Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 28

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 28

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - BÀI 28


Dần dần anh cũng cảm nhận được dù không thật rõ nét: Nguy hiểm ư? Không đến nỗi, nhưng cũng chưa phải có hy vọng, những ngày sắp tới sẽ “dễ chịu”. Anh trở lại nếp sống, luôn luôn tự đặt mình vào khuôn phép, tiết kiệm thời gian. Anh xem lại, những gì có trong phòng, anh đọc. Khi đọc nhanh, khi đọc chậm. Hóa ra, trong những thứ “tào lao”, ‘’ vô bổ’’, anh cũng tìm được chút chút, để an ủi với “thời gian” chết mà anh day dứt, xót xa.

Bữa trưa, Luyến mang cơm vào muộn, nhìn bóng nắng ngoài sân, anh phỏng đoán, gần một giờ chiều rồi. Anh ngầm chú ý: Luyến vẫn làm từ tốn, cử chỉ nhẹ nhàng. Sắp cơm ra, chị xới vào bát cho anh, bỏ thêm thức ăn, rồi ngồi thong thả, hai tay tựa lên cằm, nhìn anh ăn. Xong bát cơm đầu tiên, Luyến đứng lên, đi về phía góc, quay lưng lại, gắp miếng trứng luộc ở quả trứng được cắt làm tư; đút vào miệng anh, rồi nhanh chóng bước ra khỏi phòng. Anh nhìn theo, ngắm mải mê bóng người con gái, tà áo trắng bó sát người, mặc dù chị đã đi rất xa rồi, và có thể không bao giờ còn gặp lại! Người đàn ông ngồi phía sau tấm màn, nhìn rất rõ; ông ta thất vọng, rồi ông ta hy vọng… Ông ta đang tìm một người, đi cùng ông…

 

Sao cái hiện tại đang bày ra trước mắt, làm ông cứ chập chờn những “cảnh đời” quá vãng: Ông nội là người có vị trí ở chốn quan trường. Nhưng gặp thời những kẻ xu nịnh, giảo hoạt, khuynh loát… chi phối; người trung thực, liêm sỉ… không thể sống luồn cúi; như người đời từng lên tiếng: “Nhân dục thắng, chân lý vong”. Ông nội bị trúng thuốc độc. Tiên liệu được hoàn cảnh, trước đó, ông đã giao cho cô em gái, đổi tên họ, đưa cha ông về một miền quê. Nhờ tấm lòng người cô ruột, cha ông được học hành, trở thành con người có ý chí, lấy được vợ là con gái của ông thầy thuốc bắc nổi tiếng. Họ có hai người con trai, khôi ngô, tuấn tú - gia đình nhỏ ấy, là niềm tin của dòng họ. Một lần nữa, “họa vô đơn chí”, cha anh - con người tài năng, thức thời - bị bắt, bị thủ tiêu, mất tích. Một ngôi làng yên ả, con sông hiền hòa. Nơi ấy, người mẹ hai con đó, sắc đẹp ngày càng mặn nồng, tuổi xuân trỗi dậy hừng hực, sức sống căng như sợi dây đàn.

Anh con trai đầu, gởi đi học xa. Hè về. Chỉ mới mấy năm thôi, anh không hiểu được những gì đã xẩy ra trên quê hương, với gia đình anh? Đến thăm mẹ: Bà bồng trên tay là đứa bé, mới mấy tháng tuổi. Mẹ ơi! Mẹ không còn là người đàn bà ngày trước, cuộc đời mẹ tàn tạ thế này ư? Đó là người vợ lẽ thứ ba của ông già thợ may - đầu hói, răng rụng; bộ áo quần sợi bông hàng tháng không giặt, như con bù nhìn, cắm trên chiếc sào ngoài bãi đậu tương - ở gần bến sông mà hằng ngày mẹ đi ngang qua gánh nước. Nhìn mẹ, lòng chua xót. Sau này, khi đã có ít hiểu biết, dù là đơn giản nhất, mới thấm thía được phần nào cái “bi” cuộc đời mẹ. Cuộc “hôn nhân” này không có mùi vị của tình yêu, có chăng, chỉ là xúc cảm nhất thời giữa đàn ông và đàn bà. Ở vào hoàn cảnh, không có người đàn ông nào vì giữa cái làng không còn trai tráng ở quê, từ “lí trí” khô cứng, đến trái tim rỉ máu: thương mẹ, nhớ cha, chua xót cho dòng họ - Lê Mậu - cái dấu ấn tự hào của quê hương, xứ sở một thời; như lưỡi dao cứa vào tâm hồn trong sáng của đứa con côi cút!

 Mậu bước lên con đường - lòng tự dặn lòng: “Nợ máu, phải trả bằng máu”; “Hận thù phải trả bằng hận thù” - phía trước chưa có ánh sáng, dưới chân toàn bùn lầy và chông gai. Khi cuộc sống chạm tới giới hạn éo le và chông chênh - “Nhổ neo rồi, thuyền ơi xin mặc sóng/ Xô về Đông hay dạt tới phương Đoài” (V.H.C); con người muốn sống, phải tìm cho mình điểm tựa: Ông ngoại làm công việc “trị bệnh, cứu người”. Như vậy, phải yêu con người ở “cấp độ” nào, cuộc sống đời thường ra sao, mới để lại cho người dân khắp xứ sở niềm tin yêu, ngưỡng mộ. Hồi còn nhỏ, bầu trời oi bức, ông nhớ như in: hai người đàn bà lem luốc, khiêng chiếc võng rách nát với một ông già tóc bạc trắng, nằm bất động, đến nhà. Ông ngoại từ nhà trên bước nhanh ra cửa, đón vào nằm trên tấm ghế gõ. Ông cầm tay phải, vén áo lên, nhẹ nhàng đặt hai ngón tay cái vào cổ tay ông già. Mặt ông ngoại đăm chiêu. Một phút, hai phút… năm phút sau, ông ngẩng lên, nét mặt giảm bớt căng thẳng:

-Thời khí không tốt, gặp phải lúc thể trạng cụ yếu, cụ bị sang chấn… Người nhà đừng quá lo lắng.

Ông đứng lên, đến bên ngăn kéo, lấy bọc thuốc đã gói sẵn, dặn về sắc làm ba lần cho ông uống, nhớ ăn, ngủ bình thường; cần kiêng thịt mỡ mà thôi.

Người nhà móc túi lấy tiền trả, ông xua tay:

-Tôi biếu cụ.

Chính điểm tựa đó, mà dần dần cái thiện trong người Mậu lớn dần lên. Nhưng thật không dễ. Vì bị ám ảnh về những cái chết của người ruột thịt quá sâu đậm, gieo vào cuộc sống đầu đời của Mậu, làm sao mà dễ dàng phai nhạt!

Từ nhỏ, Mậu thích chăm sóc cây, hoa; một phần do cuộc đời xô đẩy, anh dạt tới miền trung du. Đi làm thuê cho một gia đình trồng trà. Ba năm sau, vốn am hiểu về cây trà tới độ chín, người chủ trao cho anh cơ hội: thay gia đình ông ta, sản xuất loại trà mà cả đời cha, con ông nung nấu. Thế là Mậu vào cuộc; dồn toàn bộ tâm trí: tìm vùng đất - thổ nhưỡng thích hợp - dời cơ sở, tuyển chọn người. Có hai loại, hàng ngày anh phải lưu tâm: vòng trong, khâu bảo đảm “danh tiếng” cũng là “hồn cốt” cái mà nơi anh làm ra - chỉ vài người thôi. Họ cùng anh đang đi trên một chiếc bè. Và vòng ngoài, khoảng mười người. “Lớp thứ nhất” dăm ba người, vừa lao động, vừa giữ gìn cuộc sống bình yên cho mọi người. “Lớp thứ hai”, gồm một số tay “anh chị” mà trước kia, anh và họ cùng hội, cùng thuyền, “nuôi dưỡng” cho tương lai, hẹn một ngày nào đó, khi chín muồi, sẽ “đào quá khứ” lên để… Nghĩ lại, thấy chuyện đó “ma quỉ” quá, nóng đầu “sự trả thù” nguôi dần, anh dùng họ trấn giữ cho sự bình an. Tôn “bị bắt” là một chuyện tình cờ.


///---///--- Hết bài thứ 28

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét