Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN II - BÀI 17

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN II - BÀI 17

 
VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN II - BÀI 17

Hàng ngày, hai người ngồi ở hai chiếc bàn nhỏ, đặt cạnh nhau. Tôn dùng cây dao ngắn, khắc lên chiếc bình vừa mới định hình: khi thì con chim nhỏ, lúc thì chiếc lá tre đơn sơ. Chuyện khắc hình dần dần làm được những lọ, những bình có nét sắc, đẹp; thì họ chuyển sang vẽ màu lên sản phẩm. Hàng ra lò, khách đến chở hết.

Thời gian trống, Tôn tranh thủ ra bên ngoài. Phải tìm đất, cất nhà… Về đây, có thể làm mộc, làm gốm; Gái phải đi học, làm cô giáo… Một cuộc sống căn cơ hơn? Có những buổi, theo người đi chở đất, anh đi sâu vào những làng người dân tộc, thọc sâu vào các con suối, xem gỗ còn tìm được không? Đến lúc quay về, thì đến hẹn; tối nay Pha bắt đầu học. Pha cầm cuốn sách toán, Tôn không ngạc nhiên vì cùng làm việc, những lúc nói chuyện, biết Pha đã từng theo lớp, nhưng không được liên tục. Tôn gợi ý: “Ôn lại kiến thức cũ, lướt nhanh; từng bước vào sâu phần đại số”. Thời gian ngắn, Pha đã học xong phần đại số và lượng giác. Hai người đều bất ngờ. Pha thổ lộ:

-Một thời gian quá dài, tôi “quên” mất chuyện học. Thấy anh và Phò học, tôi như sực tỉnh. Mà cũng phải thôi: Sao lại để cuộc sống trôi chầm chậm thế này mãi được?

 

Sáng nay Pha bưng bình gốm pha trà, đặt trước mặt, định vẽ trang trí mấy cành hoa. Chiếc bình thon, cao… có dáng tác phẩm nghệ thuật, dự định làm quà tặng cụ Đồng bên làng Phùng. Ngồi ngắm mải, vẫn không cầm bút tẩm mực để vẽ. Có gì bất an? Không. Buồn? Cũng không. Lạ thật. Cái cảm giác này, chưa bao giờ đến với Pha cả. Hôm qua Tôn xin phép về Bình Giang để gặp một người, như lời dặn mấy tháng trước. Tôn đi rồi, để lại một khoảng trống. Khoảng trống gì cơ chứ? Rồi Pha cắm sâu vào những suy nghĩ mà lâu nay chưa có dịp… Tôn là ai? Phò dẫn về, đơn giản. Nhận vào làm việc, đơn giản. Sống có chừng mực, không khép kín, nhưng cũng không quá cởi mở? Là người có học? Quê hương, gia đình… một người mà mình không hiểu rõ tung tích?

Giao hàng xong, Phò vào gặp Pha

-Xong hai chuyến, họ trả hết gần hai chục. Lâu lắm, hôm nay mới được như thế.

Tưởng Pha sẽ rất vui, nhưng vẫn ngồi im.

-Anh bệnh?

-Không.

-Có chuyện gì mới xảy ra?

-Chú có biết Tôn là người thế nào mà đem về ở với chúng mình?

-Rất tình cờ thôi… Chỉ ít thời gian về cùng hôm đó.

- Nhưng tôi thấy anh ta ở với bọn mình không phải kiếm kế sinh nhai. Biết thêm gì về anh ta, chú cứ nói cho anh nghe.

-Sau những buổi học, để giải trí, anh ta hay kể chuyện. Những chuyện đó, có ngụ ý gì sâu xa, thì…

-Chú cứ kể lại xem.

-Người dân tộc trên vùng thượng du có nghề làm nhẫn bạc cho các đôi trai gái sắp lấy chồng độc đáo lắm: họ dùng sáp ong, làm khuôn. Sáp nấu chảy, được đổ vào khuôn hình ống; ở giữa cắm cọc gỗ, đường kính cỡ bằng ngón tay. Nấu chảy bạc, đổ vào khuôn. Qua một vài công đoạn nữa, đem những vòng bạc gia công thành những chiếc nhẫn rất tinh xảo.

-Sao anh ta biết chuyện đó?

-Là do thời gian đi theo xe thổ mộ, nghe những người đàn ông đi buôn chuyến kể lại.

-Anh ta cũng biết những chuyện về lịch sử: Trần Quang Diệu là tướng Tây Sơn. Khi quân ông ta bao vây thành Quy Nhơn, Võ Tánh là tướng Gia Long, giữ không được thành, bèn nói với Trần Quang Diệu, ông ta sẽ tuẫn tiết; nhưng đừng giết những người đã từng đứng trong hàng ngũ của ông ta. Trần Quang Diệu đã hành động như người quân tử. Sau này, Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân – cũng là một dũng tướng phi thường, bị Gia Long bắt, rồi giết; còn tàn phá mộ của cả hai vợ chồng.

-Anh ta kể chuyện này cho chú nghe, có ẩn ý gì? 

 

Nhờ gặp thuận lợi phương tiện di chuyển, chỉ mất gần một ngày, Tôn đã về đến  Bình Giang. Ngoài cái túi bạc màu như thường lệ, Tôn còn xách theo nải chuối ngự mua khi ghé vào chợ. Nhìn qua cánh đồng, trông về phía làng, có cảnh tượng khác lạ: lá phướn treo cao trên ngọn tre. Tiếng trống, tiếng kèn, chốc chốc lại vang lên. Tôn đi như chạy, tách đường cái, nhảy vào đường làng, gặp người đàn bà lớn tuổi, tay xách hương đèn, hoa quả:

-Bác ơi, ở làng có đám tang?

-Ông Trùm, sư phụ của xưởng mộc, mất đột ngột tối qua.

-Bác. Bây giờ ra chợ xa quá, bác để lại cho nén hương.

-Anh cầm lấy một thẻ. Ta cùng vào viếng, “nghĩa tử là…”.

Ở giữa sân người rất đông. Bà viếng xong bước ra thì Tôn vào. Anh để chuối, nhang lên chỗ đặt lư hương rồi thắp hương. Anh vái, quì lạy… như một Phật tử, dù chưa một lần bước chân vào chùa. Tôn bước ra khỏi chiếc chiếu, một người đàn ông, tách từ chỗ đứng những người thân của gia đình, ôm chặt vào người. Hai người cùng khóc:

-Cụ có nhắc chú mấy lần, nhưng nghĩ là chú không trở lại nữa!

-Anh cho người đưa tôi đến nơi cụ sẽ an nghỉ để giúp một tay.

Với chiếc nón lá, tay cầm cuốc, trời thì nắng, Tôn cùng với những người bà con hì hục đào đất suốt cả ngày…

Sau ngày mở cửa mả, Đạo muốn giữ Tôn ở lại làm cho xưởng, nhưng Tôn cảm ơn tấm lòng gia đình. Anh bảo công việc đang chờ phía trước, không làm không được! Hai người cứ cầm tay nhau, đi đến mấy cây số, từ nhà ra mộ cụ, không hề nói một lời. Thắp hương xong, đứng đối diện, Tôn tiến đến, một hành động rất bất ngờ, húc đầu vào ngực Đạo rồi xách chiếc túi quen thuộc, ra đi.


Leo lên được chiếc xe bò phiên chợ sớm, mặc cho không khí ồn ào của mấy người đi buôn, Tôn đang đeo đuổi ý nghĩ cứ ám ảnh là làm sao tạo được loại men, có màu sắc, có độ bóng… không lẫn với bất cứ loại gốm nào khác. Phải về nhanh lên. Xe chạy trên bốn bánh cao su, đường đi ngược lên khá tốt. Trong lòng vui vui như cậu học trò xa quê về nghỉ hè. Vượt qua đoạn đường khá dài, khách xuống dọc đường gần hết. Tôn quan sát, không cần theo đường cũ, mà qua sông ở đoạn này thôi. Mùa nước cạn, Tôn dễ dàng lội cùng với mấy đứa trẻ chăn trâu. Cuốc bộ thêm vài cây số nữa thì nhìn thấy xa xa phía trước, mấy nếp nhà che tạm; nơi đó anh đã sống những ngày đáng nhớ.

Bước vào căn lán nhỏ, mấy người đang nhào đất, chạy ra. Họ vây lấy anh.

-Sao vắng người thế?

-Anh Pha và anh Phò phải vào chợ mua củi sớm.

-Các em tiếp tục làm đi. Một chút quà của người đi xa về.

Tôn vào chỗ ngủ, nơi đây quá ư quen thuộc. Anh đang tần ngần. Sau vài giây trấn tĩnh, đầu óc Tôn ập đến một suy nghĩ dứt khoát: Về! Anh lấy giấy viết mấy dòng, nhét thêm hai đồng bạc, gấp lại; để trên bàn của Pha. Quay ra chào mọi người, rồi anh xách túi ra đi.   


///---///--- Hết bài 17

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét