Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 52

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 52

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 52


Trên xe, bà ngồi với Hoàng phía trước, cùng trò chuyện với anh tài xế. Anh ta kể nhiều chuyện vui, như lần xe hỏng mà gặp việc rất gấp, loay hoay mãi không sửa được, bị ông Đội phạt…  Ông Đội ngồi cùng Tôn phía sau. Ông bảo rằng, nghề y đối tượng trực tiếp là thân thể con người. Những tiến bộ của kĩ thuật được vận dụng, nâng cao phương pháp chữa bệnh. Nhưng cũng chính những điều đó mà da thịt con người đặt trước những cuộc mổ xẻ. Tôn ngồi nghe, từ câu chuyện y học, y đức dẫn anh trở về lẽ sống: con người ta phải sống đẹp, nhưng cũng phải chết đẹp. Mới nghe chuyện này, người thì lắc đầu, người thì khoát tay – sao chết mà đẹp được hở trời! - “Một con người tôi chưa hề gặp, chưa hề biết; văn anh tôi chưa từng đọc. Theo bạn bè, anh là con người tử tế, được sinh ra trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có huyết thống với những con người tiết tháo, hào hoa; và một tình yêu, khó bút nào lột tả hết. Anh ra đi, không đau đớn, không bệnh tật hành hạ dai dẳng, không bị dao kéo can thiệp. Phải chăng, tiềm ẩn về vẻ đẹp là ở đó?”. 

Xe về đến nhà, đã có bà con, cô bác chờ đón đông vui. Ông đi bên con gái vào nhà. Bà và Tôn cùng xách tư trang, những đồ đạc lặt vặt, xuống nhà dưới. Bà ghé ngồi vào chiếc ghế thấp, thẫn thờ. Tôn đến gần, lo lắng:

-Để tôi dìu bà lên phòng, nghỉ ngơi cho lại sức!

-Tôi đang… Chỉ hơi mệt một chút thôi. Được về nhà, không khí bà con đến thăm, làm sao nằm được hở anh?

Bà đi vào bếp, rửa ráy qua loa rồi lên nhà trên chào bà con. Xung quanh chiếc bàn tròn, người ngồi, kẻ đứng. Hoàng ngồi bên bà cụ lớn tuổi. Bà cứ mân mê bàn tay của cháu gái, không hề nói câu gì cả. Một chị mặc đồ bà ba, từ dưới bếp bưng lên khay nước, rót ra cốc mời mọi người. Từ câu chuyện trong nhà thương đến chuyện mùa màng năm nay gặt được nhiều thóc; làm cho ai cũng đều vui.

Khi mọi người ra về hết, bà vào sắp xếp lại chỗ nằm cho Hoàng. Hoàng đi tới nơi kệ gỗ, lật từng tập vở, nào toán, nào tiếng Pháp… hy vọng, sức khỏe khá lên, cô sẽ tiếp tục học lại.

Ông Đội bước ra sân, nắng chói chang. Ông bước nhanh ra vườn sau, thấy Tôn đang thơ thẩn dưới gốc cây khế, thì tiến đến:

-Vài hôm nữa, tôi và anh đến thăm ông Tư.

-Phải lo cho Hoàng trước đã. Chuyện này chậm lại đôi chút cũng không sao.

-Làm được cái gì là làm thôi, anh ạ!

Hai ngày về nhà, vì sống trong không khí gia đình, mọi người cảm thấy thoải mái nên tinh thần Hoàng tươi tỉnh hơn những ngày nằm nhà thương. Bà Đội nhắn dưới quê, đứa cháu gái lên giúp việc. Ông Đội chỉ nghỉ vài hôm rồi phải đi làm.

Buổi sáng, lâu lắm rồi, mới có cảnh như hôm nay. Như mọi lần, Tôn đi quanh vườn mót củi. Những cành bưởi, cành mít khô lâu ngày, được chặt gom thành đống. Bà Đội cắt mấy tàu lá chuối, xếp lại, vài hôm nữa, xay bột làm bánh. Cháu bà - chị Thắm - người nhỏ con, nhưng lanh lẹ. Chị xắn quần lên cao, vòng quanh mảnh vườn vừa hái ớt, vừa ngắt bông bí, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Từ góc sân bước tới, Hoàng nói với:

-Bông bí luột hay nấu canh hở chị?

-Em thích ăn món gì thì sẽ chiều.

Ông đi làm được mấy ngày, công việc dồn lại, chỉ một mình, cũng không có gì phải bức xúc. Ông muốn đến thăm ông Tư, một phần hỏi tin cho Tôn, nhưng một phần nữa là muốn gặp người hàn huyên, tâm sự. Ông xách xe, kẹp chai rượu, đạp đi. Qua cánh đồng rộng, vào đến con đường làng quen thuộc, phóng tầm mắt, đã nhìn thấy ngôi nhà ngói như thuở nào. Xuống xe, dắt bộ, cửa cổng khép hờ; bước vào sân. Sân rộng, cỏ mọc từng đám. Ông dựng xe vào góc nhà, đẩy cánh cửa gỗ. Một ông già nằm trên tấm phản, mở mắt nhìn ngơ ngác:

-Ai đó hè?

-Lâu quá, cũng phải mấy năm, chúng ta chưa…

-Ông vẫn còn đi làm?

-Hơn một năm nữa sẽ nghỉ. Hôm nay, ta nhâm nhi một tí.

-Ông hay bày vẽ làm gì cho phức tạp.

-Tôi muốn hỏi ông một chuyện cũng đã lâu lâu…

-Chuyện cũ thì nhiều lắm!

-Hồi đó, ông học trên tôi một lớp, nhưng lại chơi thân.

-Hơn một lớp là xa cách lắm đó. Nhớ lại, hồi ấy có nhiều “kiều nữ” mê li, mà tôi đâu có để ý.

-Lớp ông có hai đứa, ông và một thằng nữa, đậu Prime, dự thi mấy chục, nhưng chỉ có hai đứa trúng. Ông nhớ được gì, nói cho tôi nghe.

-Nó là Lê Hồng… Kha. Con ông Lê Hồng Khã, một con người có vai vế ở quê nhà - giỏi tiếng Pháp, hay tranh cãi với thầy - đang tuổi học trò, nhưng ở nó có nét gì đấy, phảng phất cái khí chất của Nguyễn Công Trứ, của Tú Xương. Anh ta có điều kiện tiếp tục học lên nữa. Nhưng sau đó, hăng say hoạt động xã hội, tham gia Hướng đạo; trở thành thủ lĩnh nhóm Hướng đạo sinh, đi dạy chữ cho trẻ em nghèo, quyên góp giúp người bệnh, người tàn tật. Tiếng lành đồn xa.

-Rồi tiếp tục ra sao?

-Hướng vào Nam, như người thường nói: Tiếp tục cuộc trường chinh!

-Ông có thêm tin gì nữa không?

-Rồi cuộc sống đời thường, kéo đi cho đến bây giờ, một ông già nhìn lại…

Hai ông ngồi lặng thinh, nghe rất rõ tiếng con bò ạ ngoài đồng vọng lại!

 

Đêm qua, trời mưa to, xua tan không khí oi bức mấy ngày vừa qua. Trời sáng. Tôn dậy trước tiên. Anh ra khỏi cổng, đi về phía mương nước, nhìn lên ngọn đồi thấp phía trước, định lên hái vài bông trang, màu hồng; trong sương sớm dễ thương lắm. Tự nhiên, anh nghe hình như có tiếng gọi to ở nhà. Không chần chừ, anh chạy một mạch về đến sân, chị Thắm nói không ra lời:

-Anh vào ngay đi…

Sáng nay, trời mát. Bà nằm nán lại, cũng mong để cho con ngủ tiếp. Nằm mãi, sao không gian im lìm quá, bà vùng dậy, chạy qua giường con. Hoàng nằm thẳng, hai mắt mở. Khi Tôn và chị Thắm bước vào sát giường, mắt Hoàng từ từ khép lại… Chị Thắm sờ vào hai bàn chân. Tôn đến gần, cầm bàn tay phải, đặt vào giữa hai bàn tay của mình, nắm lại. Bà Đội bổ nhào, ôm lấy con, khóc gào lên thành tiếng…

 

Theo ý nguyện của gia đình, ngày tiễn đưa con gái, chỉ vào khoảng hai, ba chục người. Khiêng phía trước, bốn người lính, mặc đồ xanh và Tôn. Họ không xa lạ gì - Lần anh nằm trong nhà tù, họ là người nhận ra anh từ đầu không phải là bọn trộm cướp. Đội của họ có chín người, dành một suất cơm; đặt vào chiếc mâm gỗ, cơm trắng, cá kho, canh bí ngô, bưng lên mời anh ăn, không hề hăm dọa hay dùng roi vọt gì cả! - Phía sau là năm người trai trẻ, bà con. Đi lùi phía trước, ông Bá, chít khăn màu đỏ, hai dải thả xuống, gõ cặp sanh, dẫn đường. Theo sát, ông bà Đội, ông bác sĩ, một số y tá, hộ lí cùng bà con. Đi sau cùng, chị Thắm mang theo bó hương và cặp nến.

Tiếng sanh khi khoan, khi nhặt, mười người, chưa hề tập luyện, thế mà có được những bước đi nhịp nhàng. Đến nơi, dừng lại, ông vái; rồi ông đọc mấy lời và đến giây phút cuối cùng: Hạ huyệt.

Chị Thắm nâng giữ bà, ông bác sĩ im lặng theo từng bước chân ông Đội. Trong chốc lát, ngôi mộ đã đắp xong. Ông Bá đặt lên đầu mộ viên đá xanh hình vuông vuông, tròn tròn làm bia. Khi mọi người xếp thành hàng, thắp hương và cúi vái; bà gục người vào lòng ông, nức nở.

Không khí buổi sáng đã bắt đầu khô nóng, cái huyên náo đã trôi qua. Trên bãi đất vương vãi những nhát cuốc, những búi cỏ, những dấu chân người, chỉ còn lại Tôn và anh lính, người mà ông Đội bảo lấy xe đạp, đưa về nhà gặp bà và Tôn. Trong tay hai người, cũng là tình cờ mà thôi, đang cầm hai cây hương đang cháy dở. Họ nhìn nhau và cùng bước tới, đứng lặng yên, cùng vái ba vái và cúi xuống thắp hương. Lùi ra, Tôn nói như cho chính mình nghe:

-Thế là thêm một cuộc chia li nữa Hoàng ơi! Nằm lại đây, mong linh hồn em chóng được siêu thoát. Anh sẽ ra đi. Đoạn đường sắp tới…

Anh lính nghe Tôn khấn, không ghìm được, tiến đến nắm tay Tôn kéo đi:

-Mình là lính, nhưng được gần ông Đội, hiểu được một phần tâm tư của ông. Cũng là một kiếp người, sao cuộc đời éo le thế hở cậu?

-Mấy tháng ở trong gia đình, tôi hình dung, cầu mong là một viễn cảnh xán lạn.

-Có lần ông ngồi trầm ngâm trong phòng làm việc, một hiện tượng chưa từng có. Mấy ngày sau, khi gặp nói chuyện, tôi có hỏi…

-Tôi chưa hiểu là tại sao vận đen đến nhanh thế!

-Không phải nhanh. Ông bác sĩ người Pháp, ông bác sĩ ta, họ có hàng chục năm làm nghề, họ biết và có lần nói xa gần với ông Đội. Và ông cụ đã có sự chuẩn bị cho riêng mình.

Hai người rời khỏi khu mộ của làng, đi về hai phía khác nhau. Tôn cúi đầu, ngẩn ngơ như người mất hồn. Anh không dám nghĩ đến “cái đẹp” mà hôm trước anh đã suy tư vì như thế có phũ phàng quá chăng?

Đứng lặng một hồi, như nhớ ra điều gì, anh xăm xăm đi ra phía bìa rừng, tìm cho được ba cây hoa mười giờ. Quay lại, anh trồng lên ba đỉnh tam giác trên mộ người con gái. Lấy chiếc khăn tay ở túi xách đang dùng hàng ngày, đến chỗ thấp, nước còn đọng lại chút ít, thấm vào khăn, đi về; bàn tay nhẹ nhàng, vắt mấy giọt lên từng cây hoa. Trời đã nắng. Hoa đã nở. Màu đỏ tươi rói, hình như nghe rõ tiếng nói của người bên kia như cứa vào lòng anh!

Tôn cẩn thận gấp chiếc khăn, bước những bước rất khẽ, đến quì bên cạnh tấm bia, nhẹ nhàng tách lớp cát mỏng, đặt chiếc khăn tay - từ những ngày xa quê, mang theo - xuống đó, như gởi lại một chút hơi ấm của con người ở phía bên này!


///---///--- Hết bài thứ 52

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 51

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 51

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 51


Thời gian biểu dự kiến không còn phù hợp nữa. Tôn phải làm thay bà Đội hầu hết công việc. Sức khỏe, đặc biệt tinh thần của bà sa sút rõ rệt.

Do công vụ dồn dập, cuối tuần, ông Đội mới vào tới. Ông bác sĩ xem lại bệnh án ghi chép mấy hôm trước, rồi ông bắt đầu những động tác rất tỉ mỉ: nghe tim đập, nghe phổi thở. Dừng lại suy nghĩ dăm ba phút, ông lại tiếp tục với chiếc ống nghe. Sau đó, hai ông kéo nhau ra ngoài sân. Họ to nhỏ với nhau chuyện gì, lâu lắm.

Đến bữa, Hoàng ăn không nhiều, bà Đội tất tả ngược xuôi, tìm mua từ cháo hàu đến chè hạt sen, chăm từ món ăn đến giấc ngủ. Nhưng xem ra tình hình sức khỏe của con gái xấu đi trông thấy.

Khi ông Đội trở lại phòng ở, cử chỉ thì bình thản, nhưng nhìn nét mặt, mới hiểu được một phần ưu tư, dằn vặt mà ông đã trải qua. Ông nói chuyện với mọi người, giống như mọi khi, vẫn thân tình, vẫn nhẹ nhàng nhưng lại phảng phất, bàng bạc không khí khô khốc.

Ông bác sĩ trưởng qua. Ông ta và ông bác sĩ phụ trách nhà thương suốt hai ngày liền tập trung vào kiểm tra chuyên môn, khám lại từng ca bệnh nặng. Ông dành cả buổi xem xét hồ sơ, tài liệu. Đến ngày thứ ba, hai ông xuống tận phòng để khám cho Hoàng. Sau đó, Tôn dìu Hoàng lên phòng săn sóc riêng. Một cuộc họp, có nhiều bác sĩ giỏi cùng dự.

Ở bên ngoài, Tôn đứng bên cạnh, muốn biết đôi nét của bà Đội về thời con gái, thời đi học. Bà nói, bà sống trong gia đình nền nếp, lễ giáo, luôn luôn đặt mình trong khuôn phép; nhiều lúc cảm thấy gò bó, căng thẳng. Nhưng nhìn lại, thấy có nhiều điều hay, những việc tốt. Rồi cửa phòng họp mở. Họ đi ra, tất cả đều im lặng. Làm nghề thầy thuốc, có một điều là chưa thể nói ra hết những tình huống sẽ xảy ra hoặc sắp xảy ra của người bệnh.

Chiếc xe cũ kĩ màu đen từ từ chạy vào sân nhà thương. Ông Đội bước nhanh ra khỏi xe, hướng đến, bắt tay hai ông bác sĩ. Ba ông bàn chuyện to to, nhỏ nhỏ. Cuộc nói chuyện không lâu, nhưng càng về cuối càng cảm thấy có điều gì không bình thường.

Qua buổi chiều, sau khi ngủ được giấc dễ chịu dù không được lâu, Hoàng gọi Tôn đọc tiếp cuốn sách mà cô rất muốn nghe.

-Bà mồ côi cha rất sớm. Bà là con út với bốn người chị gái, sống với mẹ quá ư chật vật. Sau đó mẹ bà gởi bà đến ở nhờ người chú, cũng cực nhọc lắm. Mấy năm sau, bà về sống với mẹ. Ở đây, bà đã được chứng kiến cuộc sống của những con người dũng cảm, khát vọng lớn lao, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho đất nước mình. Chính những nhân tố sống đó, với sự rung động mẫn cảm, làm bộc lộ tài năng để bà khởi thảo cuốn sách đầu tay và cũng là tác phẩm vô giá mà bà để lại cho đời - dù cuộc sống của bà lưu lạc gần một trăm năm!

-Thôi. Ngừng lại đi anh!

Tôn gấp sách, định đi về phòng cũ thay áo quần, nhưng Hoàng khoát tay:

-Anh đừng đi đâu xa nghe!

Tôn dừng ở phía ngoài, nhìn lại; người con gái nằm đó, mắt nhắm. Mái tóc lâu ngày không chải, tiều tụy. Trong anh, những suy nghĩ mù mờ, ngổn ngang. Rồi anh tự vấn: Tại sao ta dừng lại ở đây lâu thế? Có bàn tay vô hình sắp đặt ư?

Hai tuần làm việc của ông bác sĩ trưởng sắp hết, ông chỉ lưu ý về bệnh tình của Hoàng mà giữa ông và người bác sĩ phụ trách còn vài điều phân vân. Bệnh tim phải điều trị bằng thuốc với liều cao hay can thiệp bằng phẫu thuật vẫn còn làm băn khoăn các thầy thuốc. Giữa kỹ thuật y học và bệnh tật luôn luôn nằm trong thế giằng co. Chính vì vậy, trước lúc rời nhà thương này - nơi đã hơn mười năm gắn bó, đi đi về về - ông ta nói với người bác sĩ, mà giữa họ từ lâu, rất hiểu nhau từ “chân tơ, kẽ tóc” - cho dù màu da, màu tóc… đều rất khác nhau:

-Trong những đề nghị - đúng hơn là gợi ý - như người Á Đông các anh, thiên về mềm hơn là cứng…

-Tôi thấy trong ca này, ý tôi khá phù hợp với anh.

Hai ông đứng dậy, bắt tay nhau rất chặt, giống như lần đầu họ gặp nhau vậy!

Trên chuyến tàu về thành phố để ra sân bay cho kịp giờ, ông bác sĩ định viết cho người đồng nghiệp một lá thư. Ngồi tư lự một lúc, từ từ ông đậy nắp bút lại, gấp tờ giấy, nhẹ nhàng xếp vào cặp.

Buổi sáng bình thường. Ngoài kia, con đường dẫn tới phòng khám như mọi lúc, có nhiều người lui tới, chờ đến phiên mình. Ở đó, luôn luôn bay ra thoang thoảng, mùi gì mà mới lần đầu ngửi phải, thật không dễ chịu tí nào cả! Trong phòng riêng, Hoàng nằm đó. Ngồi xung quanh là những người thân thuộc, hằng ngày ở bên cạnh em. Chỉ một thời gian ngắn, tóc ông bác sĩ bạc trắng gần hết. Ông lại làm công việc như thường lệ vào buổi sáng đầu giờ: sau khi đến phòng trực, ông trở lại, bắt đầu khám cho Hoàng. Một lúc sau, vẫn để ống nghe trước ngực, ông nghiêng người về phía ông bà Đội:

-Với người thầy thuốc, dù còn một chút… những giọt nước cuối cùng, cũng phải gắng sức tát. Nhưng sức lực của cháu quá yếu… Bà Đội đặt hai tay lên lưng ông, khóc thành tiếng. Tôn khe khẽ đi lùi về phía góc xa, nhìn lơ đãng vào không gian chật hẹp của căn phòng, một ý nghĩ chợt đến; anh quay lại, bước tới gần mọi người:

-Thưa bà và hai ông, nếu có thất lễ…

Ông bác sĩ nhìn Tôn, nét mặt dịu xuống:

-Chúng tôi đang muốn nghe…

-Xin thưa… Hay là đưa em về nhà để săn sóc…

Dừng lại, ngồi thẳng lên, một lúc sau, ông bác sĩ cầm tay ông Đội cùng bước ra ngoài phòng. Có lần, từ cách nhìn người thầy thuốc, ông có hỏi chuyện về quan hệ bà con; thì ông Đội cho biết, chỉ là một cuộc gặp rất tình cờ!

Buổi tối, bà đi mua ít nếp thơm, nấu tô cháo loãng, đập quả trứng gà so, lấy lòng đỏ, khuấy đều; rồi ngồi đút cho con ăn.

Đêm xuống nhanh. Bên ngoài, mấy hàng cây cao, gió xào xạc. Tiếng côn trùng vọng tới như lời nỉ non. Cái không gian và thời gian này rất dễ làm yếu lòng người.

Ông bà Đội đến ngồi cạnh con. Ông đưa mắt về phía bà, nhưng trán bà nhíu lại. Hiểu ý, ông xoay người, ghé gần lại, nói mấy lời ngắn gọn:

-Con ơi, ngày mai ba mẹ cho con về nhà…

-Dạ!

Chiếc xe quen thuộc đậu ở sân. Ông bác sĩ bước tới gần nơi Hoàng đứng, đặt tay lên vai cô gái:

-Về nhà, không khí trong lành hơn. Chúc cháu sớm bình phục.

-Thời gian qua, bác đã làm nhiều việc quá tốt vì cháu và gia đình cháu…

Xe chạy được một đoạn đường xa mà ông bác sĩ vẫn còn đứng đó. Tự nhiên, ông trở về với ý nghĩ mà có lần, ông hỏi xa gần người bạn già: “Trong hoàn cảnh này, anh chị nên có một người con nuôi…”.


///---///--- Hết bài thứ 51

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 50

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 50



Một cuộc gặp tình cờ ở đám giỗ nơi gia đình “Tôn Thất”. Hai người ngồi cùng mâm, cùng thích bún Huế. Cả hai đã ngoài bốn mươi rồi. Trời cho cái “duyên”, thế là sáu tháng sau, họ nên vợ nên chồng. Đám cưới bề thế. Mãi đến hai năm, họ mới có con gái đầu lòng và cũng là duy nhất.

Để bà Đội nằm nghỉ, Tôn đưa Hoàng ra ngoài, đi bộ dọc theo hàng cây. Nhìn qua hàng rào đơn sơ, phía bên kia, nhiều người đến làm thuốc, chữa bệnh… náo nhiệt cả một khu vực. Chọn dưới tán cây phượng có bệ xi măng thâm thấp, Hoàng ngồi, còn Tôn ra gần đường nhựa, chờ người đi bán hàng rong. Phía xa, một người đàn bà không còn trẻ, bưng chiếc thúng đi tới, chưa nghe tiếng rao, Tôn đã đưa tay ngoắt:

-Có gì ăn sáng không chị?

Cô ta bước tới, để nhẹ chiếc thúng xuống, ngồi lên hòn gạch, mở cái mẹt ra. Với một “không gian” rất hạn chế, bàn tay chai sạn, thế mà xếp lên từng ngăn, từng lớp: bánh bèo, bột lọc “quai vạc”, bánh nếp gói lá chuối… Anh mua mấy chiếc bánh nếp:

-Bán hết hàng mới về?

-Cũng tùy ngày thôi anh.

Hoàng cầm chiếc bánh còn hơi ấm, tách lá thành từng sợi nhỏ, Tôn ngồi lệch nghiêng, để ý xem - hay thật! Nhìn Hoàng ăn, gọn gàng, nét mặt tươi tỉnh; anh cảm thấy không khí ban mai này dễ chịu làm sao.

Trên đoạn đường ngắn trở về phòng ở, họ nhìn thấy ông bác sĩ từ lầu hai đang bước xuống tam cấp. Hai người nán lại. Ông ta bước rất nhanh, áo khoác lấm lem, có những vết sẫm hình như máu:

-Vừa trực đêm xong, gặp phải mấy ca cấp cứu nữa; bác cảm thấy mệt. Bác về nghỉ. Chiều nay Tôn lên phòng bác, giúp bác chút việc.

 Như lời dặn, chờ cửa phòng mở thì Tôn bước vào, anh cúi đầu chào. Ông đứng dậy, chỉ cho anh ngồi vào ghế:

-Chúng tôi đang theo dõi bệnh tình của em. Mọi điều có thể xảy ra. Tất cả còn nằm trong những dự kiến “phác đồ điều trị”. Là đàn ông mà làm “chân hộ lí” thật không dễ chút nào. Vào chút nữa, tủ sách đây, anh tới chọn cuốn nào thích; mang về hai anh em cùng đọc; tránh lặp đi lặp lại những công việc quá ư đơn điệu, dễ chán nản!

Đây có lẽ là lần thứ hai, phải chăng là điều may mắn, anh được nhìn vào “kho tri thức” với biết bao mong ước! Mắt lướt nhanh, tổng thể là những gì: Ngăn trên, tiếng Pháp. Ngăn thứ hai, từ điển, sách chữ Hán; tiếp theo là bệnh lí học… Anh dừng lại rất lâu ở ngăn cuối, rồi anh xin phép rút ra một cuốn:

-Cho tôi lấy thử cuốn này.

Ông nhìn lướt qua, rồi gật đầu:

-Được, nhưng mà…

Tôn chờ ông nói tiếp, thì ông dừng lại:

-Về đọc chầm chậm, lúc nào thư thả, ta cùng nhau nói chuyện.

Tôn cúi đầu cám ơn rồi đi ra.

Trở về phòng, bà đang ngồi bắt chí cho con. Hai mẹ con thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Thấy Tôn đang lấp ló ngoài cửa, bà gọi:

-Vào đi, không có gì đâu!

Sáng hôm sau, họ đi ra nơi cũ để mua thức ăn sáng. Chờ mãi, không được; Hoàng rủ đi mua chè đậu ván. Thấy ý định cũng hay hay, định chuyển hướng, tìm đường; thì gặp người đàn bà ngồi ở cái bệ mà ngày hôm qua họ ngồi, cởi chiếc nón lá ra quạt:

-Chị ơi, muốn mua chè đậu ván thì đi lối nào?

Chị ta nở nụ cười:

-Vừa ở trên rừng về à?

Hoàng hơi phật ý:

-Sao chị lại hỏi thế?

-Là vì chè đậu ván, người ta phải làm từ sáng, nào đậu, nào đường… Đến trưa mới bắt đầu nấu. Chiều múc ra, sắp vào gánh, lúc đó mới có chè mời khách.

-Công phu thế hở chị?

-Vùng này có ba quán có tiếng. Những người sành ăn, họ biết hương vị của từng quán. Bưng chén chè, đưa muỗng múc, rồi nhâm nhi; dù ngồi ở nhà, hay bên vệ đường biết “chè cô Sen”, “quán bà Lê” hay “đặc sản Thiên Thai”. Bao nhiêu năm rồi, con cháu giữ gìn …

Hai anh em đang nghe về cái món chè, thì sau mấy hàng cây, một người đang cắp chiếc thúng xăm xăm đi tới. Chị nói tiếp:

-Mơ đó. “Liễu yếu đào tơ”, với hai bàn tay trắng mà nuôi ba đứa con ăn học tấn tới!

Khi đến gần, chị bán bánh cười rất tươi:

-Mèng ơi, sao hôm nay đi lạc ra chỗ này?

-Theo giấy ghi, đến ngày phải vào khám lại. Thôi nhé, mình phải tới cho kịp giờ.

Nhìn theo người đàn bà đã đi khuất sau hàng cây, chị lấy bánh đưa cho Hoàng rồi thủ thỉ:

-Cũng như bao người con gái khác, lớn lên, mơ ước… Một người con gái “mát tay”, buôn đường dài có tiếng, mới có vài năm, được gọi bà Lớn, bà Nhỏ... Bánh hôm nay không ngon, sao ăn không hào hứng như hôm qua? À mà này, tôi thấy vui vui vì nhìn hai vợ chồng thương nhau ghê quá hè!

-Không. Em gái đó!

-Mà sao không có nét gì giống nhau cả!

-Rồi tiếp theo…

-Một anh chàng phất phơ, nổi tiếng tài hoa, gặp nhau, tán tỉnh… đến “kết” và … tan thành mây khói.

Hoàng đặt chiếc bánh đang ăn xuống:

-Cần chi, về nhà làm ruộng!

-Số phận chưa buông tha, lại bị đẩy vào chốn “bán thân, nuôi miệng”. Con bệnh quen mặt của nhà thương đó! Qua bao sóng gió, thế mà nhìn khuôn mặt vẫn còn lưu dấu của thời xuân xanh!

-Đời người con gái quá ư là…

Hoàng buông ra câu nói dường như vô thức nhưng chứa chất nhiều tâm trạng. Còn Tôn nhìn những cây phượng đỏ rực, mùa hè đó, với anh chưa bao giờ được nếm mùi vị “Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về, chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”.

-Hai người là bạn thời áo trắng?

-Có học một trường nhưng khác lớp. Rồi gió bụi cuộc đời đưa đẩy. Gần đây mới gặp lại.

-Chị ấy cứ nhấn nhá: “Một thúng bánh, hai bàn tay chăm chỉ; thế mà sống đường hoàng như ai”!

-Hai anh chị ơi, người ta bảo: Ông Nam Tào ở đâu trên cao, giữ cuốn sổ có ghi hết thảy “cái số” của chúng ta; như tấm lưới vô hình choàng lên cuộc đời của mỗi con người, cho dù ai có quẫy, đạp, vùng vẫy thế nào chăng nữa, thì cuối cùng vẫn chịu nằm vào trong đó!

Hoàng từ từ vươn vai, đứng dậy, nở nụ cười:

-Để em bưng con gà luộc lên cúng cho ông và xin ông dùng bút thần chỉnh lại vài nét…

Hai người ngồi bên cạnh cười ồ lên:

-Rất hay!

Chị ta lại bưng chiếc thúng ra đi, những bước chân khoan thai, cái vẫy tay điệu đàng, như rút ngắn lại con đường trước mặt. Từ đâu trong tâm thức, câu thơ tìm gặp trong mớ giấy gói đồ hồi ở quán, Tôn nhẫm lại, nhưng không muốn đọc cho Hoàng nghe: “Ngày mai, trong giá trắng ngần/Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ” (T.H).

Hai người đi nhanh về chỗ ở, bước vào. Hai ông bà Đội đang trò chuyện, họ dừng lại nơi ngưỡng cửa. Ông ta quay ra hỏi thăm Tôn và cho anh biết, đã liên hệ được với ông Tư. Bước tới gần con gái, ân cần:

-Con chú ý ăn cho đủ chất, duy trì giấc ngủ thật tốt. Ba lên gặp bác sĩ rồi quay về ngoài mình luôn.

Hai ông bà cùng đi. Hoàng vào giường, tựa lưng vào tường. Tôn bắc ghế thấp ngồi gần:

-Cuốn sách của tác giả là một phụ nữ người Anh. Bên nội bà, là người có tiếng trong giới toán học. Bên ngoại, có người ghi dấu ấn về địa chất học. Không theo truyền thống gia đình, bà theo nghiệp văn chương. Thực ra ban đầu, bà muốn chọn một con đường chưa có lối mòn…

Khi trở về, bà Đội cầm mấy quả cam. Trao cho Tôn quả to nhất, đến ngồi cạnh con gái, bóc cam cho con ăn:

-Cam vùng này có nhiều chất bổ, rất cần cho sức khỏe đó con!

Bà đứng tần ngần một lúc, đến gần, muốn nói với Tôn là đi ra chợ để cho trong người khuây khỏa một chút. Hoàng bước xuống giường, ho mấy cái rồi nôn thốc nôn tháo. Trưa, cả ba người bỏ cơm. Đền gần giờ làm việc chiều, Tôn chạy lên phòng bác sĩ:

 -Thưa ông, Hoàng có gì đó không bình thường!

Ông mặc vội chiếc áo khoác, cầm ống nghe, xách túi thuốc, cùng Tôn bước nhanh ra ngoài. Về đến phòng ở, ông nhìn lướt qua trạng thái, sắc mặt rồi chầm chậm khám cho Hoàng. Một lát sau, ông chích cho Hoàng mũi thuốc.

///---///--- Hết bài thứ 50
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 49

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 49

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 49


Những câu chuyện ở làng mà người lái xe vui tính vừa kể, làm đường xa rút ngắn lại. Ông Đội nói với mọi người là sắp vào thành phố. Trước mắt, dòng người đã tấp nập trên đường. Vượt qua chiếc cầu sắt, đoàn xe lửa vừa mới ầm ầm chạy đi, Tôn nhìn qua cửa xe, dòng sông trong xanh; những con thuyền chầm chậm ngược xuôi. Ai đã từng bảo nước con sông này không chảy, nước có mùi hương! Xe theo con đường chính, xuôi về thành phố.

Nhà thương là một ngôi nhà ba tầng, đồ sộ. Cổng chính bằng sắt, sơn màu nâu đen. Hai cánh cửa đồ sộ, thường chỉ mở một cánh. Xe vào cổng, vòng phía phải, rồi dừng lại. Ông Đội xuống xe, đi tìm phòng ông bác sĩ.

Ông ta dùng phòng làm việc để cho vợ con ông Đội trú lại: ở đó đã đặt sẵn chiếc giường đơn, có chiếc giường bố xếp lại. Khi mọi người sắp xếp đồ đạc vào phòng, ông Đội và ông bác sĩ ra đứng bên ngoài trao đổi, một lúc sau, ông bắt đầu khám cho Hoàng: ông dùng ống nghe, đặt lên ngực, áp phía sau lưng; rồi cầm tay bắt mạch. Những cử chỉ từ từ và chậm rãi, nét mặt suy tư, như một luồng khí vô hình không biết từ đâu hắt đến, đầu Tôn bắt đầu nóng lên. Anh ta bỏ ra bên ngoài…  

Khi trở lại thì ông bác sĩ đang ngồi đối diện vối vợ chồng ông Đội nói tiếng rất nhỏ. Bên cạnh, Hoàng đang nằm, đôi mắt khép lại như đang ngủ. Một lúc sau, ông bác sĩ đến gần Tôn, hỏi ông Đội:

-Đây là cháu?

-Tôn, cháu của nhà tôi.

- Ông bạn tôi phải về làm việc. Cháu giúp. Cần gì, cứ lên phòng bác, đừng ngại nhé! Cơm, nước; bác đã đặt sẵn. Tới bữa, đến đó ăn. Nếu Hoàng ra được, thì càng tốt.

Ông ta người tầm thước, tóc hoa râm, trán cao, mặc áo khoác trắng, trước ngực lủng lẳng chiếc ống nghe. Một lúc sau, hai ông, cùng đi ra cửa, họ nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Đêm đầu tiên ngủ trong nhà thương. Bà kê giường bố cạnh Hoàng. Hầu như bà rất ít ngủ, lòng bà ngổn ngang như sợi tơ vò trăm mối. Tôn trải chiếc chiếu cũ bên lối vào phòng vệ sinh, đặt lưng xuống, gối lên bọc đồ; nhắm mắt định ngủ. Hoàng trở mình, nhìn xuống chỗ Tôn nằm, không yên tâm, chỉ tay nên kéo chiếu ra gần cửa sổ. Bà trở dậy, ghé ngồi lên giường con gái, đặt tay lên trán con. Hơi thở của Hoàng vẫn đều đều. Bữa cơm chiều nay, ba người ngồi ăn chung, nói chuyện vu vơ. Sau bữa cơm, họ đi bộ ra đường một lúc. Ngồi lên ghế đá, mòn vẹt và cũ nát; nhưng nhìn xuống dòng sông ban đêm mới hiện lên những khung cảnh êm đềm, những ngọn đèn trên thuyền di động; giọng hò mái nhì man mác, làm lay động vào lòng khách xa những xúc cảm rất khác nhau.

Sáng hôm sau, ông bác sĩ vào khám lại cho Hoàng. Bà Đội đứng bên cạnh, nhưng tâm trí bà hình như đang phiêu bạt tới chân trời nào… Tôn tựa lưng vào cửa sổ, vừa nhìn ra ngoài, hưởng một chút không khí ban mai, vừa nhìn những cử chỉ mà ông bác sĩ đang khám. Nét mặt ông ta từ hôm qua cho tới nay, sau khi khám, dù không nói nhiều nhưng cởi mở, làm mọi người yên tâm hay là thái độ người thầy thuốc trước con bệnh còn phân vân? Ông cầm ống nghe cho vào túi, quay sang phía bà:

-Tối cháu ngủ có đầy giấc không?

-Thưa, cháu có ngủ được dù mới đến đây.

-Còn ăn?

-So với ở nhà, quán này nấu ăn ngon.

-Được. Sáng nay, ông vào; tôi chờ ông ở chỗ làm.

Vào đậu tận cửa phòng, ông Đội xuống một mình, rồi xe quay đầu chạy đi. Ông hỏi bà về sức khỏe con, hỏi Tôn cần gì ông mang vào cho, rồi đi nhanh lên phòng ông bác sĩ. Ông bác sĩ đi thăm bệnh buổi sáng, vừa trở về. Hai ông nói chuyện rất vui:

-Tôi cố tìm xem có biểu hiện gì lạ. Tuần sau, bác sĩ trưởng sang, sẽ kết hợp thăm khám cho cháu. Anh chị yên tâm.

-Hy vọng là thế.

Rồi hai ông trở về câu chuyện của thời xưa. Những người con trai lớn lên, dù gia đình có điều kiện, nhưng mỗi người rẽ theo mỗi hướng. Người thì chọn nghề “trị bệnh cứu người”, những năm tháng dùi mài trong các nhà thương, muốn góp cho đời một hạt muối; sau chiếc áo choàng trắng, gắn liền với tính mạng con người. Bởi do nghề hay là nghiệp, hoặc kiếp trước, tổ tiên mong chờ, mà ông “đi” theo nghề này, chiếm trọn hết cuộc đời ông. Người đời hay nói rằng, “cái đau”, “cái buồn” trên đời này nhiều quá làm cảm giác con người bị xơ cứng. Nhưng với ông, mỗi lần nhấc ống tiêm, cầm tay người bệnh, sắp gí mũi kim vào da thịt người ta là xúc cảm này bao giờ cũng “tươi, mới” như lần đầu tiên vậy. Còn ông Đội, sự đưa đẩy lại chuyện rất ầu ơ. Ở quê ông, có một mụ nhà giàu, chồng mất sớm. Bà ta có đứa con trai cả, học qua lớp Đồng ấu trường làng. Hàng này, có vài ba chữ bỏ túi; lân la đến những nhà nghèo mà có ít ruộng đất, đến thăm hỏi, bắt chuyện. Dần dà, đồng tiền vào tay nhà khó; nợ nần. Thế là “chiếc bẫy oan nghiệt” sập xuống. Chưa đến vài năm, trong tay anh ta có đến hàng chục mẫu đất, ruộng. Người chú ông Đội đi làm ăn xa trở về thăm quê, nghe bà con chòm xóm ta thán. Ông bắt đứa cháu rời quê:

-Cháu nghe chú: Ra đi là cậu bé con, nhưng khi về là con người “cường tráng”, ngẩng mặt lên, nhìn vào mắt bọn trọc phú…

Dăm năm sau, ông Đội về mang trên người bộ đồ “lính thủy”, đôi giày da láng bóng, trên đầu đội chiếc mũ vải đính hai chiếc mỏ neo bắt chéo, sau ót có hai dải vải màu xanh bay bay trong gió. Một buổi chiều, mưa phùn gió bấc, cả xóm xôn xao, bên mụ nhà giàu, mở lậm phát thóc cho dân nghèo. Ông Đội trong bộ đồ lính chỉnh tề, đi vào sân. Ở đó đặt chiếc bàn, mấy cái ghế. Hai ông lính mặc áo quần xanh đậm đang ghi ghi chép chép. Vòng trong, vòng ngoài chật cứng những con người rách rưới, xơ xác, tay cầm tờ giấy nhỏ cố chen vào xin cho được mớ thóc. Hai người lính vừa trông thấy bóng dáng người lính thủy, đứng lên cúi đầu chào:

-Không để lộn xộn thế này được!

Rồi ông cùng anh lính đứng ra sắp mọi người vào thành hàng trật tự. Nhìn cảnh người nghèo đói, mang được mẹt thóc phát chẩn ra về, trong lòng họ như bắt được vàng; có biết đâu những hạt thóc đó có một phần mồ hôi của mình. Ông ta đi vào nhà trên, ngồi trên chiếc trường kỉ gỗ lim sáng bóng, mụ nhà giàu, vừa ăn trầu vừa nheo nheo hai mắt già nua, nhìn mà chưa nhận ra ai, thì ông đã ôn tồn:

-Chào bà. Bà và chú Tẹo có khỏe không?

Bà bật ra tiếng khóc nghe quá thảm thiết:

-Nó… Vừa mới hết khó mấy ngày; cũng vì ba cái chuyện đất, cát mà đời nó đoản mệnh. Ông là…

-Tôi là cháu ông trưởng họ Lê.

-Hèn chi, nòi nào giống đó!

Mấy năm sau, ông bị điều ra mặt trận, rồi bị bắt khi đang làm việc trên một chiến hạm; bị cầm tù ở một hòn đảo ngoài khơi. Tù binh chỉ có ba người mình, còn là Ma-rốc, Tuy-ni-di… Ba người mình có biết tiếng Pháp, họ trở thành thủ lĩnh trong cái đám ô hợp đó. Họ dựng nhà ăn, chăn nuôi, trồng rau… và không bao giờ có trộm cắp. Hơn năm sau, họ được hồi hương. Ông Đội trở về, bơ vơ; chưa biết tìm việc gì thì gặp lại ông sếp cũ:

-Còn mấy tháng nữa, tôi về nước nghỉ hưu. Anh nhận cái chức ở trại giam. Làm thêm độ một, hai năm rồi nghỉ. Anh sẽ có hai suất hưu: Một là công việc hiện tại. Hai là “tù binh chiến tranh”. Chuyện này, người Pháp họ đường hoàng lắm! Nói nhỏ thôi nghe: Lương hưu sẽ cao lắm đấy. Yên tâm đi!


///---///--- Hết bài thứ 49

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 48

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 48

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 48


Thế là Tôn sống với gia đình đã gần nửa năm, như một thành viên chính thức, cố gắng giúp Hoàng trong mọi phương diện.Thời gian biểu, hai người trao đổi, thống nhất và thực hiện giống như chiếc đồng hồ cứ đều đều nhịp gõ. Nhưng trong mấy ngày gần đây, anh nhìn sắc mặt cô không còn tinh anh như trước; thỉnh thoảng muốn nằm nghỉ năm ba phút. Sau đó tiếp tục làm bài, có lúc, Hoàng nói nhỏ với Tôn là độ này hình như tinh thần không được thanh thoát. Tôn thật sự không yên tâm, anh không lường được, điều gì sắp xy ra đây. Anh đứng lên, định ra ngoài, tìm nơi thông thoáng, hít thở không khí cho tâm tĩnh lại, thì hai ông bà Đội đang muốn gặp anh. Khi đã ngồi vào bàn lớn ở phòng khách, rót nước, đặt cốc nước mời, ông nói rất khẽ:

-Ngày mai chúng tôi đưa em vào nhà thương thành phố.

-Thưa ông, bà cho phép tôi được giúp em.

Bà muốn nói câu gì đó với Tôn như cám ơn, như giãi bày, mà một lúc sau, mới mở lời được:

-Mong anh thông cảm với gia đình chúng tôi!

-Được ở trong nhà, tôi quý mến… như em gái.

Bà đưa tay lên lau nước mắt, Tôn quay sang phía bà:

-Mong ông, bà… 

Trong lúc mọi người đang tính những công việc tiếp theo thì anh lính thuộc cấp của ông đến, báo tin:

-Ông bác sĩ trong thành phố nhắn ra là mọi việc đã thu xếp xong. Độ một hay hai tuần nữa, bác sĩ bên Pháp sang làm việc như định kì, cũng là dịp may.

-Anh lo giúp xe vào trong đó!

-Thưa ông, bao giờ?

-Ngày mai!

Anh lính không kịp uống cốc nước mới rót đang còn nóng, vội vã ra về. Bà Đội bước theo, đứng tần ngần nhìn mãi ra cửa.

Một ngày bình thường nhưng thời gian trôi chậm chạp. Bà Đội soạn đồ đạc cho con gái: áo quần, đồ dùng cá nhân… sắp vào chiếc va li vải đã cũ. Thỉnh thoảng, bà bước ra ngoài… Ông lấy cặp da đã sờn mép, xếp vào đó những giấy tờ cần thiết, một ít tiền. Còn Tôn, anh dành thời gian, ở bên cạnh Hoàng, vừa giúp soạn lại sách vở, vừa nói chuyện vui, để cho cô bé tránh rơi vào không khí nặng nề.

Sáng sớm, một số bà con đã tới, người thì thăm hỏi, người thì giúp dọn dẹp nhà cửa. Ông Đội pha nước mời mọi người, rồi đi ra mở cửa cổng. Chiếc xe màu đen, anh lính lái, lăn bánh từ từ vào sân. Mở cửa, ông ngồi lên ghế trước nói chuyện với người lái, kiểm tra máy móc lần nữa, hai người xuống xe đi vào nhà. Hoàng mặc bộ đồ bà ba trắng, ngồi với bà Đội; nét mặt tươi tỉnh. Anh lái xe, đến ngồi sát bên:

-Xe chạy khoảng một giờ, có một đoạn đường xấu nên hơi bị xóc. Cháu đã ăn sáng chưa?

-Mọi chuyện xong rồi chú ạ. Cháu cám ơn chú nhiều lắm.

Người lái xe đứng dậy, đặt tay lên vai:

-Cháu cứ yên tâm.

Bà Đội xách va li vải đi cùng Hoàng. Tôn ôm chiếc cặp học trò, đi bên cạnh. Ông Đội vào buồng lấy chiếc cặp da, đến gần người đàn bà đứng tuổi dặn dò, rồi tiếp tục ra xe. Ngồi vào ghế sau, không phải lần đầu, nhưng Tôn cứ ngắm từ mái nhà, góc sân, vườn cây trái, hàng ngày anh và cô bé đã rất quen thuộc, nhưng hình như có bóng một con chim bay lên, vô tình thôi, làm anh xao động. Bà Đội ngồi im, những ngày gần đây, bà càng ít nói. Biết ý, ông mà về đến nhà, là vào gặp bà, hỏi thăm sức khỏe con gái. Có lẽ duy nhất, một chiều thanh vắng, bà ra góc vườn, bà chắp tay vái, xin “bề trên” giúp cho gia đình bà tai qua, nạn khỏi. Nhưng lòng bà càng như lửa đốt. Bà vào ngồi xuống ghế, mặc cho hai hàng nước mắt cứ trào ra.

 

Xe từ từ rời đường làng, chầm chậm lên đường huyện, vào tỉnh lộ xe bắt đầu tăng tốc. Qua cầu, quốc lộ thẳng tắp; hai bên đường những đồi sim lúp xúp. Anh lái xe kể rằng, mỗi lần qua đây, anh như được sống lại “những ngày xưa thân ái” là đầu hè, sáng sớm sau cơn mưa, lên đó hái những quả sim chín, hồng hồng, to tròn; cắn mà đầu lưỡi vị ngọt còn dư âm kéo dài, làm mê đắm tuổi thơ. Xe qua đồi, bắt đầu xuống dốc, xa xa một bãi cỏ xanh, trong phút chốc, một đàn bò lù lù tràn ra đường. Người lái cho xe tấp vào dải đất trống bên vệ đường, ra mở cửa, mời mọi người xuống nghỉ. Anh ta nói với ông Đội:

-Ở phía sau mấy hàng cây, có quán; chúng ta vào uống nước.

Chủ quán là một ông già cụt chân, cầm cây gậy gỗ ngắn, đi lại như người bình thường.

-Lâu quá rồi, anh không ghé?

-Việc “quan” mà anh.

Ông Đội đến gần người chủ quán:

-Để tôi phụ giúp với!

-Mấy chục năm, quen rồi!

Anh lái xe đi ra phía sau bếp bưng lên rổ bánh, chuyển qua ông Đội. Ông cười rất vui, lấy từng chiếc lần lượt chia cho mọi người. Bóc lớp lá ngoài, bánh màu xanh trong suốt, nhân là đậu xanh lòng, đãi hết vỏ. Tất cả là đặc sản của vùng. Nhưng cái vốn quý mà ít người chú ý là bàn tay của những người con gái, đêm khuya ngồi với nhau cà đậu, hong lá, làm nên những chiếc bánh, khi nếm dù đã đi xa vẫn nhớ về một miền quê.

Ông Đội lên xe, nhìn con gái đang cầm chiếc bánh chưa bóc, đôi mắt long lanh:

-Sao con không ăn, bánh này nhìn thế mà ngon.

-Con ăn hết một cái rồi. Chiếc này, con để dành.

Hoàng ngồi lên, hướng về người lái xe:

-Chú ơi, sao ông ta bị cụt chân?

-Rút lại cho ngắn, gọn là thế này: Ông ta cũng là lính - lính khố đỏ - do có tay nấu nướng, được tin cậy, giao việc bếp núc. Ai cũng mến do cái tài, hơn nữa, tư cách đường hoàng. Nhưng thật không may, có một lần do bị o ép với ông sếp mới về chưa hiểu nhau; ông ta ném dĩa trứng đang chiên trên bếp vào sọt rác. Thế là mất hết. Ông ta về nhà, vợ bỏ. Ông tìm vào khe núi đi bắt cá. Một đêm mưa gió, bị sập hố, gãy chân. Lang thang một thời gian, rồi như tỉnh lại, dựng quán bên đường, làm bánh. Vùng này, ai nhắc tới “ông Cụt” là nhớ tới con người tài hoa, làm nên những chiếc bánh, nhà ai đi hỏi vợ cho con; ngoài cau, trầu, trà, rượu; bao giờ cũng có chục bánh “ông Cụt”, như thế mới đủ lễ bộ!

Xe chạy trên đoạn đường hai bên là cánh đồng màu xanh kéo dài tận chân núi. Anh lái xe chỉ cho mọi người nhìn về phía trái, phóng tầm mắt ra xa là làng Trà Lộc, những cô gái nổi tiếng với tài chằm nón lá; trước những hàng cây cao cao, tươi tốt kia là cái bàu. Nước trong xanh quanh năm. Đó là giếng làng, giếng của nhiều làng. Ở đây, người ta thả cá. Có một tục lệ là cứ vào khoảng mười hai, mười ba tháng bảy Âm lịch - chỉ duy nhất hai ngày đó thôi - ai muốn câu, muốn nơm, muốn đánh bắt bao nhiêu cũng được, để cúng Rằm tháng bảy “xá tội vong nhân”. Cái hương ước thô sơ đó, thế mà con người vẫn giữ gìn cho tới hàng trăm năm.


///---///--- Hết bài thứ 48

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 47

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 47

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 47


Ông cười nụ rồi qua phòng con gái. Hoàng đang cãi với Tôn về bài toán. Một người muốn đặt thừa số chung rồi rút gọn; một người cho là cần tính thu gọn phần đơn giản trước. Ông ngồi nghe những người trẻ, nói chuyện rất vô tư, gợi lên trong lòng cảm giác vui vui.

-Mình nói chuyện, không, tôi muốn hỏi anh…

Hoàng định bước ra ngoài, nhưng Tôn nhìn qua ông, biết ý, ông cười:

-Anh Tôn nì, anh đi đâu mà rơi vào hoàn cảnh oái oăm? May là chúng nó chưa “thịt” anh!

-Hàng chục năm trời, trong lòng tôi không bao giờ nguôi ngoai là phải đi tìm tông tích của ông già. Thưa ông - hơi dông dài một tí, mong ông miễn thứ…

-Anh cứ kể tiếp, biết đâu có thể giúp một chút gì đó.

-Đậu Pri… xong, ông rời quê; tìm vào một nơi, tôi chỉ biết rất mơ hồ là Quảng Lợi hay Quảng Đạo gì đó. Tôi không biết, phương trời đó, đâu là “cục nam châm” có sức hút, để ông phải bôn ba tìm đến! Ông thường hay gởi thư về cho ông, bà nội. Rồi tang tóc xảy ra: ông, bà nội và mẹ cùng mất một ngày. Còn tôi thì… Tháng trước, tôi mới tìm được về quê.

Ông ngồi đăm chiêu, hai tay nắm chặt lại. Còn Hoàng mặt mũi thn thờ, ngơ ngác. Tất cả không gian hình như dừng lại. Mỗi người nhìn ra vườn, theo một hướng. Con chó đốm lang thang đi tìm Hoàng, vào nằm cuộn tròn dưới hai chân cô bé.

-Có ông Tư, nhiều tuổi hơn tôi, chơi với nhau từ thời còn để chỏm. Ông rất giỏi tiếng Pháp, làm ở “nhà dây thép” mấy chục năm; giao thiệp rộng rãi. Sức khỏe của ông ta nay yếu lắm, nhưng đầu óc còn minh mẫn. Nhà ông ở ngoài xa. Nhưng không sao, tôi sẽ tìm, ghé thăm và hỏi manh mối giúp anh.

Ông để cho hai người học tiếp, vừa bước ra rồi ngoái lại, Hoàng chạy tới:

-Tối nay mẹ làm cơm hến, con nói với anh, từ nay ngồi ăn chung với gia đình.

Trở lại chỗ bà ngồi:

-Theo ý bà, năm nay con gái không vào trường, tiếng Pháp cô giáo dạy thêm mấy tuần cho kịp chương trình; còn các môn khác, nhờ anh giúp cho.

-Cũng phải hỏi hai người. Về hoàn cảnh anh ta thì sao?

-Cuộc sống rất không bình thường, đang đi tìm cha thì sa vào tay bọn cướp.

-Mất hết tư trang!

-Chắc là thế. Chú lính coi phòng giam cho biết, tất cả chỉ còn bộ áo quần rách; nhưng xem ra người này có lẽ lương thiện nên mới dám dẫn về giúp việc cho bà.

-Những lúc cùng làm với nhau, tôi nhận thấy là người có ý thức.

Sắp vào giữa buổi, bà Đội đang ngồi ngoài sân, nhặt bông bí, chuẩn bị cơm trưa thì Tôn từ trong nhà đi ra, ngồi xuống cùng làm với bà. Bà vừa cười, vừa nói:

-Tối qua, anh có món quà tặng quý giá nhưng chắc là anh chưa biết!

Tôn nhìn bà, nét mặt hiện lên cảm xúc ngơ ngác. Bà tiếp:

-Ông cho anh xem tủ sách của ông. Đó là việc làm hiếm có. Nó như một người tình. Hằng ngày, dù công việc bề bộn bao nhiêu đi nữa, ông cũng vào ngồi đọc, viết; ít nhất là mười lăm phút. Ngồi ở chiếc ghế mây, xưa cũ lắm, ông biết tất cả các cuốn sách đang ở vị trí nào, đưa tay vào là rút được. Cuốn nào đang đọc, đọc nhanh hay chậm; những tờ giấy nhỏ kẹp vào đó, là chỗ đánh dấu, chứ không bao giờ dùng bút!

Đang nói chuyện vui, thì Hoàng chạy ra:

-Cho con làm với!

-Xong hết rồi! Mấy bài hình, có hiểu không?

-Ba bài toán, em đã giải xong.

Tôn ngng mặt lên, nhìn gần:

-Hơi ngạc nhiên!

-Anh đừng coi thường em!

Bà dừng tay, cười thành tiếng:

-Ở nhà cũng phải giữ lễ phép thầy trò chứ con!

Thời gian chưa nhiều, cái “nếp nhà”, “nếp sống” ở đây như gieo vào trong tâm tư thầm kín của Tôn những điều rất giản dị, cảm thông và một vài băn khoăn. Buổi tối, gia đình này, ai cũng có việc. Hoàng dồn tâm sức cho việc học tiếng Pháp. Ông và bà, có khi ngồi chung nhưng có khi mỗi người làm riêng ở trong phòng. Còn Tôn như cá được gặp nước, anh đọc mải mê cuốn sách mòn cũ, nhưng cực kì hấp dẫn: Thế kỉ sau, con người, viễn cảnh…

… Còn đâu “sạch như nước suối ban mai giữa rừng” mà tất cả dòng sông, tràn trề chất thải công nghiệp do các nhà máy thải ra. Ngày trước, học địa lí, thầy giáo vừa cười vừa kể là miền đất mũi, mỗi năm phù sa bồi đắp cho vùng này hàng trăm mét đất lấn ra biển. Bây giờ, chỉ chưa tròn tháng, hàng trăm cây số đất đai, ruộng vườn, đường sá, hàng chục ngôi nhà… đổ ập xuống lòng sông vì phù sa cạn kiệt do thủy điện, do con người tham lam vô độ đào bới cát. Còn con người, bắt đầu vào “cuộc sống là là trên mặt đất”, mấp mé vào cái “thiên đường ngu xuẩn”: ngồi ở nhà mình mà biết những chuyện khắp mọi xó xỉnh trên hành tinh. Ông cha ta thuở trước, ôm tựa vào “ba cái”: Thiên, còn đâu là thời nữa. Quả đất ngày một nóng lên, băng tan, nước biển dâng; đất nhiều lục địa sẽ chìm. Địa, còn đâu nữa lợi mà mong… Về cánh đồng miền quê, ruộng tràn ngập thuốc trừ sâu, đâu còn con tép, con rô để bắt. Nhân, chữ hòa ư… Hãy nhìn xem, một chị trồng hai luống rau: một luống dùng nước sạch chăm tưới, để mình ăn; còn luống kia dùng nước ủ phân, tươi lên xanh tốt, rồi đem ra chợ bán. Một bộ phận không nhỏ, con người bây giờ khôn ngoan hơn, lọc lõi hơn và cũng lưu manh hơn. Nhân loại đang đi trên hai con đường. Đường bên này, loài người bước ra từ buổi hồng hoang, bằng lao động và trí tuệ, bước lên xã hội văn minh. Đi bên cạnh, công nghệ mà con người tạo ra, cải tạo thế giới, nâng đời sống vật chất và tinh thần con người đi lên. Chính con đường đó, biên giới công nghệ k diệu, đến giới hạn - chẳng hạn ba thế kỉ nữa - dẫn nhân loại vào con đường diệt vong! (Trí tuệ nhân tạo là bạn đồng hành cùng sự ngu xuẩn của con người ).

Tôn đang đọc những dòng dự báo “ghê rợn” do một nhà bác học có tên tuổi viết mà ngồi sững sờ, không cử động, thì bà Đội gọi:

-Anh ơi, xuống giúp em…

Hoàng muốn môn toán cô đọng, rút ngắn lại, kết thúc như tiếng Pháp; dành vài tháng lo chuyện xa hơn một tí - chuẩn bị hành trang cho cuộc “viễn du”.


///---///--- Hết bài thứ 47

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 46

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 46

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 46


Nằm co quắp, tay bị trói bằng những sợi tháo ra từ bao bố, một đầu buộc vào cọc gỗ gắn chặt vào thân thuyền; chưa biết sống, chết ra sao, nhưng Tôn vẫn bình tĩnh, tự dặn, phải chủ động trong mọi tình huống. Ở trong mui, cũng mấy cặp bị trói như anh. Nhưng họ không phải dân buôn bán, không “đầu trộm, đuôi cướp” thì cũng thuộc loại “chém đinh, chặt sắt”. Còn hai thằng bé, sao lại phải vào nơi chốn dao, búa này?

Anh theo thuyền buôn bắp, đang về xuôi. Người lái hình như không thuộc địa hình. Trên thuyền, ngoài anh ra, chỉ là mấy người đi buôn đường dài. Được một đoạn, vào vùng thác xoáy, thuyền bị lật. Một thuyền khác, từ dưới, xông lên ập vào. Thế là tất cả rơi vào tay bọn cướp. Rồi người nhà binh vây bắt bọn buôn hàng cấm. Tất cả đưa vào đồn. Họ bắt đầu phân loại. Mấy người buôn bán và bọn trẻ con được thả đầu tiên. Hai toán gồm bọn trộm cắp và bọn buôn hàng cấm cho vào phòng kín, giam lại. Còn một người nữa, chưa rõ lai lịch; được mở trói, đưa vào phòng có cửa, có khóa chờ lệnh. 

Anh lính gác, như thường lệ, sáng sớm vào phòng ông Đội, thuật lại những việc xy ra của ngày hôm trước. Ông Đội còn dùng dằng khi người lính xin ý kiến về “người tù” chưa biết rõ:

-Anh về làm tiếp nhiệm vụ, khoảng một giờ nữa, quay lại.

Tối qua, ăn cơm xong, bà ở nhà có than phiền, con bé giúp việc vì nhà có tang đã xin về quê hơn tháng rồi mà không thấy ra; nhắn vào mấy lần không được, muốn ông tìm cho người khác. “Ta hỏi xem người tù này… Biết đâu? Thử lấy độc trị độc!”.

Nghe tiếng gõ cửa:

-Cứ vào!

Người lính bước vào, trên mặt vẫn còn mấy nét căng thẳng.

-Có chuyện đột xuất?

-Tôi chưa tìm được đồ ăn sáng cho anh ta.

-Chuyện nhỏ ta tính sau. Bây giờ, anh lấy xe tôi, đạp về nhà, bảo bà nhà tôi, có người này giúp. Bà ưng ý, anh đưa về, rồi nghỉ trưa luôn.

Trưa, ông đi bộ về, đang nói chuyện vui với mấy người hàng xóm, thoáng chốc đã đến cổng nhà. Phía bên con chó đốm nằm ở sân, nơi góc xa, gần nhà bếp, một người đàn ông đang bổ củi, lại mặc bộ đồ của ông mà chiều chiều ra đi dạo ngoài bờ sông. Giữ thái độ vô tư, ông đi thẳng vào nhà, tới chỗ bàn làm việc; móc mũ lên giá, cởi áo ngoài, ngồi ngả lưng trên ghế. Như thường ngày, bà vào, đến cạnh; ông đã hỏi:

-Tôi có chọn nhầm người để giúp bà không?

-Tôi mong ông về từ chiều…

-Bà có chuyện khó nói?

-Không.

-Tôi thầm phục bà, vì bà rất tinh ý khi có người lạ ở trong nhà.

-Chỉ một ngày thôi, tạm gọi là “được”: cậu ta bửa củi, dùng búa đưa lên vừa phải, bổ nhẹ, thanh củi tách ra nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức. Giữa chiều, tôi đi chợ về, đứng ở cổng, xem cậu ta tắm cho con Đốm, sao nó hiền thế, khác với mọi khi con Hoàng tắm cho nó mà như đánh vật với nhau vậy! Dùng ruột trái mướp khô, xoa xà bông rồi chải lên người nó, bốn chân nó run run. Con Hoàng ngồi cười thoải mái tự nhiên. Tôi không biết hai người đã nói chuyện gì với nhau.

-Còn ăn uống và nơi ngủ?

-Trưa nay, tôi gọi lên cùng ăn chung, nhưng cậu ta xin phép ông bà cho ngồi riêng. Còn chỗ ngủ, cứ ở phòng cái bé giúp việc. Tôi đã dọn dẹp, vệ sinh.

Ngày hôm sau đi làm về, vừa đạp xe bon bon, đã thấy bà cắp rổ rau đang nói chuyện với các bà vừa làm đồng về. Ai cũng mở lời chào ông Đội. Ông chỉ cười tủm tỉm. Chào mọi người, ông dắt xe cùng đi hàng đôi với bà:

-Sáng nay, cậu ta giảng về toán cho con bé.

-Bà có hỏi gì thêm về hoàn cảnh…

-Không. Tôi suy nghĩ: hãy còn quá sớm!

Theo nếp sống thường ngày, ăn tối xong, ba bà con ngồi uống nước, nói chuyện. Ông hay kể chuyện vui ở nơi làm việc. Ông quay về phía Hoàng:

-Toán loại nào con thấy khó hiểu? Anh ta giảng giải ra sao?

-Phần đại số vừa mới vừa lạ… Mà sao lại bị cầm tù hở ba?

 

Đã mười ngày, thời gian với Tôn, vừa nhanh lại vừa chậm. Có khi anh hình dung được vài ba tháng sắp đến; có khi chỉ tính được vài ba ngày mà thôi. Những việc mà anh “giúp” bà chủ, dù sao cũng có một chút “niềm vui”; anh linh cảm rằng, nơi đây không phải lo lắng, băn khoăn mà anh ngày ngày phải chung sống!

Sáng nay, trời trong, nắng nhạt và gió nhẹ; Tôn chẻ mấy thanh củi xong, sắp lên một chồng từng lớp như bậc thang, trông ngồ ngộ. Hoàng vừa ôn bài xong, nhảy từ nhà ra sân, bước tới vườn định sắp lại mấy chậu cúc cho thẳng hàng thì Tôn bảo:

-Em chăm hoa còn anh tưới rau.

Hoàng vào bếp xách ra cho anh chiếc gàu tôn:

-Mình múc nước dưới cống, được không anh?

-Phải tưới nước sạch để khi hái làm rau sống, ăn mới tốt.

Bà Đội từ vườn đi vào sân, ôm bó lá chuối, dừng lại, nhìn bao quát: Phía bụi “tre cán giáo”, hai con chích chòe đang đùa giỡn, nhổ lông cho nhau. Khung cảnh này, giữa người và thiên nhiên, sống thân thiện. Bà không tụng kinh, gõ mõ, nhưng lòng bà cùng hướng về phía đạo Phật.

Ông Đội trưa nay về sớm. Đạp xe sắp đến nhà thì xe tuột xích. Ông ngồi chữa một lúc, hai bàn tay bê bết dầu, vẫn không ổn; ông đành phải dắt bộ. Tưới rau xong, Tôn đang cùng Hoàng cắt, tỉa mấy cây hoa, nhìn ra phía xa, thấy ông đang dắt xe chầm chậm; anh phóng ra cổng, đến gần, cầm lên tay lái, nói nhỏ:

-Xích bị sự cố, xin phép ông để tôi dắt vào.

Chọn góc sân có ít lá rụng, Tôn đặt xe nằm xuống, thì ông mang ra cho anh thùng đồ nghề. Mở ra, lấy búa, cái đột và con ốc sắt, trong phút chốc, anh đã cắt bớt một đoạn dây xích, lắp vào. Dựng xe đứng lên, anh dùng khăn lau khung xe, rồi lau rất kĩ sợi dây xích, tiếp theo nhỏ nhớt vừa mỏng vừa đều; sau cùng là lau sạch lớp nhớt. Ông Đội đứng nhìn anh làm, vừa chú ý, vừa như không. Một lúc sau, Hoàng pha trà, bưng lên phòng khách, ra mời ông, bà và Tôn vào uống nước. Chuyện không có gì phải bận tâm, thế mà sau này anh nghe bà nói lại: Ông không hiểu tại sao, khi tra nhớt vào xích, anh lại dùng khăn lau sạch. Anh nói cho bà và Hoàng là nhớt còn thừa nhiều thì cát và bụi sẽ bám vào làm bẩn xích, nó mòn nhanh hơn. Nghe bà nói lại chuyện cỏn con như thế cho nên sáng hôm sau, không đi làm, ông cùng bà ngồi nói chuyện với Tôn. Ông có thói quen là khi có khách dù là thân hay sơ, bao giờ cũng có ấm trà nóng. Ông rót đầy ba cốc, đưa cho bà, mời Tôn và ông bưng cốc, vừa uống vừa bắt đầu:

-Anh tên Cư à?

-Dạ thưa, không phải ạ. Khi ở trong phòng giam, tôi khai đại là Cu. Với gia đình, cứ gọi là Tôn.

-Anh đi đâu mà bị bắt cùng với bọn bất hảo?

-Từ quê, tôi đang tính vào phía nam…

Ông ngắt lời Tôn:

-Quê là… à, ở nơi đâu?

-Dạ. Là Thuận Biều.

Ông ngồi trầm ngâm. Bà nhìn sang ông, bất chợt - hay ông bị “bệnh nghề nghiệp”, ít khi nói chuyện mà ông ngắt lời người khác! - bà thay đổi tư thế ngồi, ghé về phía Tôn:

-Gia đình muốn anh giúp Hoàng học toán và một số môn nữa. Còn tiếng Pháp thì nhờ cô giáo cũ.

-Tôi sẽ cố gắng. Nhưng bà hỏi thêm ý của Hoàng.

Nhìn thấy Hoàng ôm vở ra khỏi phòng học, biết ý; Tôn xin phép đi ra ngoài.

-Có chuyện gì mà ngồi lâu thế?

-Chuyện học của em thôi.

Khi còn lại hai người, bà mới hỏi ông:

-Ông có gì hoài nghi,,,

-Không nghi kị gì cả, nhưng muốn biết thêm vài điều.

-Tốt hơn hết, ông nên ngồi nói chuyện với anh ta thêm một lần nữa. À, mà…Ông ơi, tiện hôm nay rảnh rỗi, ta bàn tiếp việc hôm trước.

-Tôi hiểu được ý bà: Sang năm tôi nghỉ hưu - làm thêm một, hai năm nữa cũng được - nhưng vợ chồng bác Từ bên Paris gởi thư về muốn hai cha con tôi qua sớm. Còn bà thu xếp việc nhà rồi sẽ sang sau. 

-Chỉ còn lo trau dồi tiếng Pháp cho Hoàng nữa mà thôi.

 Ông đứng lên, do dự một lát, quay lại nói với bà:

-Hôm nay bà chưa đi chợ, hay tôi chở bà đi.

-Vui thế này, không đi thì tiếc lắm, nhưng tôi mua hến rồi, trưa nay tôi đãi cả nhà.

Tự nhiên, lòng bà thấy phấn chấn: chuyện đi Pháp thì dùng tiền hưu của ông, còn ăn, ở thì bà con giúp, bà nhớ buổi tối trên con đường thơ mộng, lần đầu ông ôm bà, cảm giác đó không bao giờ phai mờ, bầu trời đầy sao, ở phía xa, tiếng còi tàu rời ga. Mấy chục năm rồi, sống với nhau đầm ấm, chỉ duy nhất có đứa con gái, ông gần với “hoàng tộc” nhưng ở giữa đời thường, chả có gì làm ông phải suy tư.


///---///--- Hết bài thứ 46

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết