầu mà tro
tàn đã nguội lạnh lâu rồi!
Tôn lòm còm bò dậy:
-Bác ơi, chỗ này là đâu hở bác?
-Đây là làng Thuận Bảo. Cháu có nghe bao giờ chưa?
Tôn lại nằm xuống, cảm thấy chóng mặt quá.
Bác ghé lại ngồi bên cạnh, tay phải bác đặt lên trán Tôn:
-Chưa ổn lắm, bị uống nước nhiều mà; phải nhờ anh cứu thương…
Tôn nằm nhắm mắt một lúc thì hai chị con bác vào mót củi ở trong núi
về, để gánh xuống đi vào bếp lo bữa cơm trưa.
-Út ơi, đem chén cháo để phần sáng nay lên cho cha.
Tôn ăn được một ít, người vẫn khó thở. Bác đỡ Tôn nằm xuống.
Trời về chiều, Tôn ngồi dậy, bước ra sân. Một mình, đi lang thang xung
quanh vườn. Vườn trồng toàn chuối sứ, trái to; chín ăn ngon nhưng nhiều hạt. Có
mấy cây ổi; đặc biệt hàng cau cao cao, thẳng tắp. Ở phía xa, có một quả đồi giống
như con voi đang nằm. Tôn đang chìm đắm trong những suy nghĩ vẩn vơ, bâng khuâng;
bước tới đụn cát định đào con dế thì bác dắt con bò về. Tôn chạy tới, cầm sợi
dây to bản bện bằng lá chuối dẫn về chuồng. Bây giờ Tôn mới nhìn kỹ: lông nó
màu nâu sẫm, u thịt trên vai đen sậm; cặp sừng dài, hai đầu nhọn, hiện ra màu
trắng như hai hột gạo. Nhìn vào mắt nó long lanh, ngồ ngộ thế nào ấy.
Sáng hôm sau, bác dắt con Ô đi trước, Tôn cầm cây roi bẻ ở hàng rào,
theo sau. Con Ô đi lắc lư. Cặp dái như hai quả đu đủ, rung rung theo nhịp bước
con vật.
-Bác ơi, hai vật này để làm gì, sao nó to thế?
-Nhờ có nó, con Ô mới cày khỏe. Nhưng chưa nên sờ.
Những ngày sau đó, bác giao con Ô cho một mình Tôn. Đầu làng, như lời
bác dặn, có bãi tha ma nhỏ thôi; đưa ra đó, thả cho nó gặm cỏ; có khi buộc vào
gốc cây rồi tìm xuống mấy nơi ruộng lúa có nước bắt con đam về nướng.
Công việc chăn bò dần dần thấy vui vui. Khi nó đã mến, cho ăn no; Tôn
tắm. Tôn sờ, nó đứng im rồi Tôn gãi. Một hôm, chưa trưa nhưng trời đã nắng gắt,
Tôn dắt con Ô về, gặp bó rau lang non và xanh. Thế là thả dây để cho nó thoải
mái ăn. Đã thành thói quen, Tôn đi về nhà trước; để bò về sau. Đến gần hàng rào
tre, nghe trong vườn có tiếng hát, Tôn dừng lại: “ Từ chàng ra đi, lưng khoác
chiến y/ Và hồn nương bóng quốc kỳ…”. Thấy bóng chiếc áo nâu - chị Lương – Tôn nấp vào sau mấy ngọn lá
chuối. Tiếng hát lại ngân nga: “ Nàng ngừng con thoi có khi nhớ chàng. Có muốn
gi đâu, lệ thắm tơ vàng…” – khuôn mặt chị hiền hiền, thế mà giọng hát làm người nghe đê mê… Chị
đang bẻ bắp. Tôn đi vào sân, chị Út đang chẻ củi, chuẩn bị luộc bắp. Chị bảo
vào nhà, để ráo mồ hôi, rồi đi tắm; con Ô tự nó tìm về.
Thời gian đầu, buổi tối Tôn ngủ trên chiếc giường tre; sau này bác nói
qua nằm chung trên chiếc phản bằng gỗ mít. Trời mùa hè, không cần chiếu, mát
lắm. Ban đầu thấy ngài ngại; trèo lên phản, nằm im. Có khi, bác hỏi về chuyện hàng
ngày đi giữ bò; có gì vui hay buồn không. Đặc biệt, bác hay kể chuyện. Tiếng
bác trầm trầm, sao mà hấp dẫn:
-Bé có biết con sông Bạch Đằng ở chỗ mô không? Bác chưa ra đó, nó ở
ngoài Bắc, phía đông, gần biển. Thời xa xưa, nước mình bị giặc Tàu xâm chiếm.
Chính trên dòng sông đó, có đến bốn hay năm lần, cha ông ta đã đánh tan quân
xâm lược, giữ vững bờ cõi… Ngủ rồi à?
-Dạ chưa.
-Sao im lặng thế?
-Sông, nước của mình cũng biết đánh giặc!
Có một đêm, trăng sáng; bác đem ấm nước chè xanh với hai cái cốc mà Tôn
vừa rửa sạch, ra ngồi chiếc bàn tre giữa sân. Bác nói những điều, sau này nhớ
lại, Tôn cảm thấy thấm thía:
-Không còn bé con nữa đâu, sắp thành người lớn rồi. Tối nay bác kể
chuyện khác: Hồi đó, có hai người bạn cùng học chung một lớp. Anh Lưu, nhà không
được sung túc nhưng học giỏi. Còn anh Dương nhà khá giả hơn nhưng lực học bình
thường. Hai người ở chung một nhà trọ. Sau này do hoàn cảnh, mỗi người xuôi về
những nơi khác nhau. Anh Lưu chăm chỉ, học hành tấn tới, có địa vị trong xã
hội; có được người vợ rất ngoan, hiền. Anh Dương, từ ngày không ở cùng nhau
nữa, đầu óc chểnh mảng, học hành sa sút. Buồn quá, suy đi nghĩ lại, mấy đêm
liền; đi khắp nơi hỏi tin tức; tìm đến với bạn cũ. Bước vào nhà, Dương cứ ngỡ
rằng, sau bao nhiêu năm tháng xa cách, sẽ được Lưu vồn vã đón tiếp. Có ngờ đâu,
nhìn thấy Dương tiều tụy, Lưu nghiêm mặt lại, liền bỏ đi, không nói một lời -
vì trước đó, Lưu thường xuyên thăm hỏi, biết Dương ngày càng nhạt nhòa ý chí
tiến thủ, cuộc sống bê tha. Dương bước ra khỏi nhà Lưu, bật lên từ đáy lòng:
“Không bao giờ… , không bao giờ… ”. Vợ Lưu – cô Ái – đi chợ về:
-Anh vào nhà uống nước, rồi đi cũng chưa muộn.
-Cô là…
Sau này nhờ Ái giúp đỡ vật chất, đặc biệt về tinh thần mà Dương quyết
chí tu luyện mà thành đạt trong cuộc sống. Cháu có biết không, “tình bằng hữu”
quý báu biết dường nào!
-Tình huynh đệ là gì hở bác.
-Như chị Lương và chị Út thương cháu đó!
Những chấm phá ban đầu về cuộc sống đến với tuổi trẻ thơ của Tôn như
thế.
///---///--- Hết bài 3
Nguồn: Về một cuộc Hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
rất hay ạ
Trả lờiXóa