Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 27

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 27

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - BÀI 27


Bẵng đi một thời gian, Tôn và anh xà ích, gặp mấy mối hàng, ngày đêm miệt mài, chuyên chở ngược xuôi. Càng làm, họ càng hiểu thêm tính tình của nhau, càng quý nhau. Tất cả tiền bạc kiếm được, giao cả cho chị xà ích. Chị là người thu xếp, khi thì gởi cho ông già, khi thì gởi vào cho Gái và Lài.

Chuyến đi này, làm Tôn nhớ mãi: Lần đầu, mấy tạ muối và năm thạp mắm, từ dưới xuôi, đưa lên chợ Đồn. Trời mưa. Đường trơn. Hai anh em, giao xong; lấy được món tiền kha khá. Trên đường về, Tôn gợi ý, mua bộ lòng, đêm nay vui vẻ với nhau và cũng để cám ơn chị ở nhà. Không thấy đói, không sợ rét, hai anh em cho xe bon bon. Vừa về đến ngã ba Cây Thị, một người mang tơi lá, đứng giữa đường vẫy vẫy. Chị báo tin, cô Lài nhắn vào gấp. Cho xe chạy về hướng nhà thờ. Tôn và chị xà ích đi thẳng vào nhà y tế. Hai người đứng ngoài nhìn vào. Đèn phía trong sáng quá – sau này anh mới biết, đó là đèn măng sông, rất hiếm thấy thời đó; thỉnh thoảng có tiếng nói vọng ra, nhưng nghe không rõ. Trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, chị xà ích dù có mang chiếc tơi chằm lá, nhưng chị run cầm cập:

-Chị ướt hết rồi, chị về trước đi. Chỉ một mình tôi ở lại thôi. Sớm mai chị vào giúp tôi với!

Năn nỉ mãi, chị mới quay ra, nhưng vẫn dừng chân, dặn anh phải chú ý, dầm mưa dễ ốm lắm đấy!

Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Trời rét. Mưa càng về khuya càng to. Nước mưa thấm từ cổ xuống áo. Anh không có cảm giác; tất cả hình như đều trơ cứng. Bỗng, từ ánh đèn nghe tiếng nói, có tiếng cười khẽ… và tiếng trẻ con khóc. Chị Lài mở cửa phòng bước ra. Quá bất ngờ, Tôn như một người gỗ, im lặng, đứng đó:

-Vượt qua rồi. Mẹ tròn, con vuông. Con gái!

Tôn chạy nhanh ra đường, tìm lối về. “Cái lạnh” bây giờ mới thấm vào da thịt!

 

Tôn ở đây đã mười ngày thì phải, ăn uống đã có người lo. Chỗ ngủ, nơi sinh hoạt, kể cả chiếc ghế dài nằm đọc sách, cũng được coi là tươm tất. Còn sách, cái mà người ta thường gọi là loại “ba xu” anh chả bao giờ để ý. Thế mà bây giờ phải làm cái việc “bất đắc dĩ” này, để tìm một chút vui vui chứ!

Nhớ lại, Gái sinh con đã gần tháng, nhưng sữa không đủ cho con bé bú. Anh chạy về trại chăn nuôi cũ, không mua mà chỉ xin được một chai con con. Tìm ai đó vừa ở cữ, xin cho bú giùm. Tìm mãi, tìm hoài, may gặp được người đàn bà lang thang ngoài chợ. Nhưng khi được nhận lời thì anh cảm thấy gờn gợn cảm giác không an tâm, vì không thể cho bé bú rất tùy tiện như thế được. Rồi nghe người ta khuyên, tìm loại mía lau hồng, trồng nơi bãi hà, dùng cho đàn bà mới sinh con, tốt lắm. Anh lại bươn tẩu, lặn lội, quyết tìm cho bằng được. Anh đã từng nghe: “Ăn xôi nếp một, ăn đường mía lau” và cất công đi tìm: Về nơi Bái Hà, cũng không biết, nó là làng, huyện hay ngôi chùa; đến đồng bãi ven sông, một vùng cát bồi, thời tiết thích hợp; đặc biệt có bàn tay con người, chăm bón loại phân-gio, được phơi, ủ theo bí quyết riêng, sản sinh ra hai loại mía: thứ to cây, mập để ép mật làm đường, gởi đi các bạn hàng thân thiết ở các thành phố lớn; còn loại thân nhỏ hơn, màu hồng tươi, cũng ép mật làm đường. Loại này không bán, chỉ gởi ra kinh đô làm quà đặc sản mà thôi. Sự nổi tiếng của đường mía lau là vậy. Chính anh cũng không hiểu động cơ gì làm anh quyết tâm như thế. Mua được hơn chục cây, bó lại, vác bộ về. Không tiên lượng được, khi đi, chăm chú tìm, có khi phải nhảy xe…  đi xa dần, đến lúc bị lạc vào mấy ngọn đồi trồng trà. Trời đã ngả về chiều, anh gặp được hai người, một đàn ông và một đàn bà, khăn trùm kín mặt. Anh bước tới nhờ chỉ đường. Nhưng họ không trả lời, miễn cưỡng quay đi. Không nản, anh tiến đến năn nỉ. Người đàn ông nhìn quanh, không thấy có ai, nói rất nhỏ:

-… “Hùm thiêng”, “nước độc”, tránh xa thật nhanh!

Vác bó mía, tự tìm đường mà đi thôi, “sự cố” thì cũng đã từng; còn tính mạng, cần chi! Hoàng hôn buông xuống rất nhanh. Nhìn phía xa thấy có ánh đuốc, trong lòng Tôn cảm thấy vui chi lạ. Vác bó mía, đi như chạy, lại gần, nhìn ánh lửa trong đêm tối rất rõ: hai kẻ trần trùng trục, một đứa cầm đuốc; đứa kia cầm gậy. Anh chưa kịp tính những điều sắp xẩy ra, thì tay cầm đuốc ném xuống đất; lao vào khóa tay anh, tay kia dùng khăn bịt mắt. Nhớ lại, Tôn thấy rùng mình. Anh bị đưa vào căn nhà gỗ, rộng; ở trong phòng, có chỗ ngủ, có nước uống - nghĩa là thuận tiện cho sinh hoạt bình thường. Hàng ngày, có hai người phụ nữ, mặc áo nâu, chít khăn mỏ quạ, giống như mấy người hát “Quan họ”; thay nhau bưng nước vào, đặt đúng vị trí, nhẹ nhàng bước ra. Người kia mang cơm; chiếc mâm nhỏ, lặng lẽ đặt trên chiếc bàn kề bên.Trong không gian, không có tiếng nói, chỉ nghe gió ngoài kia xào xạc mà thôi. Đến ngày thứ ba, không thể sống “bị động” thế này, anh đi loanh quanh, tìm đường ra ngoài; nhưng tất cả hình như bị đóng chặt, dù không trông thấy ổ khóa nào. Quay lại phòng, nằm thẳng, tựa đầu lên gối cao. Gạt sang bên tất cả, mở tầm mắt, nhìn thật xa, đến soi lại gần, cần lắm những giây phút thanh thản để suy ngẫm: Mình sinh ra, lớn lên, “chân đứng” của mình trong cuộc đời này sao mà chông chênh quá. Gia đình, không có nhiều dấu ấn lưu giữ, học hành “chữ được”, “chữ mất”; điểm tựa cho đôi cánh bay lên? Có gặp được thầy, có cắp vở theo học, nhưng... chắp chắp, vá vá. Học, có đấy. Nhưng cái “sinh tử” trang bị kiến thức cho con đường phía trước là “bài” nào, “sách” nào? Có lần trong “trong thế giới sách”, anh tìm được mấy tờ giấy rời, chép từ mấy trang đầu “Nhập môn triết học”: “Triết lý không dành cho riêng ai, mà dành cho mọi người… Phải chăng thực sự có thiện-ác, có phải-quấy, có lành-dữ trên đời này, hay luân lý chỉ là vấn đề phong tục, tập quán xã hội, hoặc quan niệm cá nhân nào đó?”. Khó hiểu thật! “Không gian chật chội” không kéo dài thêm nữa. Đến ngày thứ năm, sáng sớm, người phụ nữ hay mang nước cho anh, không phải bộ đồ nâu, khăn mỏ quạ, mà bộ đồ bà ba lụa vàng nhạt; với cái khay và bộ ấm chén màu sáng hơn, bộ mặt cởi mở và thấp thoáng có nụ cười thì phải? Anh nhìn thẳng, chú ý đến dung nhan của chị ta. Đầu anh bật ra nhận xét: Phía trước đóng vai người “giúp việc”, còn con người thực phía sau? Trong phòng này, lần đầu anh được nghe tiếng nói:

-Sức khỏe anh mấy hôm nay thế nào?

-Cám ơn chị, tôi vẫn bình thường.

“Con yêu tinh bắt đầu một màn kịch gì đây?”. Không! Mới nhìn qua bóng dáng, cũng biết con người này không phải loại nham hiểm.

-Chị ơi, tôi có tội gì mà bị biệt giam thế này?

-Sao anh nặng lời thế! Em muốn được chăm sóc anh cơ mà!

Lần đầu tiên, cuộc đời gập ghềnh, sóng gió… anh nghe lời người con gái, giọng nói hơi có vẻ đặc biệt… làm lòng anh chùng xuống. Anh nhớ đến Gái: anh lúc nào cũng coi Gái là đứa em, có ân nghĩa nặng mà anh phải trả, anh cũng cảm nhận rằng: ngay từ khi gặp lần đầu, đôi mắt Gái dù còn ngây thơ lắm, nhưng anh biết… Anh không bao giờ quên được ông già Gái và hai người bạn giống như hai đứa em. Trong đầu anh, sau chuyến trở về, anh sẽ bàn làm xưởng gốm mỹ nghệ, còn Gái làm cô giáo, một nghề rất phù hợp với tính tình, nếp sống của con người này. Nhưng hiện tại, anh thấy đưa gởi Gái vào môi trường nhà thờ, gần gũi với các xơ, làm anh yên tâm. Trở về với thực tại:

-Cứ gọi tôi là Tôn, như mọi người thường gọi; còn…

-Em là Luyến. Lưu luyến đó anh!

Buổi trưa, Luyến bưng cơm vào cho anh, như thường lệ: bát cơm được úp chén nhỏ lên trên để giữ hơi nóng, tô canh rau cải xanh, còn cái niêu nhỏ màu đen, đậy kín.

-Bây giờ Luyến cùng ăn cho vui, tất cả, tất tần tật đều chỉ một mình, buồn lắm!

-Em cũng muốn thế, nhưng chưa được đâu anh. Có món đặc biệt, anh ăn thử xem có ngon không nhé! 

Khi hai người nói chuyện, họ đâu có biết: phía sau bức màn màu tối tối kia, giáp với căn phòng nhỏ, đặt cái bàn và chiếc ghế nhỏ. Một người đàn ông không rõ mặt, hàng ngày ghi chép mọi hành vi của anh. Sau mỗi lần đem cơm hay nước uống, người con gái phải vào ngồi sau chiếc ghế, cũng bị chắn bởi tấm màn mỏng, hai người đối diện không nhìn thấy nhau mà chỉ nghe tiếng nói, thuật lại tất cả, người đàn ông lại ghi ghi, chép chép.


///---///--- Hết bài thứ 27

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét