Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 29

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 29

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - BÀI 29


Ngủ một giấc dài, thức dậy, nghe con gà trống ngoài hành lang, đứng chân trên chiếc lốp xe đạp mini, chân buộc sợi dây mềm, vấn vào chiếc lốp; treo trước hiên nhà, cất tiếng gáy - còn gọi là “Kê minh”. Đó còn là lời cảnh tỉnh. Tiếng gà gáy gọi mặt trời. Mặt trời thì tỏa nắng, đem lại ánh sáng, đem lại màu xanh. Đó là hy vọng. Đó còn là niềm tin. Chính niềm tin theo suốt cuộc đời Tôn. Đó là chiếc đồng hồ chính xác, là người bạn thân thiết của nhà nông, nét đẹp của mái tranh sau lũy tre làng. Sau này, anh còn biết thêm: Nó còn là biểu trưng của những đức tính: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín…  Tiếng gáy vút cao, trong trẻo. Ban đầu, cũng như chim sáo, chim sẻ ngoài kia. Nhưng càng nghe, càng thấy hay, hay không bút nào tả hết. Con chim bị nhốt, bị giam cầm - mặc dù rất “hình thức” - mất tự do. Sáng sáng con chim vẫn gáy. Con chim muốn tìm về với tự do, về với bầu trời… Cửa ra vào chỉ khép hờ. Tôn ngồi dậy, đi lại trong phòng như thường ngày, lát sau, đẩy cửa bước ra ngoài. Không gian tĩnh lặng quá. Mấy ngày rồi, Luyến không còn gặp nữa. Anh lang thang. Tâm hồn và thể xác anh cũng đang lang thang. Người con gái, anh chưa biết gì nhiều, càng làm cõi lòng anh thêm phần trống rỗng. Như sực tỉnh, hình như đã đi ra xa; anh quay về phòng. Ai đã để sẵn nước và cơm. Lại một mình, lại chìm đắm trong không gian im lặng. Anh đang suy tính: hôm nay phải làm cái gì, không còn gì để đọc, cần phải viết!

Người đàn ông, áo quần hình như đã mặc mấy hôm chưa được thay, mở cửa phòng cử chỉ không nhẹ nhàng cho lắm, bước đến chỗ anh ngồi, Tôn đứng lên, định bỏ đi ra chỗ khác, ngay lập tức, nén cảm xúc lại – thái độ này, gần đây anh mới thấy có khi cần phải “nhu” đi một tí; quay lại, chưa kịp nói câu gì cho dễ chịu thì người kia đã mở đầu câu chuyện rất dễ gần:

-Tôi ở chỗ hái và chọn trà, ông Mậu sai lên đưa ông đi xem vườn. Ông có dành ít thời gian, vừa đi để thay đổi không khí, vừa xem và cũng để giúp chúng tôi…

-Tốt quá đi chứ anh!

Trên ngọn đồi, cây trà được trồng theo những cánh cung. Anh Núi chỉ tay ra phía xa:

-Ông thấy có gì đặc biệt?

Tôn chưa vội trả lời. Phóng tầm mắt, nhìn quanh, bốn phương tám hướng; nghĩ ngợi một lúc rồi mới mở lời:

-Tôi lớn lên ở thôn quê, mà nghề nông tôi không am hiểu nhiều. Nhưng ở đây, đất, nước, khí hậu… thích hợp cho cây trà, phải không anh?

Anh Núi cúi xuống, vốc lên nắm đất, xòe ra trên bàn tay, chỉ cho Tôn xem:

-Riêng ngọn đồi này, đất màu vàng, xuống sâu vài tấc, màu chuyển sang nâu sậm. Con sông này, khi chảy vào Thượng Đình, một nhánh nhỏ tách ra, bao quanh lấy ngọn đồi mà ta đang đứng. Nước sông chảy qua vùng đá vôi, đặc biệt là các tầng đá ong, được gạn lọc nhiều bờ, đập… về đến đây, trong và mát như nước giếng đầu làng Bưởi. Tưới nước cho cây, giao cho ba người đàn ông. Họ tạo mưa lên từng cây, lá và gốc nhận vừa đủ, không cho nước thừa chảy ra ngoài. Khi có bóng nắng, việc tưới cây phải dừng lại. Chiều, khi nắng dìu dịu; năm, bảy chị - phần lớn chưa có gia đình - mang sọt tre, loại tre già mà chắc, bên làng Hạ, lần lượt hái bằng tay. Loại búp trà từng khu nhỏ riêng lẻ, của mỗi chị hái được có ghi dấu, không trộn lẫn, đưa về, phân loại trước khi chế biến. Cây trà này, sinh trưởng và lớn lên như thế đó. Tiếng tăm trà ông Mậu đang truyền đi rất xa. Nhưng ông ta còn ấp ủ, nung nấu… Thôi. Gần đứng bóng rồi. Có thuyền đang đợi. Chúng mình cùng về.

-Anh Núi làm ở đây lâu chưa?

-Khoảng độ dăm năm.

-Còn ông Mậu đi vắng đâu mà tôi chưa hề gặp?

-Tôi nói vắn tắt và có một chút riêng tư. Anh nhớ để bụng… Gần năm rồi, ông ta đứng canh mẻ trà làm thử sắp ra lò, mà đã nhiều đêm mất ngủ. Tôi và chú Biển phụ; người đưa nguyên liệu vào, người giữ nhiệt. Không may, chiếc chảo sấy bằng gang, to và nặng, do kê ba ông Táo không chuẩn, bị đổ. Không do dự, ông lao vào. Ông bị phỏng. Tai ác thay, vết thương trên má sâu lắm. Cô Luyến - nếu anh đã gặp, sẽ không bao giờ quên được người con gái này - mấy tháng liền, ngày đêm chăm rửa vết thương, nuôi dưỡng từ bát cháo tới đọi canh… Vì thế, nên ông rất hạn chế tiếp xúc, kể cả những người như chúng tôi.

-Anh nói đến tên Luyến…

-Cô ra đi đã gần… Không, mới có bốn ngày. Tình cảm con người “kỳ lạ” thật. Như tôi, cha mẹ ở quê, gọi về, đi hỏi rồi lấy vợ. Chúng tôi, “quê mùa”, nhưng sống “đầy đủ” tình cảm lắm. Tôi có chút tự tin mà nói rằng: ông là chủ, tôi là tớ, nhưng rất gần trong công việc, cũng như trong đời thường. Ông và cô ta, gặp nhau trong một lần đến chơi nơi trường cô dạy, là cô gáo dạy môn gì tự nhiên đó. Cô ta rất am hiểu về môn sinh học. “Hai tâm hồn” gặp nhau, hun đúc “mộng” đưa cây trà dân dã thành…

-Còn tình cảm, nếu … thì quá đẹp, phải không anh?

-Ở nơi khỉ ho, cò gáy này, thế mà oái oăm thật: hai người, cùng đi, cùng sống và cùng đam mê… nhưng cái quan trọng là tâm hồn đồng điệu, theo thời gian, dần dần, không gặp được nhau. Khi có người thứ ba xuất hiện, như người đời hay đùa là giọt nước tràn ly! Câu chuyện, hơi phảng phất “nửa chừng xuân”, làm ông không vui?

“Con người nông dân này tinh ý thật. Mà người thứ ba đó, giống như cánh chim trời, liệng qua rồi bay đi thôi. Nhưng dù sao, mình cũng có lỗi một phần cơ mà!”. Tôn cố gắng không để lộ cảm xúc:

-Anh Núi ơi, chuyện về cây trà mà các anh đang làm, rất thú vị. Nhưng hiểu biết của tôi ít quá; chắc là không giúp được gì.

-Biết đâu chữ “ngờ”.

Mãi tới gần hết buổi chiều, anh Núi mới lên gặp ông Mậu. Ông ta muốn hiểu sâu hơn chút nữa về Tôn để tính cho những dự định sắp đến: con người này có bù được những chỗ khuyết mà mình đang cần?

-Núi ơi, anh cho tôi biết ý anh, không nên kéo dài…

-Một con người không khó hiểu, dù ít bộc lộ; có thể giúp chúng ta…  ở những công việc không trực tiếp.

-Là thế nào?

-Là “rất tâm huyết” làm với chúng ta, dù chưa phải trực tiếp với cây trà.

-Để tôi suy nghĩ thêm. Vẻ bề ngoài, tôi phần nào hình dung ra con người này; nhưng chiều sâu, thật tình, tôi chưa thể hình dung được gì nhiều.


///---///--- Hết bài thứ 29

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét