VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 22
Trên
chiếc chiếu cũ, trải ra giữa nhà; hai người cùng uống rượu. Ông cầm cái đùi gà
vàng ươm, chấm tí muối tiêu, lại đặt xuống, uống đến cốc thứ ba, mà mặt chỉ hơi
ửng hồng, còn Tôn chỉ nhâm nhi một chút, nhưng không chịu được, dù thịt gà xé
phay không thua gì mấy cửa hàng ngoài chợ.
Trời
rất khuya, họ mới vào giường. Thiếp đi, cho đến khi gà gáy canh hai, Tôn sực tỉnh:
“Phải thưa với ông già như thế nào đây cho có lễ độ trước khi đón Gái về?”. Câu
hỏi tự đặt ra, suy đi tính lại, tìm câu trả lời thật không dễ! Câu hỏi tiếp
theo, mà những ngày qua, anh chưa hề quan tâm: “Tại sao phải đón về nơi đây, chứ
không để ở lại xưởng rượu, mà bà chủ đã có dự định khi mua về? ”. Không thể ngủ
tiếp, anh nhét ít tiền, rời nhà đi lên chợ. Chợ vùng quê xa xôi, vài ba chục
người, chỉ họp một lúc. Anh mua mấy chục cân gạo, hai bó củi, rồi nhờ xe chở về.
Câu hỏi cứ đè nặng lên tâm trí: ngày mai, tuần sau, tháng nữa… sẽ ra sao; sức
có còn, trí có sáng suốt? Ngoài ngõ, nghe tiếng người, anh chạy ra. Mấy người
làm công dưới xóm khiêng hai chiếc giường đơn và bộ bàn ghế bằng tre màu vàng
chanh. Anh phụ họ đưa vào nhà. Xong, anh lấy tiền trả, họ nói: “ Bác nhà thanh
toán xong rồi ”. Từ lúc mới đến, dần dà, anh để ý: “Ông Già” này, những đồ dùng
chọn toàn bằng tre. Có lần “phá lệ”, anh mới hỏi trực tiếp: “Sao bác chuộng cây
tre”. “Vì nó thân thuộc. Đơn giản thế thôi”.
Như
lời dặn, đến mồng mười Âm lịch, anh mới đi, còn những mấy ngày nữa, thu xếp
“vài công việc phụ” xong, anh vùi đầu vào “công việc chính”. Bước chân vào “Thế
giới Tự Lực văn đoàn” là gặp “Cô hàng xén”. Trước mắt Tôn là cảnh đồng quê phía
Bắc, trời lạnh, chiều mưa; vì gia đình ông giáo nghèo, ở vào thời sa sút, mà
người con gái phải tảo tần buôn bán, nuôi cha mẹ, nuôi các em ăn học. Lấy chồng,
gia đình chồng cũng nghèo, lại phải bươn chải ngày đêm… Tôn lại nghĩ tới Xoan
và gần hơn, cuộc sống của Gái; một vòng luẩn quẩn trói buộc biết bao cuộc đời… Những truyện ngắn nhẹ nhàng, một vùng quê yên
ả. Ông già bảo, đó là một giai đoạn ghi dấu ấn đặc biệt của văn học nước nhà.
Bước vào địa hạt mới này, liệu có đủ kiên tâm mà học tiếp không?
Ông
già đi đâu một lúc thì quay về, lặng lẽ vào bếp. Ông đang rang đậu phụng với muối.
Hạt đậu chín giòn. Sau ông dùng ít nước mật pha loãng, rưới lên, trộn đều. Mang
lên để trên bàn tre ngồi uống nước đầu hè rồi gọi Tôn xuống:
-Đọc
từ từ thôi, để cho kiến thức thấm dần dần. Hôm nay có món đặc biệt.
Nhìn
nét mặt Tôn còn “vương vấn” với: “Nhà mẹ Lê”, “Dưới bóng hoàng lan”, “Cô hàng
xén”… ; ông cười:
-Lần
đó, cậu có hỏi: Phan, Lâm… “. Ăn thử, xem mình làm có ngon không?”... Rồi ông
tiếp: Đầu tiên, cậu mở tủ sách, thấy hai hàng chữ nằm dọc. Nhớ chưa? Ông Phan
và ông này cùng người Ba Tri. Một người làm thơ, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh
cho dân; cuối đời bị mù. Nhưng thái độ đối với kẻ thù thì kiên quyết. Còn người
kia, là Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ - sau đó, tấm bia bị đục bỏ - làm quan, thanh
liêm. Vua cử cụ đi làm một việc trọng đại. Nhưng đối diện với cụ là những kẻ
đang ở thế chiếu trên, kiêu bạc, nên thất bại là tất yếu. Mặc dù cuộc đời cụ,
đã làm được bao nhiêu việc lợi dân, ích nước. Nhưng đó là quá khứ - hào hùng
nhiều lắm, đắng cay cũng không ít, ba chìm bảy nổi trần đời mà! Bấy giờ, lòng
người oán hận; cụ thấy mình có tội, dùng thuốc độc để “minh oan”. Theo gương cụ,
người Phó sứ, cũng đi theo con đường cụ chọn là Lâm Duy Hiệp. Nhưng lịch sử vốn
công bằng, chính trực… Vào tuổi ba mươi, chín chắn hơn, cậu sẽ biết thế nào là phẩm tiết, tài sản tinh thần vô giá của
cha ông, không khó khăn lắm cậu sẽ thấy cái nhạt nhòa; đau đớn để nhận chân một thời bạc nhược.
Chiều.
Con đường dẫn tới nhà vợ chồng người xà ích rộng và sạch; nhà gỗ lợp ngói. Các
con đã lớn, ra ở riêng. Anh vừa dắt hai con ngựa ra vườn sau, cho chúng ăn
cháo. Chị từ bếp đi lên, tay cầm “cái bối” bằng tre, cho gạo vào, đợi đến ngày
mai mới nấu. Đây là lần thứ hai, anh đến chơi. Chuyến đi đã bàn với anh rồi.
Tôn gởi chị tiền công và nhờ chị giúp lo thức ăn dọc đường. Chị bảo, anh nhà ít
quảng giao, chỉ có bạn mới tiếp ở nhà mà thôi.
///---///--- Hết bài 22
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét