VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 40
Bến xe rộng, chỉ vài chiếc xe hàng đang đậu.
Anh lên chiếc xe hãng Quảng Thành. Khách đã ngồi gần kín chỗ. Lát sau, người
đàn bà đứng dậy, đi thu tiền. Khách rất nhiều hạng người: có bà già áo nâu
sồng, có bà áo dài xa tanh, nhiều cô cậu học trò áo trắng, quần xanh… Xe bắt
đầu chạy. Tôn cảm nhận được, ở đây núi rất gần với biển, rất khác với các vùng
mà anh đã đi qua. Xe bắt đầu leo lên dốc, chạy vào chiếc cầu. Nhìn xuống, dòng
sông sâu, nước chảy hiền hòa, gợi lên trong lòng anh một chút xao động. Nhớ
lại, có lần “ông già” tâm sự, nhân một chuyện hy hữu gì đó: như cảm giác một
người khi đang đọc quyển sách hay, cũng muốn đọc nhanh đến trang cuối, xem cái
kết cục ra sao; nhưng càng đọc càng thấy tiếc! Bỗng chốc, trước mặt xuất hiện
hai người đàn ông, áo quần màu vàng, đầu đội mũ vải, đưa cây gậy, báo cho xe
dừng. Khi xe đã đứng yên, cả hai người nhảy lên, bắt đầu lục soát. Đầu tiên, một
bà lớn tuổi, bị họ banh hết hai túi áo, tìm được đồng xu, liền lấy bỏ vào túi,
đến cô học trò, xáo hết cặp vở, không có tiền. Quay lại người đàn bà mặc áo
dài, ông ta định lục túi tiếp; thì bà đứng lên, không nói, nét mặt bừng bừng,
hai tay co lại. Để tránh những chuyện rắc rối, Tôn rời chỗ ngồi gần ghế cuối,
xáp đến, chìa ra đồng hai hào:
-Ông cầm lấy, để xe chạy. Tôi phải về cho kịp
giỗ mẹ, mong ông giúp!
Ông ta cầm tiền, quay qua kéo ông kia xuống
xe. Người lái xe bây giờ mới lên tiếng:
-Thỉnh thoảng bị “làm tiền” như thế. Thôi, đi
nhanh cho kịp. Xin cảm ơn ông khách!
Tôn trở về chỗ ngồi, đầu óc bắt đầu suy tính
quãng đường còn lại, tất cả là những ký ức lờ mờ. Xe lại dừng đột ngột. Người
lái xe bước xuống, lên mở nắp đầu xe. Ông ta loay hoay một lúc, Tôn không yên
tâm bước tới đứng nhìn, muốn đến phụ giúp. Nhưng xét lại, mình chả biết gì về
xe, cộ. Cho đến khi lưng áo người lái xe ướt đẫm mồ hôi mà máy vẫn không khởi
động được, khách trên xe tràn xuống đường, bắt đầu than phiền; Tôn bước tới nói
nhỏ với ông ta rồi xách túi ra đi.
Trước mắt, con đường Số Một băng qua vùng đất
với cảnh sắc khác lạ: hai bên đường là những đụn cát thâm thấp, cỏ mọc từng bụi
lưa thưa, màu trắng. Nhìn ra phía xa, những hàng tre chạy dài, chỉ thấp thoáng
vài ba ngôi nhà tranh thưa thớt. Gió mang theo hơi nóng từ phía tây, không khí
khô rát, thổi về. Đi chừng vài cây số, hiện lên trước mắt Tôn là một “bình
nguyên” cát mênh mông, chỉ điểm chấm phá vài ba cây thông ít lá, nhô cao. Nhớ
lại, ai đã từng đọc cho anh nghe: “Thương em, anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà
Hồ… ”. Đấy là nơi anh đang đứng. Quê hương đang gần kề! Nhưng anh không hình
dung được gì hết, không có dấu ấn nào rõ ràng cả! Rời đường nhựa, anh băng qua
những gò cát dài, vượt qua đường sắt. Đường sắt vào đến đây, nằm giữa hai bên
dành cho người đi bộ; mặt đường cao hẳn lên như con đê chạy dài. Cứ thế, Tôn đi
tiếp; đến khi nhìn phía trước chiếc cầu sắt lù lù xuất hiện, có con đường chính
băng qua đường sắt, anh bắt đầu rẽ xuống, vào đường làng, hai hàng tre cao vút,
che bóng mát. Những ổ chim rộôc rộôc treo trên những ngọn tre, giống như những
quả bầu đu đưa trong gió. Cạnh bên đường, nghe tiếng giục “tắc, vầy”, một lão
nông đang cày trên đám đất với con bò vàng, xới lên những luống hàng thẳng tắp;
nghe vui tai, Tôn ghé vào. Ông ta dừng tay, lấy nước; hai người cùng uống.
-Anh giáo ở xa đến?
-Dạ. Thưa bác, nghe nói làng mình ngày trước
có ông Xạ - Lí trưởng - gọi là Khã, làm được một số việc cho dân, chuyện đó có
đúng hay tin đồn?
-Muốn biết ngọn nguồn, anh đi lên xóm giữa, hỏi
nhà bà Lành.
Tôn chào ông lão, đi mà như có ai đó dẫn dắt,
tự nhiên lòng nhẹ nhàng, không băn khoăn vướng bận điều gì cả. Từ ngoài đường
cái, đã nhìn thấy ngôi nhà ở trong vườn cây trái sum sê, hàng rào bao quanh là
dãy cây chè tàu xanh tươi, mấy cây cau giữa vườn đang trổ bông. Bước tới gần
cổng, sân rộng lót gạch màu hồng nhạt, không thấy người; anh đẩy nhẹ cánh cửa
khép hờ, đi trên lối hẹp dẫn vào sân. Từ thềm nhà trên, cao hơn mặt sân; con
chó vá - màu lốm đốm đen trắng - sủa ba tiếng, với tư thế dõng dạc, chuẩn bị
phóng ra, thì từ bếp, có tiếng gọi:
-Tô, nằm yên!
Bà cụ tóc trắng, đầu quấn chiếc khăn vải thâm,
bước ra giữa sân, tay bà đập nhè nhẹ lên đầu con chó đứng bên cạnh, nheo mắt
nhìn:
-Chú tìm ai hay hỏi con Thạch?
-Thưa bác, bác cho cháu nghỉ chân một lúc!
-Thế thì vào nhà đi.
Tôn chậm rãi đi vào sân, con chó theo sau,
ngửi ngửi chú ý tới khách lạ chạy vào nhà. Bà pha nước mời khách. Tôn bưng cốc
nước, ôm gọn vào lòng hai bàn tay, hơi ấm mùi chè, gợi nhớ về một chút êm đềm:
loại chè trồng ở vườn, hái từng lá, đem rửa nước sạch, vò nát rồi bỏ vào ấm.
Đun nước sôi, đổ vào; ủ lại rồi mới uống. Nhìn lên nhà trên, ngôi nhà rường, gỗ
mít sáng trưng; tự nhiên không gian này làm cho lòng Tôn cảm thấy nhẹ nhàng.
Thực tình, Thuận Biều trong lắng sâu tình cảm là điểm tựa cho anh trở về, nhưng
trong tâm trí, còn lại là những ký ức xa xôi, mơ hồ, bản thân anh chưa thể định
hình được!
-Làng Thuận Biều có rộng không hở bác?
-Bước qua khỏi đường sắt, làng bắt đầu từ đó,
kéo lên đến xóm Độông. Ruộng ít hơn so với làng phía dưới, một số nhà có vườn
rộng; trồng sắn, hấp trên nồi bắp bung, ngon lắm.
Bà bắt đầu ngắm người con trai ngồi trước mặt,
suy nghĩ, yên lặng. Nét mặt tươi vui ban nãy của bà chuyển dần sang tái xám,
rồi bật khóc:
-Cháu ơi! Cháu là thằng Cu…
-Cháu về quê để tìm họ hàng bà con.
Bà bước tới, hai tay siết chặt người Tôn, khóc
nấc lên từng tiếng. Hai hàng nước mắt Tôn cũng trào ra. Lắng lại một lúc, bà lau
nước mắt và bắt đầu kể:
-Những ngày đó, đau đớn lắm cháu ơi!
Hai tay bà buông ra, định thần lại, đầu óc
tỉnh táo, bà tự hỏi: “Có nhầm không hay là có “bề trên” giúp?”. Không! Bà đứng
dậy, kéo Tôn đi lên nhà trên, cầm thẻ hương châm lửa, nói rõ từng tiếng:
-Cháu thắp hương, khấn cho ông nội, bà nội và
mẹ cháu!
-… Dạo đó, o ra ngoài ga Minh Lệ thuốc thang
cho dượng - dượng học xong “yếu lược” đi giúp việc cho ông Trưởng ga, người bà
con - mới chỉ một thời gian ngắn thôi. Rồi người làng ra báo tin dữ, o chạy về,
ngôi nhà đổ sập, cột kèo chỏng chơ. Phía sau vườn, hoa màu cây cối tan hoang.
Quả bom chụp lên căn hầm trú ẩn, cả ba người thân đều xuống núp ở đó. Bà con,
chú bác trong họ, đi gom từng nắm tóc, mảnh xương, vài miếng áo quần… xếp vào
ba cái tiểu, đưa lên cồn đắp mộ.
Đầu óc Tôn nóng ran, trong lòng như có lửa
đốt. Với anh, súng đạn, chết chóc… anh đã từng nếm chịu. Nhưng cái tang lớn
này, mãi mãi đóng dấu vào tâm khảm của một con người khi trở về quê! Anh ngước
lên nhìn vào những chiếc bài vị viết chữ Hán, khói hương mỏng manh, uốn tròn,
bay lên. Ông nội dáng người cao gầy, thường mang đôi guốc gỗ; đi xa ông hay cầm
theo cây dù vải đen. Bà nội tuổi già khắc khổ, nhưng rất thương con cháu. Còn
mẹ, khi bốn bề súng đạn rền vang, nhà cháy rần rần ở đầu ngõ, giây phút cuối
cùng nhìn theo mẹ là hình ảnh người đàn bà, hai ông quần xăn lên cao, đặt vào
tay con chiếc áo vo tròn - dặn, cố chạy theo bà con trước, mẹ phải dẫn ông bà
đi sau… Chiến tranh khủng khiếp thật!
-Thôi, giờ nằm nghỉ để o đi nấu cơm.
Bà ra vườn hái quả mít non, nhặt mấy lá lốt
vào nấu canh. Cơm dọn ra trên chiếc bàn gỗ. Hai o, cháu bưng chén cơm, nhìn
nhau, nước mắt ứa ra; o đặt bát xuống:
-Một thời gian sau, vì có học lực, dượng được
lên làm quyền Trưởng ga, dành dụm hơn ba năm, gởi tiền về, o thuê thợ ngoài chợ
Do vào cất nhà. Cũng phải tới bốn, năm tháng mới xong. Chưa đầy năm, tai họa lại
ập đến, một đêm mùa đông, bom lại ném xuống sân ga, chặn quân tiếp tế vào Nam,
dượng bị thương, mất quá nhiều máu; o nhảy tàu ra đến, thì dượng đã đi rồi. Đêm
đó, o tìm đến bờ sông, nước sâu lắm, chỉ cần cho chân trượt xuống là xong: hết
buồn, hết đau; về bên kia gặp được dượng, cha mẹ, bà con… Cháu ơi, nước mắt làm
sao xoa dịu được những tang thương, mất mát hở cháu!
-Em Thạch đi đâu mà trưa rồi chưa thấy về?
-O sống một mình gần năm năm, lo hương khói,
trông nhà cửa. Nhưng sức khỏe ngày càng yếu đi. Nhân chuyến ra tu bổ mộ cho
dượng, vòng về dưới quê, thương người em gái út của dượng nghèo quá, chỉ một
mụn con mà không nuôi nổi, o đem về. Từ con bé sài đẹn, ốm quắt queo; nay là cô
gái tần tảo, giỏi giang, hàng ngày vào trong Choại, cùng với mấy người bạn,
nuôi bò, làm rẫy. Nhờ thế, cuộc sống hai bác, cháu đắp đổi qua ngày.
///---///--- Hết bài thứ 40
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét