Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 47

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 47

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 47


Ông cười nụ rồi qua phòng con gái. Hoàng đang cãi với Tôn về bài toán. Một người muốn đặt thừa số chung rồi rút gọn; một người cho là cần tính thu gọn phần đơn giản trước. Ông ngồi nghe những người trẻ, nói chuyện rất vô tư, gợi lên trong lòng cảm giác vui vui.

-Mình nói chuyện, không, tôi muốn hỏi anh…

Hoàng định bước ra ngoài, nhưng Tôn nhìn qua ông, biết ý, ông cười:

-Anh Tôn nì, anh đi đâu mà rơi vào hoàn cảnh oái oăm? May là chúng nó chưa “thịt” anh!

-Hàng chục năm trời, trong lòng tôi không bao giờ nguôi ngoai là phải đi tìm tông tích của ông già. Thưa ông - hơi dông dài một tí, mong ông miễn thứ…

-Anh cứ kể tiếp, biết đâu có thể giúp một chút gì đó.

-Đậu Pri… xong, ông rời quê; tìm vào một nơi, tôi chỉ biết rất mơ hồ là Quảng Lợi hay Quảng Đạo gì đó. Tôi không biết, phương trời đó, đâu là “cục nam châm” có sức hút, để ông phải bôn ba tìm đến! Ông thường hay gởi thư về cho ông, bà nội. Rồi tang tóc xảy ra: ông, bà nội và mẹ cùng mất một ngày. Còn tôi thì… Tháng trước, tôi mới tìm được về quê.

Ông ngồi đăm chiêu, hai tay nắm chặt lại. Còn Hoàng mặt mũi thn thờ, ngơ ngác. Tất cả không gian hình như dừng lại. Mỗi người nhìn ra vườn, theo một hướng. Con chó đốm lang thang đi tìm Hoàng, vào nằm cuộn tròn dưới hai chân cô bé.

-Có ông Tư, nhiều tuổi hơn tôi, chơi với nhau từ thời còn để chỏm. Ông rất giỏi tiếng Pháp, làm ở “nhà dây thép” mấy chục năm; giao thiệp rộng rãi. Sức khỏe của ông ta nay yếu lắm, nhưng đầu óc còn minh mẫn. Nhà ông ở ngoài xa. Nhưng không sao, tôi sẽ tìm, ghé thăm và hỏi manh mối giúp anh.

Ông để cho hai người học tiếp, vừa bước ra rồi ngoái lại, Hoàng chạy tới:

-Tối nay mẹ làm cơm hến, con nói với anh, từ nay ngồi ăn chung với gia đình.

Trở lại chỗ bà ngồi:

-Theo ý bà, năm nay con gái không vào trường, tiếng Pháp cô giáo dạy thêm mấy tuần cho kịp chương trình; còn các môn khác, nhờ anh giúp cho.

-Cũng phải hỏi hai người. Về hoàn cảnh anh ta thì sao?

-Cuộc sống rất không bình thường, đang đi tìm cha thì sa vào tay bọn cướp.

-Mất hết tư trang!

-Chắc là thế. Chú lính coi phòng giam cho biết, tất cả chỉ còn bộ áo quần rách; nhưng xem ra người này có lẽ lương thiện nên mới dám dẫn về giúp việc cho bà.

-Những lúc cùng làm với nhau, tôi nhận thấy là người có ý thức.

Sắp vào giữa buổi, bà Đội đang ngồi ngoài sân, nhặt bông bí, chuẩn bị cơm trưa thì Tôn từ trong nhà đi ra, ngồi xuống cùng làm với bà. Bà vừa cười, vừa nói:

-Tối qua, anh có món quà tặng quý giá nhưng chắc là anh chưa biết!

Tôn nhìn bà, nét mặt hiện lên cảm xúc ngơ ngác. Bà tiếp:

-Ông cho anh xem tủ sách của ông. Đó là việc làm hiếm có. Nó như một người tình. Hằng ngày, dù công việc bề bộn bao nhiêu đi nữa, ông cũng vào ngồi đọc, viết; ít nhất là mười lăm phút. Ngồi ở chiếc ghế mây, xưa cũ lắm, ông biết tất cả các cuốn sách đang ở vị trí nào, đưa tay vào là rút được. Cuốn nào đang đọc, đọc nhanh hay chậm; những tờ giấy nhỏ kẹp vào đó, là chỗ đánh dấu, chứ không bao giờ dùng bút!

Đang nói chuyện vui, thì Hoàng chạy ra:

-Cho con làm với!

-Xong hết rồi! Mấy bài hình, có hiểu không?

-Ba bài toán, em đã giải xong.

Tôn ngng mặt lên, nhìn gần:

-Hơi ngạc nhiên!

-Anh đừng coi thường em!

Bà dừng tay, cười thành tiếng:

-Ở nhà cũng phải giữ lễ phép thầy trò chứ con!

Thời gian chưa nhiều, cái “nếp nhà”, “nếp sống” ở đây như gieo vào trong tâm tư thầm kín của Tôn những điều rất giản dị, cảm thông và một vài băn khoăn. Buổi tối, gia đình này, ai cũng có việc. Hoàng dồn tâm sức cho việc học tiếng Pháp. Ông và bà, có khi ngồi chung nhưng có khi mỗi người làm riêng ở trong phòng. Còn Tôn như cá được gặp nước, anh đọc mải mê cuốn sách mòn cũ, nhưng cực kì hấp dẫn: Thế kỉ sau, con người, viễn cảnh…

… Còn đâu “sạch như nước suối ban mai giữa rừng” mà tất cả dòng sông, tràn trề chất thải công nghiệp do các nhà máy thải ra. Ngày trước, học địa lí, thầy giáo vừa cười vừa kể là miền đất mũi, mỗi năm phù sa bồi đắp cho vùng này hàng trăm mét đất lấn ra biển. Bây giờ, chỉ chưa tròn tháng, hàng trăm cây số đất đai, ruộng vườn, đường sá, hàng chục ngôi nhà… đổ ập xuống lòng sông vì phù sa cạn kiệt do thủy điện, do con người tham lam vô độ đào bới cát. Còn con người, bắt đầu vào “cuộc sống là là trên mặt đất”, mấp mé vào cái “thiên đường ngu xuẩn”: ngồi ở nhà mình mà biết những chuyện khắp mọi xó xỉnh trên hành tinh. Ông cha ta thuở trước, ôm tựa vào “ba cái”: Thiên, còn đâu là thời nữa. Quả đất ngày một nóng lên, băng tan, nước biển dâng; đất nhiều lục địa sẽ chìm. Địa, còn đâu nữa lợi mà mong… Về cánh đồng miền quê, ruộng tràn ngập thuốc trừ sâu, đâu còn con tép, con rô để bắt. Nhân, chữ hòa ư… Hãy nhìn xem, một chị trồng hai luống rau: một luống dùng nước sạch chăm tưới, để mình ăn; còn luống kia dùng nước ủ phân, tươi lên xanh tốt, rồi đem ra chợ bán. Một bộ phận không nhỏ, con người bây giờ khôn ngoan hơn, lọc lõi hơn và cũng lưu manh hơn. Nhân loại đang đi trên hai con đường. Đường bên này, loài người bước ra từ buổi hồng hoang, bằng lao động và trí tuệ, bước lên xã hội văn minh. Đi bên cạnh, công nghệ mà con người tạo ra, cải tạo thế giới, nâng đời sống vật chất và tinh thần con người đi lên. Chính con đường đó, biên giới công nghệ k diệu, đến giới hạn - chẳng hạn ba thế kỉ nữa - dẫn nhân loại vào con đường diệt vong! (Trí tuệ nhân tạo là bạn đồng hành cùng sự ngu xuẩn của con người ).

Tôn đang đọc những dòng dự báo “ghê rợn” do một nhà bác học có tên tuổi viết mà ngồi sững sờ, không cử động, thì bà Đội gọi:

-Anh ơi, xuống giúp em…

Hoàng muốn môn toán cô đọng, rút ngắn lại, kết thúc như tiếng Pháp; dành vài tháng lo chuyện xa hơn một tí - chuẩn bị hành trang cho cuộc “viễn du”.


///---///--- Hết bài thứ 47

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét