Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 41

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 41

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 41


Hơn ba mươi năm, trưa nay Tôn nằm ở ngôi nhà, còn đâu đây bóng dáng ông bà, hình ảnh nào còn lưu dấu của ba mẹ; nhìn lên mái ngói, hai con chim vào trú nắng, vừa tung tăng nhảy nhót vừa hót líu lo; anh không thể hình dung nổi, chính nơi  mình đang nằm, đã từng chịu đựng bao đau thương, mất mát không có gì bù đắp được. Cái bóng đen rùng rợn đó có còn quay lại phủ lên cảnh bình yên này?

Trời chiều, nắng nóng vẫn chưa dịu, Tôn dặn o ở nhà, chỉ một mình lên mộ. Anh thay áo quần, cầm thẻ hương và đội chiếc nón lá, ra đi. Từ phía sau nhà, anh băng qua những con đường đất trong xóm, nối vườn này với nhà kia, gặp hàng tre - trong trí nhớ lờ mờ còn giữ lại - phía này sẽ lên đến Cồn. Hồi trước, sao đường xa thế, mà bây giờ chỉ chưa tới mươi phút, đã đứng trước bãi cỏ rộng, xen vào những gò nhỏ và thấp, những khu mộ nằm rải rác, phân chia theo từng dòng họ, chi, phái. Tôn tìm đến khu mộ họ Lê, nằm lệch lên phía bắc, ở trên đám đất có nhiều cây thân gỗ mọc rậm rạp. Dùng tay gạt những bụi cỏ may, bước thêm mấy bước, thì tìm được đất của phái Lê Hồng. Lần đầu tiên anh mới biết tên của những người thân: Ông, bà nội Lê Hồng Khã/ Cháu đích tôn Lê Hồng Khê lập mộ. Con dâu, Hoàng Hữu Thị Hạnh. Dưới ụ đất, lớp cỏ xanh, là những cuộc đời. Cũng giống như cây mọc trong rừng, cây nào cũng có thân, có lá, gốc rễ chằng chịt; nhưng hàng ngàn cây ấy lại rất khác nhau; giống như đời người vậy! Lần đó, theo mẹ đi đưa đám ma, nhìn người hàng xóm khóc; anh hỏi mẹ: “Người chết rồi, có sống lại không hở mẹ?/ Có!/ Nhưng sao người ta khóc?/ Vì cái nghĩa “sinh li, tử biệt” đó con”. Có lần bà Ấm vừa đi chùa về, bà vừa bổ quả cau tươi, vừa kể cho Tôn những người đã sang thế giới bên kia: Họ có chết đâu con, đó là thể xác. Còn cái hồn thì sống mãi. Thế nên nhà Phật thường dạy: Tu nhân, Tích đức đấy con ạ! Tôn thắp nén hương tiếp theo, lần lượt cắm lên những ngôi mộ lân cận.       

Rời nghĩa trang, ra đường cái, Tôn đi theo con đường đất rộng, sau mấy cây bạch đàn, nhìn vào vườn và sân rộng, ngôi nhà nhỏ, thấy người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình, tay đang cầm chai thủy tinh, Tôn thủng thỉnh ghé vào:

-Cháu chào ông.

-Con cái nhà ai mà ghé vào chào?

-Là cháu bà Lành, mới về.

-Chịu khó vào bếp rót nước uống. Có chè lá vằng mới nấu.

Tôn quay ra, ngồi lên chiếc ghế nhỏ, phía trước mặt. Ông vẫn tiếp tục cầm chai rượu tu. Được mấy hớp, ông đặt mạnh chai lên bàn thành tiếng khô khốc:

-Như vậy, cậu là cháu ông xạ Khã?

-Dạ thưa, đúng như thế.

-Thời trẻ, tôi có lúc cùng học chung với trường bên nhà thờ, ông học lớp trên, tôi chỉ mới vào lớp a b c. Sau đó, do nhà nghèo, tôi thôi học về đi chăn trâu, nhưng mà không khổ lắm đâu:… “Chăn trâu sướng lắm chứ/ Đầu đội nón mê như lọng che/ Tay cầm cành tre như roi ngựa”. Ông ta có tư chất, không gặp thời; chỉ làm cái chức “Lí trưởng quèn”, nhưng mà “ăn” của dân làng cũng không ít!

Tôn chào từ biệt, bước chân nhẹ nhàng, tuổi này không thể làm lay động bởi những tiếng ong, tiếng ve; mà đâu là thực, đâu là lời của rượu! Về đến nhà đã có mấy người bà con tới thăm. Tôn trịnh trọng, cởi nón:

-Cháu mới về, chưa kịp đi thăm các bác, các cô.

Bà Lành bưng khay nước lên đặt xuống chiếc chiếu trải giữa nhà, vừa cười vừa tiếp lời:

-Cháu ơi, đây là ông Hãn, Trưởng họ, thay ông nội, hơn chục năm rồi. Đây là bà. Ngoài bảy mươi mà hàng ngày vẫn vác cuốc ra đồng theo con cháu. Ngồi cạnh là vợ chồng chú Hối, con cả của ông…

-Để ông nói qua cho cháu nghe: họ ta có nhiều chi, ông nội là Lê Hồng. Chi ông là Lê Đình…

Mặt trời như quả cầu lửa, sắp khuất sau dãy núi phía xa. Gió khô nóng đã dịu bớt. Ở ngoài cổng, người con gái dáng thanh mảnh đang gánh một đầu bó rau, đầu kia bó củi, đi vào. Bà Lành nói vọng ra:

-Anh Cu… mới ở xa về đó con.

Tôn bước ra, đến gần:

-Công việc nhiều hay sao mà về tối thế hở em?

Thạch đặt gánh xuống, một thoáng ngạc nhiên, nhìn rất nhanh người con trai, rồi cười:

-Anh đã đi quá lâu!

Bà Lành đi xuống bếp cùng với Thạch:

-Con tắm rửa rồi xuống chợ cầu Ga mua bánh bột lọc. Tối nay sẽ họp họ.

Khi những con gà “cục, cục” kéo nhau nhảy lên chuồng, thì bà con đã kéo đến rất đông. Ông Hãn lên tiếng:

-Bà Lành ơi, bà cho đem hai chiếc chiếu hoa ra trải giữa sân, bà con ta ra ngồi ngoài đó vừa rộng rãi vừa thoáng mát.

Khi mọi người yên chỗ, ngồi chật kín trên hai chiếc chiếu, ông Hãn sửa tư thế, hai chân xếp bằng, lưng thẳng, mở lời trịnh trọng:

-Cháu Hồng Khê, con anh Hồng Kha, cháu nội đích tôn ông Hồng Khã, Trưởng họ ta nhiều năm, do hoàn cảnh phải chịu cảnh lưu lạc, nay đã trở về.

Thế là tiếng ồn ào rộ lên. Người thì hỏi, sao mà phải lưu lạc, có người muốn biết anh ta đi đến những nơi chốn nào, người thì muốn hỏi có đi lính không để có thể nhờ cậy chuyện riêng tư gì đó. Đến lúc, gần như một cuộc họp chợ, chuyện của Tôn chìm dần vào chuyện đời thường hàng ngày gần gũi hơn, thiết thực hơn. Trời đầy sao. Đêm đã khuya. My đứa trẻ lăn ra chiếu ngủ say sưa. Ông Hãn nhắc mọi người ra về vì ngày mai còn phải ra đồng sớm.

Cuộc họp họ đơn giản thế thôi, đầy đủ các gia đình. Ông Hãn thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái. Rồi như một cuộc họp họ nhỏ tiếp theo. Ông đi vào nhà trên - là “nhà chái” -  dựa lưng vào “ ghế trường kỉ”, ngồi đối diện là bà Lành; cạnh ông là Tôn, phía bên kia, Thạch ngồi vào ghế đẩu. Với nụ cười rất cởi mở, ông nói nhỏ nhẹ:

-Khê ơi, chuyện này vừa là việc họ, nhưng chính là gia đình. Hơn ba mươi, người ta thường nói: “Tam thập nhi lập” cháu phải tính liệu, không để chậm trễ hơn nữa! Ngày trước, họ Lê trông cậy vào Hồng Kha, ba cháu; ngày nay, chi Lê Hồng trông mong vào Hồng Khê đó cháu!

Ông dừng lại, cầm cốc lên, rồi từ từ để xuống, cổ hơi khô mà chưa thể uống. Ông quay lại phía Thạch:

-Bạn gái cháu, có mấy đứa, nghe mụ nhà ông khen lắm; cháu cố giúp ông trong chuyện này.

Thạch liếc nhanh sang phía Tôn ngồi, ấn tượng ban đầu, chưa thật gần, nhưng cũng không phải quá xa cách:

-Thưa ông, con Lam đang học ở trong Huế, con Hồng thì giúp mẹ nó trông cửa hàng tạp hóa ngoài thị trấn, còn con Vân, được lắm: hai mươi bảy, đọc “Những người khốn khổ” bằng tiếng Pháp, gia đình gia giáo!


///---///--- Hết bài thứ 41

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét