Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 37

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 37

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 37


Tốp người không xuống bờ sông vội, vì nắng và nóng. Nhìn mãi mà không tìm được nơi nào có thể ăn hay uống một tí gì vì ai cũng khát và đói; nhịn từ đêm tới giờ kia mà! Ngồi dưới hai cây bàng, lá sum sê, nhưng cái nóng vẫn không dịu đi chút nào. Trong hoàn cảnh này, Tôn liếc nhìn sang Thương - tự nhiên, mình làm khổ hai chị em - cô gái này hay thật: nét mặt vui vui, cười cười; đôi má ửng hồng, khác với không khí mệt mỏi hiện lên từng người ngồi bên cạnh.

Lát sau, có toán mấy người đi làm đồng về, Thu không đắn đo do dự, bước ra xin nước. Ông nông dân nhìn hết một lượt, đưa ống tre đựng nước cho Thu. Sau đó, ông còn bứt mấy củ khoai lang, đặt vào tay cậu ta.

Mỗi người chỉ uống một ngụm thôi. Thương là người uống sau cùng, nhưng nước cũng đã hết. Thu đang nhai ngấu nghiến ngon lành củ khoai, thì nhìn sang bên kia, chiếc Jeep từ từ xuống bờ. Mừng quá, Tôn nói cho Thu biết, xe tới chờ Long. Thu cởi áo buộc vào cây tre ở bên cạnh, chạy ra chỗ trống, phất liên tục. Long từ từ rời chỗ ngồi, đi lui, đi tới, muốn tìm cái gì chăng? Sau cùng, anh ngồi đối diện với Thu:

-Sắp chia tay rồi, anh không biết nói thế nào với hai chị em.

-Đó là chuyện thường tình thôi anh.

Long đến ngồi cạnh Tôn:

-Ông có nghe chuyện cười “Ách giữa đàng, mang vào cổ” không? Tôi, trong ý định thì tốt: muốn rủ ông lên biên giới, xem chợ, xem người, ngắm cảnh cho vui. Thế mà xảy ra bao chuyện phiền toái. Ách giữa đàng, tôi đem mang vào cổ ông đó!  

Mấy ngày nay nghiêm nghị, bây giờ Tôn phì cười:

-Chuyện qua rồi, suy nghĩ nặng nề làm gì. Biết đâu, đây là một kỷ niệm đẹp.

Thu bật dậy, liếc nhanh về phía Thương:

-Hoan hô anh Tôn!

Đợi cho nắng dịu, Thu ra sau lái cầm chèo dọc theo bờ một đoạn, sau đó mới hướng mũi thuyền qua sông. Gió lớn. Sóng to. Nhìn ra xa, dưới hàng tre, chỉ thấy Lê đang nằm trên xe. Khi thuyền sắp cập bờ, Thương đổi tay chèo, nói nhỏ gì đó. Thu bước tới, đỡ Long. Long cười to.

-Tay anh gần như bình thường rồi mà!

Lân vẫn đứng lấp ló sau bụi cậy rậm, chỉ có Lê chạy xuống, nét mặt hớn hở, hỏi chuyện mọi người. Tôn đang lưỡng lự: xuống rồi lên bờ hay nán lại trên thuyền. Bỗng nghe tiếng Lân từ trong bụi cây:

-Lê ơi, xong rồi. Nhanh lên!

Long xoa hai bàn tay, đảo mắt, nói to:

-Mời mọi người lên uống nước!

Có một chỗ bên bụi trúc, được trải mấy tàu lá chuối. Giữa được đặt chiếc vò đan bằng tre, đựng đầy nước. Lân bây giờ mới bước ra, rót cốc đầu tiên, trao cho Thương. Cô đỡ cốc nước rồi đưa qua mời Long. Long bước tới bên Thu:

-Em uống trước. Không thể nhường mãi được!

Lân trên tay nâng bọc lá chuối khô, lấy từng chiếc bánh nếp, giống như quả xoài – đặc sản xứ này - lần lượt trao cho mọi người. Long là người nhận chiếc bánh sau cùng, chờ cho mọi người bóc lá xong, chuẩn bị ăn; đứng dậy:

-Vừa khát, vừa đói; nhưng Lân còn giúp chúng ta, có thêm một buổi chia tay đầy ắp kỷ niệm!  

Thu liếc nhìn Tôn đang cầm chiếc bánh, nét mặt lộ rõ tư lự; rồi ghé qua nói nhỏ với Thương:

-Anh Tôn sẽ về đâu?

-Chị cũng không biết nữa!

Long là người cầm cốc nước sau cùng, đến bên Thương:

-Không có rượu, em uống với bọn anh, một “cốc nước tình nghĩa” và gắng giúp anh một việc. Anh không muốn nói nhiều…

Trong khi Lân, Lê thu dọn, Long kéo Thu ra ngoài, nói mấy câu, quay lại chỗ Tôn:

-Bọn mình bỏ cuộc chuyến đi, còn cậu, mình nhờ Thương.

Ba người ra đi, ba người ở lại. Lê bước nhanh lên phía trước, chào kiểu nhà binh; rồi nhảy lên, cho xe nổ máy. Long và Lân đưa tay vẫy. Một thoáng chốc thôi, bọn họ đã mất hút bên kia sườn dốc.

Ba người, chầm chậm, lặng lẽ xuống bến. Cả hai chị em cũng không hiểu được: anh này là bạn mấy người đó, một mình đưa Long đi chữa vết thương, sao không theo nhau; bây giờ đi đâu, về đâu? Thu đã leo lên thuyền, kéo đống lưới, chuẩn bị thả xuống sông. Ban đầu, Thương lòng tự nhủ lòng, mình là con gái, không nên can dự vào chuyện của người khác, đặc biệt, họ là người không phải thân thích. Với con người đó, những chuyện vừa qua - giúp người gặp nạn, tìm người làm thuốc, tình cảm với mấy đứa trẻ nghèo - anh ta cư xử giống như công việc ở nhà vậy! Ở hoàn cảnh này, đầu óc phải tỉnh táo; nhưng Thương không biết, phải bắt đầu thế nào cho hợp lẽ. Đang suy nghĩ miên man, từ dưới thuyền, Thu gọi to:

-Chị ơi, tìm nơi để ăn tối!

-Thế không về nhà hả em?

Quyết định đi, ở đang làm Tôn phân vân, nghe lời vui vui của cậu bé, làm anh nhẹ lòng. Khi cả ba đã ngồi trên thuyền, Thu ghé về phía Tôn, nói nho nhỏ làm ra vẻ úp mở:

-Em kể chuyện này cho anh nghe!

-Ừ. Anh đang chờ.

Lúc đó, một chiếc thuyền đang tiến đến gần; Thu reo lên:

-Bác Phường chị ơi!

-Hai đứa về nghỉ hè rồi à? Có bắt được con cá nào không?

-Dạ. Chúng cháu thả lưới được một ít, đem cho các em mồ côi. Bác gái hôm nay không đi chợ chiều?

-Định đưa bác gái đi thăm cháu, vì lâu rồi mà chưa ghé được. Để bác gởi quà cho hai đứa.

Ông quay ra, nhắc bà. Khi bà trao cho Thương gói quà, ông còn nói theo:

-Bánh đúc có đậu phụng; đặc biệt có món tương Bần để chấm. Ngon lắm đó!

Thương đưa hai bàn tay, nhận gói bánh từ bác gái; cảm động quá không nói thành lời. Hai bác người hàng xóm, mỗi lần đi học về hai chị em cứ chạy qua chạy lại hai nhà rất thân thích.

Thuyền họ chèo đi rồi, hai chị em cứ nhìn theo mãi. Tôn vẫn ngồi im lặng, Thu đến gần:

-Em nói chuyện tiếp, anh nhé: Chị không phải là Thương mà là Thảo cơ. Ở trường mọi người thường gọi là Thu -Thảo đó mà!

-Hai chị, em đang đi học?

-Vâng. Chị học lớp đầu cấp hai; còn em là lớp cuối cấp một.

-Anh bất ngờ quá. À, mà phải rồi.

-Sao anh?

-Khi mới gặp, anh đã tự hỏi: Sao dân đánh cá mà giống thư sinh?

-Chúng em nghỉ hè, về quê. Sẵn có chiếc thuyền của chú, thế là mượn đi chơi. Vui thật. Vì vậy mà có cuộc gặp này! Đêm nay chúng ta cắm trại trên thuyền.

Tôn nhìn sang Thương:

-Trường ở xa hay gần?

-Từ nhà lên trường, chúng em đi bộ gần một ngày. Trường nổi tiếng của tỉnh nhà. Học sinh thường từ nơi xa đến trọ học. Chúng em ở nhờ nhà dân. Còn ăn, uống, lấy củi, xách nước… tự túc hết. Nhưng mà vui lắm!

Thương nhẹ nhàng đẩy mái chèo to bản, lướt trên mặt nước. Thuyền di chuyển êm ru, ngược lên phía trên. Thu nói cho Tôn biết là tìm đến chỗ có bãi cỏ rộng, neo thuyền lại nghỉ. Gió chiều bắt đầu thổi làm mái tóc Thương bay nhè nhẹ. Hình ảnh người con gái cùng chiếc thuyền với cảnh sông, nước, mây , trời… gieo vào lòng Tôn một cảm xúc khó tả. Nhìn lại, một thời gian dài, anh đâu có được những “giây phút bình yên”; những ngọn gió vừa vô hình vừa hữu hình, đưa đẩy, xô dạt; rồi còn ra sao nữa đây? Hiếm hoi lắm, làm sao có được, mà người ta hay nói là cái vị ngọt ngào của cuộc sống!

Thu đứng lên, chỉ về phía mặt trời lặn;

-Gần cây cổ thụ, là bãi cỏ vừa sạch, vừa đẹp. Chị đổi tay chèo cho em.

Thương bước lên gần chỗ Tôn ngồi:

-Thuyền cập bờ, em sẽ đi xin nước uống; mong cho bữa tối thật ngon lành.

-Hai chị em không về nhà, có phiền phức?

-Đầu hè mà anh, “ôi, tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”. Anh đã nghe chưa?

-Tuổi trẻ của anh…

Thương nhìn chăm chú vào mắt người con trai đang ngồi trước mặt, thấp thoáng gợn lên vài nét u hoài, liền chuyển hướng:

-Chúng mình chuẩn bị lên bờ đi anh!

Thu nhảy lên trước, neo thuyền. Thương cúi xuống, nhẹ nhàng xách túi bánh. Tôn sắp bước ra khỏi thuyền thì Thương nhắc:

-Anh mang theo túi.

-Nên không?

-Có khi cần đến, biết đâu!

Thu không để chị đi lấy nước, mà chạy ra phía có mấy nóc nhà mái tranh màu vàng gần đó. Quay về, trên tay vừa xách chai nước, vừa cầm cái mẹt tre, đi xăm xăm; phóng mắt ra phía xa, trên bãi cỏ, hai người ngồi song song, hướng ra phía bờ sông. Với chị, Thu bao giờ cũng là đứa em ngoan, thương yêu chị hết mực, tự nhiên bước chân em chậm lại và một cử chỉ vô thức, núp vào cây bàng trên đường ra sông. Thấy em chưa về mà trời bắt đầu tối, Thương cũng không muốn làm cho Tôn nghĩ vẩn vơ, liền bảo:

-Vì anh không biết đường đi, nên em phải làm việc này thay anh.

Thương rời bãi cỏ, đi chầm chậm, đầu óc tự nhiên cảm thấy không yên ổn. Bước thêm một đoạn nữa thôi, thấy Thu đang đứng, biết ý, Thương lên tiếng:

-Về đi em!


///---///--- Hết bài thứ 37

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét