VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 48
Thế là Tôn sống với gia đình đã gần nửa năm, như
một thành viên chính thức, cố gắng giúp Hoàng trong mọi phương diện.Thời gian
biểu, hai người trao đổi, thống nhất và thực hiện giống như chiếc đồng hồ cứ
đều đều nhịp gõ. Nhưng trong mấy ngày gần đây, anh nhìn sắc mặt cô không còn
tinh anh như trước; thỉnh thoảng muốn nằm nghỉ năm ba phút. Sau đó tiếp tục làm
bài, có lúc, Hoàng nói nhỏ với Tôn là độ này hình như tinh thần không được
thanh thoát. Tôn thật sự không yên tâm, anh không lường được, điều gì sắp xảy ra đây. Anh đứng lên, định ra ngoài, tìm nơi thông
thoáng, hít thở không khí cho tâm tĩnh lại, thì hai ông bà
Đội đang muốn gặp anh. Khi đã ngồi vào bàn lớn ở phòng khách, rót nước, đặt cốc
nước mời, ông nói rất khẽ:
-Ngày mai chúng tôi đưa em vào nhà thương thành
phố.
-Thưa ông, bà cho phép tôi được giúp em.
Bà muốn nói câu gì đó với Tôn như cám ơn, như giãi bày, mà một lúc sau, mới mở lời được:
-Mong anh thông cảm với gia đình chúng tôi!
-Được ở trong nhà, tôi quý mến… như em gái.
Bà đưa tay lên lau nước mắt, Tôn quay sang phía
bà:
-Mong ông, bà…
Trong lúc mọi người đang tính những công việc tiếp theo thì anh lính thuộc cấp của ông đến, báo tin:
-Ông bác sĩ trong thành phố nhắn ra là mọi việc đã
thu xếp xong. Độ một hay hai tuần nữa, bác sĩ bên Pháp sang làm việc như định
kì, cũng là dịp may.
-Anh lo giúp xe vào trong đó!
-Thưa ông, bao giờ?
-Ngày mai!
Anh lính không kịp uống cốc nước mới rót đang còn nóng, vội vã ra về.
Bà Đội bước theo, đứng tần ngần nhìn mãi ra cửa.
Một ngày bình thường nhưng thời gian trôi chậm chạp. Bà Đội soạn đồ đạc
cho con gái: áo quần, đồ dùng cá nhân… sắp vào chiếc va li vải đã cũ. Thỉnh
thoảng, bà bước ra ngoài… Ông lấy cặp da đã sờn mép, xếp vào đó những giấy tờ
cần thiết, một ít tiền. Còn Tôn, anh dành thời gian, ở bên cạnh Hoàng, vừa giúp
soạn lại sách vở, vừa nói chuyện vui, để cho cô bé tránh rơi vào không khí nặng
nề.
Sáng sớm, một số bà con đã tới, người thì thăm hỏi, người thì giúp dọn
dẹp nhà cửa. Ông Đội pha nước mời mọi người, rồi đi ra mở cửa cổng. Chiếc xe
màu đen, anh lính lái, lăn bánh từ từ vào sân. Mở cửa, ông ngồi lên ghế trước
nói chuyện với người lái, kiểm tra máy móc lần nữa, hai người xuống xe đi vào
nhà. Hoàng mặc bộ đồ bà ba trắng, ngồi với bà Đội; nét mặt tươi tỉnh. Anh lái
xe, đến ngồi sát bên:
-Xe chạy khoảng một giờ, có một đoạn đường xấu nên hơi bị xóc. Cháu đã
ăn sáng chưa?
-Mọi chuyện xong rồi chú ạ. Cháu cám ơn chú nhiều lắm.
Người lái xe đứng dậy, đặt tay lên vai:
-Cháu cứ yên tâm.
Bà Đội xách va li vải đi cùng Hoàng. Tôn ôm chiếc cặp học trò, đi bên
cạnh. Ông Đội vào buồng lấy chiếc cặp da, đến gần người đàn bà đứng tuổi dặn
dò, rồi tiếp tục ra xe. Ngồi vào ghế sau, không phải lần đầu, nhưng Tôn cứ ngắm
từ mái nhà, góc sân, vườn cây trái, hàng ngày anh và cô bé đã rất quen thuộc,
nhưng hình như có bóng một con chim bay lên, vô tình thôi, làm anh xao động. Bà
Đội ngồi im, những ngày gần đây, bà càng ít nói. Biết ý, ông mà về đến nhà, là
vào gặp bà, hỏi thăm sức khỏe con gái. Có lẽ duy nhất, một chiều thanh vắng, bà
ra góc vườn, bà chắp tay vái, xin “bề trên” giúp cho gia đình bà tai qua, nạn khỏi.
Nhưng lòng bà càng như lửa đốt. Bà vào ngồi xuống ghế, mặc cho hai hàng nước
mắt cứ trào ra.
Xe từ từ rời đường làng, chầm chậm lên đường huyện, vào tỉnh lộ xe bắt
đầu tăng tốc. Qua cầu, quốc lộ thẳng tắp; hai bên đường những đồi sim lúp xúp.
Anh lái xe kể rằng, mỗi lần qua đây, anh như được sống lại “những ngày xưa thân
ái” là đầu hè, sáng sớm sau cơn mưa, lên đó hái những quả sim chín, hồng hồng,
to tròn; cắn mà đầu lưỡi vị ngọt còn dư âm kéo dài, làm mê đắm tuổi thơ. Xe qua
đồi, bắt đầu xuống dốc, xa xa một bãi cỏ xanh, trong phút chốc, một đàn bò lù
lù tràn ra đường. Người lái cho xe tấp vào dải đất trống bên vệ đường, ra mở
cửa, mời mọi người xuống nghỉ. Anh ta nói với ông Đội:
-Ở phía sau mấy hàng cây, có quán; chúng ta vào uống nước.
Chủ quán là một ông già cụt chân, cầm cây gậy gỗ ngắn, đi lại như người
bình thường.
-Lâu quá rồi, anh không ghé?
-Việc “quan” mà anh.
Ông Đội đến gần người chủ quán:
-Để tôi phụ giúp với!
-Mấy chục năm, quen rồi!
Anh lái xe đi ra phía sau bếp bưng lên rổ bánh, chuyển qua ông Đội. Ông
cười rất vui, lấy từng chiếc lần lượt chia cho mọi người. Bóc lớp lá ngoài,
bánh màu xanh trong suốt, nhân là đậu xanh lòng, đãi hết vỏ. Tất cả là đặc sản
của vùng. Nhưng cái vốn quý mà ít người chú ý là bàn tay của những người con
gái, đêm khuya ngồi với nhau cà đậu, hong lá, làm nên những chiếc bánh, khi nếm
dù đã đi xa vẫn nhớ về một miền quê.
Ông Đội lên xe, nhìn con gái đang cầm chiếc bánh chưa bóc, đôi mắt long
lanh:
-Sao con không ăn, bánh này nhìn thế mà ngon.
-Con ăn hết một cái rồi. Chiếc này, con để dành.
Hoàng ngồi lên, hướng về người lái xe:
-Chú ơi, sao ông ta bị cụt chân?
-Rút lại cho ngắn, gọn là thế này: Ông ta cũng là lính - lính khố đỏ -
do có tay nấu nướng, được tin cậy, giao việc bếp núc. Ai cũng mến do cái tài,
hơn nữa, tư cách đường hoàng. Nhưng thật không may, có một lần do bị o ép với
ông sếp mới về chưa hiểu nhau; ông ta ném dĩa trứng đang chiên trên bếp vào sọt
rác. Thế là mất hết. Ông ta về nhà, vợ bỏ. Ông tìm vào khe núi đi bắt cá. Một
đêm mưa gió, bị sập hố, gãy chân. Lang thang một thời gian, rồi như tỉnh lại,
dựng quán bên đường, làm bánh. Vùng này, ai nhắc tới “ông Cụt” là nhớ tới con
người tài hoa, làm nên những chiếc bánh, nhà ai đi hỏi vợ cho con; ngoài cau,
trầu, trà, rượu; bao giờ cũng có chục bánh “ông Cụt”, như thế mới đủ lễ bộ!
Xe chạy trên đoạn đường hai bên là cánh đồng màu xanh kéo dài tận chân
núi. Anh lái xe chỉ cho mọi người nhìn về phía trái, phóng tầm mắt ra xa là
làng Trà Lộc, những cô gái nổi tiếng với tài chằm nón lá; trước những hàng cây
cao cao, tươi tốt kia là cái bàu. Nước trong xanh quanh năm. Đó là giếng làng,
giếng của nhiều làng. Ở đây, người ta thả cá. Có một tục lệ là cứ vào khoảng
mười hai, mười ba tháng bảy Âm lịch - chỉ duy nhất hai ngày đó thôi - ai muốn
câu, muốn nơm, muốn đánh bắt bao nhiêu cũng được, để cúng Rằm tháng bảy “xá tội
vong nhân”. Cái hương ước thô sơ đó, thế mà con người vẫn giữ gìn cho tới hàng
trăm năm.
///---///--- Hết bài thứ 48
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét