Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 38

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 38

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 38


Thật giống một buổi đi cắm trại: Tôn đang cầm trên tay bó lá cây, đặt mẹt xuống, trải lá lên. Thương bóc gói tương, mùi thơm thoang thoảng. Đúng là của xứ sở vùng Bần nổi tiếng. Thu sắp bánh thành vòng tròn, rồi mời mọi người bắt đầu. Mỗi người cầm miếng bánh, chấm tương xong, nhưng người này cứ nhìn người kia, không ai muốn ăn trước. Thương kể rằng: “Bánh đúc chợ Đường được làm từ hạt gạo màu nâu nhạt, xay bột bằng cối đá quay tay; tiếp theo là trộn, lọc, đổ khuôn. Bánh đúc chợ Đường, chấm với tương Bần, là món ăn mà người dân xứ này tự hào, giữ gìn bao nhiêu năm nay”.

Còn lại hai miếng, Thương cầm lên trao nốt cho Tôn và Thu; rồi nhanh tay dọn dẹp những gì còn lại trên cái mẹt. Uống nước xong, Tôn một mình lững thững đi xuống bờ sông. Anh vốc nước rửa mặt để cho đầu óc sảng khoái - thêm một lần ra đi nữa, nói gì với hai chị em… - Quay lại, Thương và Thu đang đứng sau lưng. Thu nở nụ cười cởi mở:

-Nước mát lắm, phải không anh?

-Mát lạnh và thú vị. Ước gì mang theo…

Thu và Tôn cùng đi song song trở lại bãi cỏ. Thương chầm chậm theo sau: “Một chuyện rất tình cờ, cái gì đưa đẩy để có cuộc gặp này? Bên ngoài, chắc là một con người tử tế. Nhưng anh ta là ai, đang đi đâu, tìm kiếm cái gì; mình băn khoăn quá. Làm sao rõ được?”.

Ba người ngồi ba góc như ba ông táo. Không muốn làm phiền thêm nữa, Tôn dịu giọng:

-Do ông Long mà gặp rắc rối. Cám ơn ngàn lần ông Long, vì đã “ làm ra “ cuộc hội ngộ này! Mình phải tiếp tục chuyến đi.

-Về đâu anh?

Thu nhìn thẳng vào Tôn hỏi.

-Tìm về nơi gọi là Thuận Biều, ở xứ Quảng Lợi rất xa…

Tôn bước đến, lấy chiếc túi vải, mở ra; cầm cuốn vở hàng ngày anh thường ghi chép, về ngồi lại chỗ cũ:

-Anh muốn gởi lại vật kỷ niệm nho nhỏ.

Thu nhìn sang Thương, nói luôn:

-Anh lấy ra đi!

Anh cầm tờ giấy- phải xé từ cuốn vở, là việc bất đắc dĩ - và cây bút chì, vẽ hình:

-Bài toán này do một người anh kính mến tặng, bây giờ đúng lúc mình xin chuyển lại: Vẽ vòng tròn, kẻ dây cung. Từ trung điểm dây cung này, kẻ thêm hai dây cung nữa đi qua đó. Nối hai điểm mà hai dây cung cắt vòng tròn từ hai phía nhìn từ trung điểm dây cung thứ nhất. Ta nhận được hai tam giác. Chứng minh: hai đoạn thẳng của dây cung thứ nhất nằm trong hai tam giác đó bằng nhau!

Đọc xong bài toán, Thu hỏi thành thực:

-Anh đã học lớp mấy rồi?

Lưỡng lự một lúc, Tôn mới giãi bày:

-Do hoàn cảnh – nói cho chính xác – anh chưa một ngày được cắp sách đến trường như em cả. Đó là ước mơ. Dù sao thì cũng xa vời!

Thu còn hỏi Tôn thêm vài chuyện nữa thì nghe phía sau hàng tre có tiếng người lao xao. Đó là những người về chợ sớm để lấy hàng. Tôn tìm đến chai nước, chỉ còn chút ít ở đáy, nhấp một tí. Anh ôm túi đồ, quay ra nói với hai chị em:

-Đến lúc anh phải đi rồi. Mong hai chị em có một kỳ nghỉ hè vui và học thật giỏi!

Thu bước đến trước mặt Tôn:

-Buồn là gì hở anh?

-… Không phải do bên ngoài mang đến mà ở ẩn trong lòng ta.

Thu nắm chặt tay Tôn, quay ra nói lớn:

-Chị ơi chị, chị phải nói một câu gì đi chứ!

Tôn lại ra đi, thầm nghĩ: “Sự im lặng của Thương như còn vang mãi trong nỗi cô đơn của một con người. Cái còn lại là gì?”. Chân thì bước những bước dài, trong đầu sao cứ băn khoăn, biết mình hay “tự vấn”; đó có phải là “điểm yếu” trong tính cách con người? Mỗi lần như thế, lòng anh lại xao xuyến. Nhớ lời bà Ấm, khi giãi bày về chữ “tình”. Chỉ mấy phút ít ỏi, ngồi bên cô gái, nhìn ra sông - mây trôi êm đềm, bóng tre xanh xỏa xuống dòng nước - chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, gặp rồi xa. Ban đầu, định hỏi anh: Sao lại có chiếc áo người con gái mà xé làm băng, nếu đó là một kỉ niệm, thì tiếc quá! Chuyển ý, cô nói:

-Bây giờ, nếu cần nói một từ - chỉ một từ thôi - anh cho là hay nhất, đúng nhất và đẹp nhất, là gì? Không. Phải hai từ mới hợp lí!

-Lấy O làm mốc: Bên phải, phía trên, ghi dấu “+”; bên trái phía dưới, ghi dấu“-”.

-Ý nghĩa?

-Học để biết sống/Sống phải biết học.

Thương thay đổi tư thế ngồi và im lặng…

 

Qua mấy ngày lội bộ, khi thì tỉnh lộ, khi thì quốc lộ; Tôn cố tập nhịn, dễ dãi trong ăn uống: “Đường còn xa… ”. Anh cũng không nhớ, đã qua mấy con sông, đã qua mấy thôn, làng. Đến chiều thứ tư, anh ghé quán bên quốc lộ, người ra vào đông vui. Đầu tiên, anh mua nước; người con trai, cỡ tuổi học trò, bưng ra cái vò gốm nâu sẫm, mời khách. Hớp ngụm nước, miệng anh rất nhạy với chất lạ: không phải trà, càng không phải nước chè xanh có gừng. Dõi theo thằng bé chạy tung tăng tiếp khách, lúc nó dừng chân, anh móc túi lấy tiền trả:

-Quán này không lấy tiền nước, chú à!

-Thế thì cho chú một suất ăn tối.

-Có cơm, xôi đậu xanh, cháo…

-Cho chú bát cháo và gói xôi.

Thằng bé chạy vào, lát sau bưng ra chiếc mâm gỗ, trên đặt gói xôi và bát chào lòng rất to. Do hợp khẩu vị hay là vì đói, Tôn ăn gần nửa bát, thì dừng lại. Thằng bé chạy đến bên cạnh:

-Cháo ăn được không chú?

-Không ngờ, quán bên đường mà có cháo ngon thế.

-Vì trưa nay, dì cháu cho thợ mổ con lợn, lấy bộ lòng để nấu nồi cháo đãi khách.

-Đường ở ngoài vào, sẽ đi theo hướng nào?

-Đây gần ngã ba, vào một đoạn nữa, có mấy quán, đường lên dốc, bắt đầu vượt đèo.

-Chú muốn trọ lại đêm nay.

Đi đường mệt, Tôn ngủ thiếp đi. Sáng. Thằng bé đang ngồi gần cửa ra vào, vừa cầm nắm xôi ăn ngon lành, thấy Tôn đi tới, cậu ta bẻ đôi, mời anh:

-Chú đừng ngại, ăn để còn đi tiếp.

Hướng theo con đường lớn trước mặt, xuyên qua ngọn đồi, Tôn gặp vài người trai tráng, họ đi một đoạn rồi rẽ vào phía bờ rừng. Bên cạnh đường, tấm bảng bằng xi măng dựng trên hai cột có chữ nổi, sứt mẻ, tàn phai: “Đèo Ngang”. Tôn đã nghe nhiều người nói, nhiều người kể; bây giờ mới nhìn được tận mắt. Bước tới gần,  anh đặt tay lên góc tấm bảng: Thời gian chỉ còn lại những vôi vữa, cát vàng thôi ư?

Anh tiếp tục đi. Thêm một đoạn nữa, thì gặp một người đàn bà, đang gánh hai giỏ bằng tre, chất đầy các loại đồ gốm dùng trong nhà bếp ở các vùng quê: ấm, nồi, thạp, vò… Đường lên đỉnh đèo là những bậc tam cấp bằng đá, sắp rất ngay ngắn. Bà bước thong thả lên từng bậc một, mồ hôi chỉ thấm ra chút ít ở thân vai áo nâu. Thấy con người vừa gánh nặng, vừa cheo leo trên sườn dốc; Tôn nhảy lên, đến gần:

-Cô ơi, để tôi giúp một tay!

-Cám ơn cậu. Sơ ý, tuột tay, đổ vỡ hết. Trông thế thôi, chân tôi còn vững lắm. Công việc quen rồi. Mệt một chút, nhưng có việc để làm.

-Có một mình…

-Ông nhà tôi, gánh nặng hơn, đã lên trước. Đến đỉnh, ông quay xuống đón.

Bà đặt gánh, ngồi nghỉ nơi bậc đá rộng. Tôn đến ngồi cạnh. Bà lấy nước mời. Tôn uống xong ngụm nước, liền lấy gói xôi, đưa cho bà một góc:

-Cô ăn cho có sức.

-Còn anh đi đâu?

-Tôi đi vào phía trong.

-Có gì không phải, anh bỏ qua: Anh không phải người vùng này!

Tôn không trả lời, anh cười. Gánh nặng thế, mới ngồi nghỉ một lúc, nét mặt trở nên vui tươi; bà lại tiếp tục:

-Nói để anh nghe: Nhà có ba cháu. Cháu đầu lấy chồng xa, hai đứa sau, lấy vợ, ra ở riêng, làm nhà chung trong vườn. Chúng nó biết lo toan, làm lụng. Ông nhà tôi cày, cấy mấy sào ruộng. Khi nông nhàn, ông phụ ở lò gốm.

-Đời sống đâu đến nỗi nào mà phải bươn chải thế cô!

-Các cháu cứ nhắc: Bọ, U làm xung quanh vườn thôi; đi xa vất vả…

-Còn niềm vui nữa chứ anh!

Họ lại tiếp tục, leo dần lên những bậc đá, không còn mỏi chân như ban đầu. Đi thêm một đoạn nữa, quay lại nhìn, phía dưới xa thăm thẳm, cảm giác ghê ghê. Trước mặt, phía trên mấy chục bậc, đã nhìn thấy ông sắp xuống gần.

Tôn tách ra đi một mình, gần trưa thì lên đến đỉnh đèo. Ngồi yên lặng một lúc, Tôn lấy bút, giấy ghi:

“Mình tìm đến, ngồi dưới cổng chính, bên trên vòm cửa phía bắc, nhìn rất rõ Hoành Sơn Quan”. Trong suy nghĩ đang lang thang bồng bềnh, thì Tôn gặp một người, mặc bộ đồ màu lam nhạt, cũng mang chiếc túi nâu; gọi “chú Tiểu” thì trẻ quá, mà gọi “Thầy” thì cũng không hay… Anh ta hỏi Tôn trước:

-Ông đi vô hay đi ra?

-Tôi đi vô.

-Ông đang làm gì mà phải dùng giấy, bút?

-Được đặt chân đến nơi này mà tôi biết còn quá ít.

Rồi anh ta bắt đầu kể, rất say sưa, giống như bạn lâu ngày gặp lại: Đèo Ngang. Ông hãy phóng tầm mắt ra phía biển. Đó là vịnh Hòn La, được hình thành từ nhiều đảo nhỏ; trong đó có một đảo cư trú của hàng ngàn con chim. Dưới chân đèo, có con suối nhỏ, sau những hàng cây là đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, ghi lại dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ của tổ tiên. Nhìn về phương nam - ông thấy chứ? - một làng biển sầm uất nổi tiếng, có những nét văn hóa độc đáo. Nơi đó, từng in dấu chân của những “tao nhân mặc khách”.

Cậu ta ngừng lại giây lát, ngước nhìn người bạn đường. Bất ngờ, Tôn hỏi:

-Chú đi tu lâu chưa?

-Hơn một năm, nhưng chủ yếu là đi học.

-Vì thế, chú am hiểu rất nhiều điều.

-Rất tiếc, tối nay tôi phải về cho kịp hẹn. Qua chiều rồi, xuống đèo, ông vừa ngắm cảnh - đừng bỏ lỡ cơ hội - vừa tưởng nhớ một người đàn bà Hà Nội, mang tên “chức vụ” của chồng, để lại ở cái đèo này dấu ấn mà gần ba trăm năm rồi, những người hậu sinh - như chúng ta -  hễ nhắc tới vẫn còn thổn thức!

Trước khi từ biệt, cậu ta còn nói tiếp, chưa muốn dứt, chỉ tay:

-Dãy Trường Sơn vào đến đây, tách ra một nhánh, hướng về phía biển, tạo thành núi Hoành Sơn.

Chú ấy mang chiếc túi nâu bạc màu, quai dài đeo thỏng xuống, từ từ xuống dốc, phía bên kia đèo; rất vui, Tôn được trò chuyện, biết thêm một người nữa!


///---///--- Hết bài thứ 38

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét