Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 39

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 39

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 39


Anh bước xuống đèo, cái nắng không còn “bóng xế tà”, cũng không tìm thấy vài “chú tiều phu”; không gian cao, rộng; phủ bằng màu xanh của rừng, núi; của cây, lá; của sông, suối… Tôn đang chìm đắm trong tiếng ngân nga, da diết của mấy con “cuốc cuốc”, của “cái gia gia”… Ngóng sang bên kia đồi, thấy lác đác mấy ngôi nhà của thổ dân ở cạnh sông. Cảnh tượng này như xát muối vào lòng anh: Buổi chiều nơi đây, sao buồn quá vậy! Tôn không biết được bà Hinh - là hương thơm, người con của quê hương Nghi Tàm bên Hồ Tây - viết bài thơ này vào năm nào: ở đó có tâm trạng buồn, là nỗi cô đơn. Nhưng Tôn rất hoài nghi, nếu cho rằng đó là cảm xúc của con người thất thế, về tuổi xế chiều. Chồng bà làm Tri huyện Thanh Quan, sau bị giáng chức, vào làm việc ở Bộ Hình trong Kinh đô Huế. Ông mất năm 43 tuổi, bà theo đạo lý “Thờ chồng, nuôi con”; một con người của “Tiết Hạnh Khả Phong”. Thời có vị vua anh minh, bà được vời vào cung, giao cho việc dạy dỗ các cung phi, công chúa. Bà là người phụ nữ có đầy đủ Công - Dung - Ngôn - Hạnh.

Tôn đứng lại, nhìn con đường thiên lí Bắc Nam, vắt qua đèo này, tìm đâu đây, dấu chân của người nữ sĩ, chỉ tám câu mà như tạc vào lịch sử, để lại cho đời một áng thơ bất hủ. Anh cứ đi như thế, nhưng trong lòng, cảm giác quá khó diễn tả thành lời. Bất chợt, dừng lại: “À, sao không hề có bức tượng, tấm bia; thậm chí một cái am nhỏ để thờ, cũng không có nốt!”. Anh quay lại, ghé vào quán nước bên đường, hỏi mua thẻ hương. Không có. Đi thêm đoạn nữa, phía bên con suối nhỏ, có mái nhà tranh, Tôn tìm vào. Ông cụ già nhìn anh ngơ ngác:

-Ở đâu mà lạc thế hè?

-Lần đầu trong đời mới có dịp đến đây, cháu đang tìm mua hương, đèn để viếng bà.

Lần này, ông càng ngơ ngác hơn:

-Cậu ở xa, sao lại có mồ mả người thân chôn ở nơi này?

-Cháu muốn thắp vài nén hương để tỏ lòng thương nhớ Bà Huyện!

Ông ngồi im một lúc, nét mặt ông trở nên tư lự. Tôn vẫn chờ…

-Cậu không còn trẻ, mà chưa phải già - ý tôi, là người lớn đó - tôi đọc cậu nghe câu này, dù là rất xưa: “Trăm năm bia đá thì mòn… ”. Bia đá, tượng đồng. Ai là người, sau khi đã qua thế giới bên kia, đều ao ước muốn có bảo vật vô giá đó, để lại. Nhưng với Bà Huyện, có tượng đồng, bia đá nào sánh được. Trong trái tim của người dân nước mình, hình ảnh của người đàn bà “tài sắc vẹn toàn” còn hồng tươi mãi với thời gian!

Ông đến nơi bàn thờ, rút thẻ hương đựng trong bao giấy vàng, ra phía sau vườn, chặt một khúc thân chuối, rồi dẫn Tôn đi. Khi đã đến chân đèo, ông đưa tay chỉ:

-Chúng ta tới gần đám cỏ, dưới mấy cây bông trang, có viên đá màu ngọc thẫm; anh thử đọc dòng chữ.

Tôn từ từ bước tới, hai chân quì xuống, đưa tay sờ lên viên đá. Như có luồng hơi ấm, chạy từ lưng lên đầu. Rồi hai người châm lửa, đốt hương, cắm vào khúc chuối; đứng song song và vái:

-Bà ơi!

Tự nhiên nước mắt ứa ra. Ông đặt tay lên vai Tôn và dặn:

-Cậu có thấy bốn chữ khắc trên viên đá?

-Có, nhưng cháu chưa hiểu.

-Cậu nên ghi lại.

Rồi ông bắt đầu: “Thời chồng đi vắng, bà nhận đơn của một thiếu phụ trong huyện xin được đi lấy chồng. Thương cảm hoàn cảnh của chị ta, bà phê vào đơn, câu sau cùng: “Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già”. Cuộc đời của bà để lại cho lớp con cháu chúng ta, như tấm gương không bị lớp bụi thời gian che mờ; tự hào về một con người đức hạnh! Tôi không biết người khắc, cũng không biết ai đã đến dựng ở đây. Mà cần gì phải truy tìm. Cái còn lại, đó là tấm lòng, là cái tình!”.

Tôn đi theo ông thêm một đoạn nữa, ông chúc “đi đường bình an”, nắm tay anh rất chặt rồi rẽ xuống đường đất nằm bên cạnh mương nước để về nhà*.

Tôn cứ đứng đó, nhìn theo, ý nghĩ này cứ đeo bám: mọi người Tôn đã gặp ở nơi đèo, “không phải là đèo heo hút gió” dù là trẻ hay già, đều giữ lại trong lòng tình cảm thiêng liêng về một con người! Rồi hai câu thơ, không biết được nghe ở đâu, được đọc ở đâu, mà như lời tri âm, như tiếng thủ thỉ, như đang ngồi bên bà, nhỏ từng giọt êm mát vào con tim thơ bé: “ Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn”.

Hướng về phương nam, Tôn lại tiếp bước. Chưa đến mười cây số, anh đang đứng bên bờ của con sông mà khi nhắc tới tên, ai ai trong lòng chúng ta đều trào lên cảm xúc: đây là nơi chia cắt đất nước hơn hai trăm năm biết bao máu chảy, đầu rơi; vì tính ích kỷ của con người, lòng hận thù của dòng họ: Sông Gianh! Ở đó, trong thời gian gần năm mươi năm; quân lính hai bên, huy động tối đa lực lượng, đánh nhau bảy lần, bất phân thắng bại. Tôn lội xuống, nước ngập lên tận đầu gối, hai bàn tay vốc lên, úp vào mặt: Nước thì mát, nhưng lòng anh day dứt; mảnh đất này từng là nơi trải qua bao cảnh “cốt nhục tương tàn, nồi da nấu thịt”! Nhìn sang phía bờ nam, lòng sông rộng gần ngàn mét, xa vời vợi. Tôn ngược lên phía bắc, tìm đến làng Lệ Sơn, lưng tựa vào chín mươi chín ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh. Người ta đồn rằng, có một trăm con chim phượng hoàng, rủ nhau bay về đậu ở núi làng Lệ Sơn, tạo nên vùng đất linh địa, sơn thủy hữu tình, cần cù, hiếu học. Anh đặt chân tới Ba Đồn, ghé vào chợ: bát ngát một rừng nón lá. Buổi trưa, lại tìm về cửa Gianh, mong nếm vị bánh đúc Tân An. Đặc biệt, ở đây nổi tiếng với món “chắt, chắt”, một loại hến nhỏ con, xào với lá lốt hay mít non, rau muống chẻ nhỏ, kèm theo loại bánh đa xứ biển. Người Quảng Bình quê này, rất tự hào về con sông quê hương, còn được gọi là Linh Giang. Đó là con sông duy nhất ở nước ta, nằm gọn trong một tỉnh!*

Trên đường, đã có rất nhiều người cùng về chợ, đa số là đàn bà, con gái. Họ mặc không khác nhau lắm: áo trắng, nâu hoặc thâm; còn quần, toàn một màu đen. Người thì bưng thúng gạo, kẻ thì gánh bắp, vài cô khiêng mấy bó rau. Phía trước là một thành phố: đường rộng và dài. Những dãy nhà ngói, tường vôi màu vàng; người đi lại đông đúc. Tôn đi ngang qua đoạn đường có hai cây cổ thụ cao, to. Nhìn vào, ngôi nhà dài, từng ô cửa sổ ngay ngắn. Ở cửa chính, nhiều người ra, vào; có cả trẻ con nữa. Mấy người mặc áo khoác trắng, đang làm việc. Đặc biệt, ở đó bay ra thứ mùi, rất khó ngửi, lần đầu anh mới biết, gọi là nhà thương. Đi tiếp trên con đường chính thì gặp chợ. Chợ rất đông. Người, hàng hóa, xếp từ đường nhựa, xuống tận bờ sông; thuyền, bè san sát. Từ đây, hàng vào tận trong Nam, ngoài Bắc, qua bên Lào. Đình chợ rất lớn. Từ đầu này, nhìn suốt tới đầu kia, những gian hàng bày ra la liệt. Đi lang thang một lúc, Tôn ghé vào chỗ bán đồ ăn. Người đàn bà luống tuổi, lưng áo bà ba lấm tấm mồ hôi; ngồi ở chiếc ghế gỗ thấp, phía trước cái mẹt làm mâm, đặt trên chiếc thúng úp ngược. Cô ta chú ý, hình ảnh “anh chàng nhà quê ra tỉnh”. Rồi cô cười, nụ cười vừa vui cũng là một kiểu mời người mua:

-Ở xa đến phải không, muốn ăn món gì, có đủ hết: bánh bèo, cơm hến, bột lọc bọc tôm?

-Dì cho dĩa bánh bèo.

Cô đưa tay gạt mồ hôi trên trán, đứng lên, đến bên chiếc thúng, mở nắp; sắp mười chiếc bánh trắng, bọc trong lá chuối, tròn tròn ra dĩa. Cô lấy tiếp chiếc hũ, múc ra một muỗng to, loại bột thô, màu đỏ hồng, rắc lên những chiếc bánh, xếp hình hoa; cuối cùng là bát nước chấm pha nước mắm, ủ chợp từ con cá cơm. Tất cả là đặc sản của vùng quê nổi tiếng: ăn là để thưởng thức! Tôn ngồi, nhìn dĩa bánh, đã nghe “bánh bèo, tôm chấy”, biết là ngon, nhưng đầu óc không hề thảnh thơi chút nào cả! Anh cố ăn cho hết, nhưng đến chiếc cuối cùng thì không thể nào nuốt nổi. Chờ cô gói cho bát cơm hến để mang theo, Tôn lấy tiền trả, cô cứ nhìn với nụ cười xởi lởi:

-Bây giờ về nơi mô?

-Thuận Biều. Dì ơi, còn xa không hở dì?

Cô đứng lên, bước nhanh về phía người đàn ông đang ngồi trong cửa hàng tạp hóa. Lát sau quay lại, cô cười:

-Xa, phải đi hết tỉnh này, rồi mới vào đến trong ấy.  

Tôn chào từ biệt và mang túi, tìm đường ra ngoài cổng chợ. Đang đi, trước mặt thấy ngôi nhà xây rất đẹp, có cái bảng hiệu “Trường Xuân”, không biết ai sai khiến, anh bước vào. Người trông cửa hàng là một cậu học trò:

-Chú muốn mua gì?

-Tôi nhờ em…

Thằng bé bước ra khỏi quầy, đến gần. Nghe xong, hiểu ý:

-Từ đường nhựa lớn này, theo dọc bờ sông, rồi lên bến xe.

Tôn đưa tay, vỗ nhẹ vào vai cậu ta, chào từ biệt.


///---///--- Hết bài thứ 39

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét