Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 31

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - BÀI 31

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - BÀI 31


Như đã gợi ý từ mấy hôm trước, hôm nay Tôn dành cả ngày trao đổi với Núi, xây lò có đường dẫn nhiệt chìm, dùng hơi nóng để sấy. Như thế, dụng cụ sấy phải chế tạo theo hình cầu, đặt trên bánh xe lăn. Lò thì tương đối không đến nỗi phức tạp. Nhưng để làm như ý kiến Tôn đòi hỏi thợ có nghề; mà ở đây, tìm ở đâu? Khi nghe được chuyện mà Tôn gợi ý, ông Mậu bảo rằng, những cái phức tạp này chưa bao giờ ông nghĩ tới, nhưng quyết tâm phải làm. Tâm trạng Núi ngổn ngang, nặng nề: không phải chuyện ống dẫn nhiệt, lò quay - trong thâm tâm, dù sẽ gặp những vướng mắc trong lúc bắt tay thực hiện, thì cứ giữ anh ta lại chỉ vài tuần thôi, cũng không quá muộn - mình không đa nghi đến nỗi… Câu hỏi lại bật ra: Con người này… ăn cùng nhau, ở cùng nhau, làm cùng nhau - rất tâm đắc nữa là đằng khác - nhưng mình không biết gì về anh ta cả. Anh ta giúp đỡ cho công việc thật đáng ghi nhận tấm lòng đó, nhưng phía sau con người “thực” này là ai? Cái “hậu họa” mà anh ta sẽ mang đến, không thể lường trước được!

Cầm trong tay tờ giấy và cây bút chì, Tôn nói với Biển, anh ta cần yên tĩnh, đi ra góc vườn phía xa, ngồi một mình. Chiếc lò, bánh xe, khung đỡ; anh vẽ rất nhanh. Nhưng đường dẫn nhiệt chìm, mấy đường - hai đường hay ba đường - vào đến đáy lò, dòng nhiệt phân tán ra làm sao, rồi tập trung vào đáy bình sấy, làm tăng sức nóng?

Vì cái đường ống dẫn nhiệt làm cho Tôn thẫn thờ, không muốn tiếp xúc với ai cả. Anh lại càng không ưa những việc làm nửa vời.

Cái hiện tượng bất thường đó bay đến tai ông Mậu. Ban đầu mới nghe, ông gạt đi. Những lần nghe tiếp theo, ông để ý; không muốn gặp trực tiếp, đứng thật xa để “nhìn” cho rõ. Cuối cùng, ông quyết rất nhanh: “Được!”.

Buổi chiều, trời nắng, Núi và Biển, ra bến, bơi thuyền đi câu. Biển có nghề, chỉ chốc lát, con cá chép khá to, cắn mồi. Hai anh em hớn hở, chèo thuyền về sớm.

Nhờ các chị nhà bếp giúp, nồi cháo cá được Biển bưng lên, thơm nức mùi vị hương đồng. Núi gắp con cá ra dĩa, phẽ miếng nạc đầu tiên, bỏ vào bát của Tôn:

-Rất tiếc, ông Mậu đi vắng nên không ngồi chung với chúng ta hôm nay. Đã mấy tháng rồi, có ông giúp, không nhiều thì ít, tận đáy lòng, tôi không biết nói lời nào cho phải… Anh em chúng tôi không bao giờ quên những ngày ông lưu lại ở đây. À, mà ông quê tận đâu, tôi gần ông thế mà ít nghe ông kể về gia đình, quê hương gì cả?

-Hai anh ạ. Cuộc sống của tôi lang thang, lưu lạc từ bé. Tôi cũng không nhớ…

Tôn ngừng lại giữa chừng. Một phút xúc động thực sự. Những ngày ở đây, ban đầu có làm anh e ngại. Nhưng càng về sau, anh cảm thấy dễ chịu. Chính những giây phút này đây, cái “tình người” làm anh nhớ mãi! Rồi Tôn tiếp:

-Thuận Biều. Đó là làng, là xã, hay tên một cái đình hay ngôi chùa, thì tôi không biết. Nhưng, bằng mọi giá, tôi phải tìm về; chưa thể định liệu được chính xác; có thể một năm, năm năm hay mười năm, hai mươi năm, chưa biết chừng.

-Anh Núi ơi, mời ăn đi chứ. Cháo nguội hết rồi!

Tối đó, Núi vào chỗ ngủ của Tôn, hai tay nắm chặt tay Tôn. Có đến mấy phút nặng nề trôi qua, anh ta mới mở lời được:

-Tôi biết, thế nào giờ phút này cũng phải đến, “cánh chim bằng còn phải bay tiếp”. Anh tính bao giờ…

Tôn bật ra câu trả lời, không cần đến một phần mười giây suy tính – “nông dân cù mì mà rất văn chương!”:

-Sáng sớm mai!

Lưỡng lự chốc lát, Núi nói tiếp:

-Ông Mậu biếu ông món tiền để chi tiêu. Tôi đã chuẩn bị ít đồ dùng.

 Núi trao chiếc túi vải, đựng bộ áo quần và 15 đ xếp trong tờ giấy.

Tôn từ tốn mở túi xem. Ban đầu, dù sao tình cảm giữa người với người, làm Tôn hơi bịn rịn, nhưng chỉ mấy phút thôi, như có không khí lạ nào, thổi tới, lòng anh hớn hở, thầm cám ơn ông trời: Ra đi đúng lúc!

-Tôi nhận áo quần. Tiền, tôi xin lấy 7 đ. Người ta nói: Kị (giỗ) ăn hết, Tết ăn nửa.

Khi Núi đứng lên, sắp bước ra cửa, Tôn cầm tập giấy mà mấy hôm nay, anh lao tâm khổ tứ… đặt trân trọng vào tay Núi. Anh ta cầm tập giấy, tay run run; lòng dạ ngổn ngang, nói mấy lời vô thức, rất khẽ:

-Tôi muốn tặng ông món quà.

-?

Anh ta cầm tay Tôn dắt đi, đến trước cửa phòng đóng kín, mở ra. Căn phòng nhỏ, xinh xắn. Trên vách, liếp tre đan, treo chiếc gương soi hình trái tim; tấm hình cắt ở tờ báo: đỉnh núi, mây phủ trắng; sông, mênh mông nước; một con người – hình như con trai –  quay lưng. Giường nằm, bằng gỗ, có chiếc gối màu tím nhạt, bên cạnh là chồng áo xếp gọn gàng:

-Đây là phòng ở của chị Luyến, rất hạn chế người ra vào. Không có đồ đạc gì đáng giá!

-Anh có thể tặng tôi một chiếc áo, cũ thì càng tốt!

Lặng đi một lát, Núi xích gần lại chỗ Tôn:

-Cũng được!

Sáng sớm hôm sau, như đã dặn trước: cô Vệ - người giúp việc, được Núi tin cẩn - ra ngoài đường cái, trông chừng. Núi ngồi ở bàn uống nước từ sáng sớm, chờ Tôn. Con gà trống, những ngày còn ở trong phòng một mình, cất tiếng gáy. Thật kỳ lạ. Vẫn con gà đó, tiếng gáy vút cao lên rồi hạ dần, như gợi vào lòng người ra đi một nỗi u hoài chăng? Tôn đã ngủ một đêm thật dễ chịu, đứng dậy, vươn vai, chỉ vài phút vệ sinh cá nhân; anh mở cửa bước ra. Núi tiến đến:

-Xem lại có còn quên gì không?

Tôn định nói một câu vừa “mật ngọt” vừa “tiêu ớt” một chút, nhưng không. Anh cười:

-Chia ly. Bao giờ cũng thế, kẻ ở, người đi; cũng có một chút bùi ngùi. Mà với tôi, chính giây phút này thì lại vui. Anh chuyển lời chia tay của tôi tới ông Mậu là rất tiếc, không còn dịp gặp lại!

Tôn xách túi bước đi thong thả, để lại Núi phía sau. Biển đi theo, tiễn một doạn. Ra xa khỏi khu vườn, Tôn xoay lại, đưa tay lên, rồi khuyên Biển quay về, đừng làm mình bịn rịn. Cậu ta đi theo một đoạn nữa, rồi dừng lại. Tôn sờ vào túi, rút tờ 1đ, đặt vào tay Biển rồi bóp chặt.

-Nhiều quá. Con không dám… Bây giờ ông đi đâu, bao giờ quay về thăm lại?

Bộ mặt rất trẻ con, thế mà nổi lên những vết hằn trên vừng trán ngây thơ.

-Bé ơi, đừng lo. Phía trước đó, có con đường rất rộng. Bé thấy chưa?

Núi đứng im, nhìn theo cho đến khi hai người xa dần, mất hút, không do dự, gõ cửa, bước vào phòng ông Mậu. Ông ta mải mê, nhìn ra phía cổng, trong tay đang cầm tập giấy, ghi ghi chép chép những ngày vừa qua. Núi đến ngồi cạnh, hơi chếch phía đối diện. Im lặng. Một lát sau, anh ta đặt tập bản vẽ lên bàn ông Mậu.

-Anh ta đi rồi, anh Núi có định làm không, có gì khó khăn, chúng ta cùng trao đổi. Tôi sẽ đọc. Dù sao, cũng còn lại những điều để chúng ta suy nghĩ. Mà cái gì chẳng thế - vạn sự khởi đầu nan.

Núi đột ngột đứng dậy:

-Sáng nay tôi qua bên đồi xem lại mấy luống cây mới trồng hôm trước, bón phân ủ dạo đó có kết quả không.

-Nếu sức khỏe có gì thì cứ nghỉ vài hôm, không sao cả!

Ông Mậu ngồi lặng im. Một phút. Hai phút. Rồi năm phút trôi qua. Ông đọc chầm chậm những điều mà Tôn ghi lại. Cuối cùng, như làn gió mát, làm ông suy ngẫm và tâm đắc: Phải xây dựng cho được nơi đây trở thành Thủ phủ Trà Mậu! Ông ôm mấy tờ giấy vào lòng, cảm giác như nhận được bức thư tình đầu tiên vậy !

 

Chỉ giây lát ngắn ngủi hơi se lòng khi chia tay cậu bé - con người mà - Tôn bước đi trong không gian ban mai sáng sủa. Trên đoạn đường ngắn, gặp ngã ba, cạnh đó có hòn đá, dưới tán cây, Tôn ngồi, im lặng, một lúc sau, anh mở túi đồ, cầm chiếc áo lên ngắm: vải mộc, mấy đường may bằng tay, sợi chỉ móc khuy áo… để lại vài nét hình bóng người con gái. Mùi vải khô khốc. Nhìn lên bầu trời - là thói quen hay ý chí thường trực, mỗi khi gặp những va vấp - bất giác anh nhớ tới một đoạn văn mà anh đã đọc từ đâu đó: “Cái gì khiến anh bỏ nó để tới nơi anh chưa từng đến, nơi anh không hề biết, ném mình vào mung lung? Con đường phiêu lãng vô định ấy rồi dẫn anh tới đâu? Nó cho anh những gì?” (V.T.H.). Không. Với ta, không mung lung; càng không phải “con đường phiêu lãng vô định”… 

 

Khi trời sáng tỏ, cô Vệ, với nét mặt không vui, từ ngõ bước vào:

-Em không gặp, chắc là đi hướng khác.

-Thôi. Mọi chuyện cho qua hết!


///---///--- Hết bài thứ 31

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét