Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN I - BÀI 6

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 6

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - BÀI 6


Một buổi sáng, mấy người đem nếp vào bán – nếp ngon lắm, nghe người ta kể, khi tới kỳ làm đòng hay là lúc nếp chín vàng, người phụ nữ nào có thai, đi ngang đám ruộng, nếu ngửi nhiều dễ bị sẩy thai lắm đấy, nghe cái tên hay hay, nếp “Hà Mi” -  lại mấy người vào mua đậu xanh đã cà rồi, để đem về cúng mồng năm. Phía hàng than củi, có tiếng ồn, đàn trẻ chạy theo; nhìn sang thấy có một người đàn bà, mặc bộ đồ màu sáng, dẫn người đàn ông đi sau bằng chiếc gậy; vừa đi vừa gõ chiếc mõ, vừa hát nghêu ngao : “Bẻ vè ve, nghe vè đầu trâu, ăn quán đầu cầu, nhớ mẹ khóc cha…”. Chờ khi đến gần, bà Bầm bỏ vào tay Tôn đồng bạc hai xu, bảo đem ra cho họ. Người đàn bà dắt đi ấy còn rất trẻ, không giống như người đi ăn xin khác. Tay phải bà cầm gậy còn tay trái bà cấm cái hộp làm bằng vỏ trái dừa, cái nắp gắn vào thân bằng mấy sợi dây mây cuộn lại xung quanh đoạn tre nhỏ như chiếc đũa cắt ngắn. Nắp có khoét cái lỗ nhỏ hẹp và dài. Ai cho tiền giấy thì mở nắp ra, còn tiền xu thì bỏ vào lỗ đó. Ông chồng người cao cao, ăn mặc sạch sẽ. Nhưng nhìn vào đôi mắt ông ta, Tôn ngại ngùng quá: sờ sợ, hãi hãi thế nào ấy. Tôn nói với Bầm: “ Sao thấy tội tội”. Bầm cười, rồi kể: “Ông bị mù, sống bằng nghề hát rong; nhưng mà cuộc đời phong lưu lắm!. Hàng ngày đi lang thang đầu đường xó chợ thế thôi, nhờ người ta thương như con đó, ngày kiếm được một, hai đồng; gặp may được ba, bốn đồng. Như Bầm đây, mua bán cả tuần cũng chỉ được bốn tới năm đồng là cùng. Chiều về, ăn tối xong, cả nhà ra ngồi ngoài sân, cùng ca hát. Ông ta có cây đàn, chỉ một dây thôi, có cái cần, gắn trên chiếc hộp. Dùng một miếng tre đực, gọt thành hình tam giác, ông ta vừa gảy vừa rung cái cần tre uốn cong, âm thanh cất lên, nghe xao xuyến, rạo rực trong lòng lắm. Nhờ tài đó, ông có hai bà vợ, năm đứa con, bà nào cũng trẻ và đẹp cả! Thế nên người đời có câu: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” ”.

Độ này thường buổi chiều Bầm về hơi muộn so với trước, vì phải dạy Tôn học. Đầu tiên, bà đọc cho Tôn viết: “Bà Trưng quê ở Châu Phong, giận người tham bạo thù chồng chẳng quên, chị em nặng một lời nguyền, thay cờ nương tử, tay cầm tướng quân…”. Buổi sau học toán. Bầm nói phải học cửu chương trước đã; mỗi ngày học một ít, như ngày hôm nay là “1”, ngày mai là “2”… Học, nhớ và phải thuộc để làm toán đấy nhé! Bầm hỏi Tôn biết met là gì không? Bầm giảng cho Tôn nghe: lớn hơn mét là gì; bé hơn mét là gì?

Bán mua xong, họ ăn cơm trưa; khác mọi lần, lần này Bầm không nằm nghỉ trưa mà ngồi một lúc, gọi:

-Tôn viết bài chính tả.

“Học trò nghèo

Con nhà khó nhiều khi vất vả

Ngoài học đường thư thả được đâu

Khi thì quẩy nước tưới rau

Khi thì gồng gánh theo sau mẹ già

Những con nhà khó kia ơi

Có thương cha mẹ thì vui học hành”.

 

Không khí giữa hai người như “trầm xuống”, mấy phút chầm chậm trôi, Tôn không hình dung được, Bầm nắm chặt tay Tôn.

-Con phải học!

Sáng đầu hè, Bầm ra quán sớm. Tôn vừa xách nước về, đã thấy hàng hóa trên sạp sắp xếp gọn gàng, Bầm đưa cho chiếc bánh ú còn nóng:

-Ăn đi con.

Tôn vào góc phía trong, bóc chiếc bánh, nhìn mãi, không hiểu được: nếp gì, thơm; đậu xanh hạt to, béo; giống nhưng mà không giống đậu phụng. Ăn xong, Tôn vẫn ngồi nán lại. Tuổi của Tôn chưa phải là tuổi mơ mộng nhưng mà…

-Ra đây con… Hôm nay có lễ lạc gì đó nên vắng khách.

 

     Rồi bà bắt đầu kể: “Bầm sinh ra và lớn lên ở thành phố, bên bờ dòng sông thơ mộng. Đi học với chiếc áo dài tím. Cũng có thể nói rằng, cuộc sống đó có phần “nhung lụa”. Những tháng, năm cuối Bầm có một người tình, đồng quê, đồng môn. Trong một cuộc biểu tình chống lại chế độ hà khắc, anh bị bắt. Bị nghi là kẻ cầm đầu, anh bị tù khổ sai. Nhờ một cai ngục có cảm tình, anh vượt ngục; nhưng bị bắn chết và phi tang…

Trước bất hạnh tuổi thanh xuân, Bầm bỏ tất cả; đi tìm “ánh sáng” cuộc đời”.

-Duyên cớ gì mà Bầm lưu lạc đến nơi này?

 

Trong tâm trí Tôn bắt đầu nung nấu một ý định dù còn rất lờ mờ. Buổi chiều, sau khi làm xong những việc Bầm dặn; Tôn vào trường vừa để gặp anh, chị - “những người thân thích” – và xin thầy học “ké”. Đứng ở góc cửa sổ, nhìn vào; thầy Thoan bước lên phía gần chiếc bàn hình vuông, nhìn xuống – lớp chỉ khoảng mười anh chị - nghe mà Tôn chả hiểu: “Lơ co duy manh a tờ roa pạc ti…”. “Học mà cũng khó ghê!”. Cúi mặt xuống, Tôn rón rén đi ra góc vườn, lượm viên gạch ngồi xuống bên cây ổi, viết mấy chữ nguệch ngoạc xuống đất. Nghe tiếng ồn phía lớp, Hiền và Diệu bước ra sân, Tôn chạy tới ôm chị Diệu mừng quá. Kéo ra góc sân, hai anh chị hỏi dồn dập – ăn ở, sinh hoạt…

-Chiều thứ sáu em đến, xin Thầy vào dự thính lớp các anh chị bé.

Trở về quán, từ xa đã nghe tiếng xụp xòe. Nhiều người vòng trong vòng ngoài mà phần lớn là trẻ con. Chen vào khoảng trống ít ỏi, Tôn mê quá: thằng bé con, chỉ mặc mỗi quần đùi bó sát vào người. Nó nhào, nó lộn ngược, xoay người, lưng uốn vo tròn lại. Chao ôi. Hay. Đẹp!

///---///--- Hết bài 6

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét