VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 34
Anh im lặng, ngồi nghe giọng nói con người sống già nửa thế kỉ, phảng phất đâu đây ở một miền quê xa; một cuộc đời bầm giập cho cuộc mưu sinh. Nhưng nét mặt vẫn còn giữ lại những vẻ đẹp như đôi mắt rất vui khi cười; hàm răng đen nhai trầu rất có duyên.
-Thế
ông Mậu đã kể chuyện của cháu cho dì nghe?
Bà
vừa têm trầu, vừa to nhỏ tỉ tê:
-Theo
dì, Mậu là con người cởi mở. Dù không sống chung, nhưng mỗi lần gặp, cậu ta tâm
sự từ chuyện nhỏ - cuộc sống thường nhật - đến những tâm tư sâu kín, ít khi thổ
lộ với ai; như có một người con gái - đủ hết: tình yêu thương con người, gần với
đạo Phật; có vẻ đẹp thánh thiện và một tâm hồn phong phú... Nhưng Mậu đã không
vượt qua được cái rào cản vô hình mà chính Mậu cũng không biết cho cặn kẽ. Thế
đấy! Nhưng với cháu, Mậu rất ít lời. Chính như thế, dì vẫn cảm nhận được, giữa
hai người, dù không ruột thịt, không có “đồng” - đồng môn, đồng quê… mà lại như
có sợi tơ trời thêu dệt, một “cái tình” khó tìm được ở cuộc sống quá ư là trần
tục thuở bụi bặm này!
Những
lời nói từ người chưa hề quen biết, quyện vào kỷ niệm đêm nằm ngắm trời đất,
Tôn vẫn như người đang ở trên sa mạc khô cạn, hy vọng sẽ tìm được một ít nước
dù rất mong manh! Theo lời khuyên, anh lưu lại nhà bà Ấm một thời gian. Hàng
ngày, sáng sớm; tiếng tụng kinh, gõ mõ vọng ra từ ngôi chùa bên cạnh, đưa tâm hồn
anh vào thế giới mà tưởng rằng bụi trần đang được rũ hết. Tại sao con người
theo đạo? Phải chăng khi cảm thấy bất lực trước cuộc sống nhiễu nhương, người
ta đi tìm một thế giới khác để gởi niềm tin? Hàng ngàn năm với hàng trăm triệu
người còn tiếp tục đọc kinh và cầu kinh! Thế giới tinh thần thiêng liêng đó,
đã, đang và sẽ tiếp tục vận hành và tiếp tục sống! Đường đi sắp đến, cần chiếc
gậy để chống, tìm ở đâu? Không còn bằng phẳng, mà phải bước lên những tam cấp đầy
chông gai. Hình ảnh một con người đang đi xa dần, xa dần… Trở về với thực tại:
Anh như đứa trẻ, ghé lại ngồi bên bà Ấm, xem bà têm trầu. Lá trầu xanh, được rọc
thành những miếng nhỏ như hình tam giác. Bà quệt vôi. Mấy ngón tay nhẹ nhàng gấp
lại. Những miếng trầu được sắp vào dĩa, lấy thêm mấy quả cau được cắt chũm, rồi
mang lên chùa để cúng. Bà có đến hai bình vôi, một bình màu trắng, còn bình nữa
có màu hồng nhạt. Bà ngồi, Tôn mơ về một miền nào đó, như người bà, người mẹ. Tự
nhiên trong lòng Tôn, một cảm giác ập đến, vừa đột ngột, vừa bất ngờ: Giá như
“ông già phù thủy” có một cuộc gặp gỡ thế này… Bà cười, nhìn sang Tôn: “Chắc
cháu có nỗi niềm thương mến, muốn nhắn nhủ với dì… À, cháu Mậu nhắn lên: anh ta
rất vui vì tìm được thợ - người đàn bà, rất am hiểu nung gốm, đặc biệt ở khâu sấy
và ủ nhiệt - hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Mẻ chè đầu làm thử, hồi hộp lắm…
Anh em dưới đó đang lo bao bì và đóng gói. Mậu có dặn, sẽ lên gặp cháu sau”.
Tư
lự một lúc, Tôn mới khẽ nói:
-Cháu
có một mong muốn, đúng hơn là một gợi ý, nhưng xin lỗi dì trước. Cháu không muốn
làm xúc phạm…
-Dì
rất muốn nghe, đừng ngại!
-Thời
gian trước, cháu từng sống với một người, trong lòng cháu xem như Thầy, như
Cha; cháu thấy ở người đó giản dị mà phong phú, rất đời thường mà thanh tao. Nếu
có một cuộc kỳ duyên gặp gỡ, biết đâu dì sẽ tìm được sự đồng điệu.
Bà
Ấm dừng tay, trông ra phía xa, mắt bà long lanh; Tôn chờ mãi, bâng khâng quá!
-Con
người mà cháu. Nhiều người, trong nhà nơi trang trọng họ treo chữ Tâm. Còn với dì, dì yêu mến chữ Tình. Cháu có nhận ra mùi hương nơi chữ
tình? Sau hàng rào, những cây chè tàu xanh tươi, cạnh ngôi chùa nhỏ là cả một
thế giới: ở đó có ba ni cô, khoảng mười tám đôi mươi, mỗi người một hoàn cảnh:
có em mất cha, có em mất mẹ, em thì cả cha lẫn mẹ không còn. Bé nhất là út My,
có giọng hát trầm và ấm: “Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ơi lũ chim giang hồ…”
Là con chim họa my. Chị Chòe thì chăm lo việc học hành - Chích Chòe. Chị cả -
chị Chao - ở làng quê, sáng mùa hè, nơi có bụi tre, tiếng bào chao vang lên lao
xao, rối rít. Chị nghiêm lắm. Ăn xong, trong bát không còn sót hạt cơm nào. Đôi
đũa gác trên bát phải ngay ngắn mới được đứng lên. Họ nuôi dạy năm em bé mồ
côi. Cháu không hình dung được thuở ban đầu rùng rợn thế nào đâu: có đứa mới
sinh ra, gói trong chiếc áo mỏng, đặt vào nơi bụi tre. Có đứa, khi các ni sư ra
nhận là một hình hài sài đẹn lở loét… Cuộc sống ở đó như một xã hội thu nhỏ: lo
cho chúng ăn, ở; chăm sóc việc học hành. Hơn nữa, họ dạy cho chúng thành người
- phải là những con người hữu ích; vừa tu hành, vừa làm lụng để sống. Cái người trong con người là gì? Ngày trẻ, ước
mơ cháy bỏng của dì là đi dạy học, không phải muốn làm thầy thiên hạ; chỉ vì đọc
được mấy câu ở nhà thầy giáo: “Người ta chết, vì không có cái gì để sống”,
“Trăm năm nhìn lại mới hay vô thường”. Ở vào tuổi này, có một con người để tâm
sự, để hàn huyên, để gởi gắm cõi lòng… Với không gian trống vắng đó, làm sao khỏa
lấp được hở cháu! Vì chữ tình, dì muốn ra đi, tìm cho mình một chỗ dựa an lành
khi về “trăm tuổi”. Cũng vì chữ tình, dì nguyện suốt đời gắn bó nơi này, dù là
không phải ruột thịt, quê hương.
-Dì
ơi, gần tháng rồi, cháu lên đây. Cháu cũng rất muốn gặp ông Mậu một lần nữa. Biết
đâu là lần cuối.
-Sao
thế được hở cháu!
-Có
một suy nghĩ, thời gian gần đây, sao cứ giày vò mãi trong tâm tư của cháu. Dì
có biết không, mẹ thì cháu còn nhớ, còn ba cháu, cháu không có một hình dung dù
rất thô sơ về con người yêu kính đó; không có một kỉ vật, không có vài nét di
bút, còn ảnh chụp thì quá xa vời! Nhiều lúc cũng cảm thấy tủi thân lắm dì ơi. Một
con người sinh ra, lớn lên; đến tuổi trưởng thành; tất thảy, phải tự mày mò, kể
cả cái chuyện sơ đẳng nhất - thèm muốn biết bao, có được một lời khuyên, hay
vài câu mắng chửi của người cha! Đặc biệt là vốn hiểu biết của mình quá nhiều lỗ
hổng, cho dù cố gắng hết sức…
-Mới
gần cháu một thời gian rất ngắn, nhưng dì tin. Phía trước, con đường sắp đến phải
là một hành trình, một sự dấn thân; đừng xem đó là một cuộc chiến. Vì cuộc chiến
có kẻ thắng, người thua, có đau thương mất mát!
Dì
ngừng lại giây lát rồi tỉ tê:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét