VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 45
Sáng sớm, hàng chục năm rồi, hôm nay, vườn nhà bà, mới có người, tụ hội
đông đúc như thế. Ông Năm đi tới, đi lui, nói chuyện với các chị nhà bếp rồi
quay ra chỉ dẫn mấy cậu con trai chuẩn bị bàn ghế. Thầy bảo Tôn cầm chiếc ghế,
chọn góc khuất, ngồi chờ. Mọi công việc hệ trọng để thầy làm: Khi mấy người thợ
khiêng tấm bia đặt lên bệ đã đông rắn, thầy móc túi, lấy ra vật nho nhỏ, tròn
tròn, xoay xoay, ngắm ngắm, chỉ chỉ, dịch chuyển bia. Thầy dừng lại, đứng
thẳng, nhìn vào mặt bia, gật đầu, nở nụ cười:
-Đúng vị trí rồi, các cháu đảo hồ cho đều, gắn lại.
Thầy vào kéo Tôn ra, hai người đứng ngang nhau, nhìn thẳng:
Gần trăm năm trước, đây là nơi ở của Ông... Bà... / Con trai... Con gái... /
Con dâu... /Con rể... / Cháu nội... / Cháu ngoại.... Ngày...tháng...năm... Người
phụng lập...
Chị nhà bếp bưng ra mâm cúng, trên đó có con gà trống đã luột chín, hai
dĩa xôi, một dĩa heo rừng luộc, dĩa quả tươi, dĩa cau trầu, gói thuốc sợi. Thầy
thay bộ đồ lễ, châm hương, thắp nến. Rồi thầy đọc. Con người đó, một phần sống
với thế giới tâm linh: gọi hồn, đọc tên, tiếp theo là những câu, những chữ
không biết thầy lấy từ đâu ra; với giọng rè rè, ồ ồ, cao lên, hạ xuống, có khi
lại ngân nga đều đều, làm người ta tin là thầy đang trò chuyện với thế giới bên
kia. Ở vùng này, thầy là bạn của mọi nhà, có những điều, người ta muốn hỏi, cần
một lời khuyên. Cúng xong, thầy cho bưng mâm đặt vào bàn đã sắp sẵn giữa vườn,
lấy cặp chân gà, nhìn ngắm một lúc, quay
ra nói với Tôn:
-Nhìn hướng chỉ chân cái tốt, tôi cầu mong may mắn cho anh! Công việc
rất chỉn chu.
Thầy đến chào ông Năm và cùng Tôn bước ra đường. Hai người bước đều nhịp
song song, gần bờ sông. Tôn cầm tay thầy, nhưng cổ nghẹn lại. Biết anh muốn nói
thêm nữa, nhưng thầy cho anh biết để anh hiểu là cúng xong, không ăn uống, niềm
vui của người khác là niềm vui của mình, lòng nhẹ tênh, thầy ra về.
Ông Năm cầm cốc rượu đi dọc dãy bàn, người đã ngồi kín hết chỗ, trước
khi mời mọi người, nói mấy lời ngắn gọn:
-Hồi trước, có câu này - bác không thích - nhưng muốn nhắc lại là “Cháu
ngoại không đoái tới mồ”. Đây, cháu ngoại đi xa bao năm, bây giờ về dựng bia
cho ông bà ngoại. Lâu lắm rồi, nay bà con ta mới có cuộc vui này. Thay mặt cháu
Cu, tôi xin mời bà con!
-Gọi tên khác đi, ai lại giống như hồi con nít…
Chiều. Tôn cùng mấy đứa con trai vui tính ở lại giúp. Chỉ có Liên là
con gái, lại lớn tuổi nhất, nên giao cho quán xuyến công việc. Liên tìm chị nhà
bếp, lấy những món ăn chưa dùng, chuẩn bị nấu nồi cháo. Bàn ghế trả xong, mấy
đứa xúm vào dọn dẹp rác. Mặt trời nghiêng về bên làng Tả, Tôn bước ra ngoài
đường, nhìn qua bên sông; ngày trước ở đó có ngôi đền, mấy cây cổ thụ um tùm, lên
phía trên nữa là quán chợ chiều. Trong lòng cảm thấy bâng khuâng: nhớ ai, một
người con gái? Có. Nhìn vào vườn, hai hôm nay có tiếng người, vui lắm chứ? Tấm
bia, anh muốn níu kéo một thời, có một gia đình, không chỉ làng, xã; cả vùng
này, ai cũng biết tiếng bà Tổng. Quá khứ và hiện tại, sao nó như vật vô hình đè
nặng lên tâm tư. Mặt trời xuống thấp, gần khuất sau hàng tre; nước sông mùa này
cạn kiệt, bãi cát dồn lòng sông vào một dải hẹp; nhớ dạo hè - mấy chục năm rồi
mà - nhớ câu cậu viết, rồi bắt học thuộc lòng: “ Nắng đã xế về bên xứ bạn /
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy”. Nao nao nhớ, nao nao buồn!
Hai đứa ra bờ sông, biết anh đang nhìn xa xăm, liền chạy ra kéo vào.
Bóng đêm từ từ phủ lên vườn rộng. Anh lấy chiếc chiếu còn sót lại, trải ra; tất
cả theo anh ngồi vòng tròn.
-Ngày mai, anh lên đường, tìm đến một nơi xa lắm… Thôi, chuyện đó tạm
gác lại. Mấy ngày này, chúng ta cùng nhau làm, cùng nhau chơi. Anh không bao
giờ quên được. Anh đã đóng tạm mấy xếp giấy, mỗi em giữ một tập. Để làm gì? Tùy
các em: vẽ, học hay chơi “ca-rô”. Trong các em, Liên như người chị - tuổi hơn,
chỉ là một phần, cô bé này chu đáo - làm giúp anh. Anh để lại cho các em ít
tiền, Liên cất. Sau này, có điều kiện, ta góp thêm. Mỗi em, sắp lớn hết rồi,
đừng chơi bời lông bông nữa…
Cả sáu đứa ngồi im, không đùa, không cười, không khí tự nhiên trở nên
quá nghiêm trang!
-Muốn cắp vở đến trường, không dễ! Anh chưa có một ngày “đi học” thực
sự như bạn bè cùng trang lứa. Các em có nghe: “Nghèo thì hèn” không? À, Liên
ơi, múc cháo!
Năm đứa, đứa nào cũng húp sì sụp, riêng bé Nhỏ, bưng bát, hết nhìn
người này, tới người kia. Tôn đứng dậy, đến ngồi bên cạnh:
-Em muốn nói, cứ nói. Chả có gì phải sợ!
-Hèn là sao?
-Làng mình hồi xưa, có chuyện này: Có hai anh em ruột, cha mẹ mất sớm,
họ ở với nhau như “bát nước đầy”. Người anh vào núi đốt than đem về, mang tận
làng nghề dệt cói để bán. Ai không biết, khi nhìn một con người, không biết
thời gian, áo quần rách nát, chỉ thầy nụ cười trên khuôn mặt nhọ nhem. Đó là
con “người rừng”, không sai tí nào. Nhưng anh ta không bao giờ cảm thấy cực
khổ. Trái lại, niềm vui làm anh càng yêu cuộc sống hơn bao giờ hết, sá gì
nghèo, sá gì mồ côi! Vì sao? Vì anh ta làm được trọn vẹn lời dặn cuối cùng của
cha mẹ: “Nếu sau này cuộc sống khó khăn tận cùng đi nữa, thì con phải lo cho em
học hành… ” . Từ đứa bé sống cầu bơ, cầu bất; nhờ tiền kiếm được từ những hòn
than, người em chăm chỉ học sau mấy năm, thi đậu Pimaire. Phải biết là huyện
này ít người có cái bằng quý giá đó!
Một cậu lém lỉnh ngồi gần Liên, đưa tay:
-Đã mấy lần từ hôm gặp anh đến nay, anh hay nhắc chuyện học. Học để
biết đọc, biết viết, biết làm tính, còn gì nữa hở anh?
-Còn nhiều lắm chứ em! Mà phải tiếp câu chuyện đã.
-Nhưng niềm vui nào mà không có nỗi buồn hở em? Người con gái ông Lý
bên Tích Tường, một lần mua than về làm bánh. Hai người gặp nhau, biết nhau và
nên vợ nên chồng. Khi đã sống trong cùng một nhà, dần dà nếp sống của hai hoàn
cảnh khác nhau, bắt đầu bộc lộ - câu này, không biết đọc từ đâu hay nghe ai
nói, anh không còn nhớ - đại ý: “Suy nghĩ của người sống trong túp lều tranh,
khác với suy nghĩ của người sống trong cung điện”. Đã có vợ đẹp, danh giá;
nhưng người anh vẫn chăm chỉ đốt than. Một lần, khi vợ đi vắng, người anh lấy
số tiền giấu vợ đưa cho em đi tìm việc. Chị vợ quẩy gánh từ chợ về, biết
chuyện, chị ta tỏ ra là người vô tư, độ lượng. Chưa đầy năm ngày sau, một tối
mưa dầm, vì không chịu nổi lời cằn nhằn của chị dâu, người em ôm quần áo, ra
đi; người anh đưa tay lau nước mắt, không hề nói một lời. Đó là “cái gì” hở em?
Rồi họ nằm châu đầu vào nhau, chân duỗi thẳng ra tám hướng, giống như
bông hoa. Liên thùy mị, ít lời, ngồi dậy, nêu bức xúc:
-Bọn em đang mong, anh tiếp tục!
-Lấy câu chuyện cụ thể: Chờ một lúc nhé, anh đi ra vườn hái ba quả vả, to gần bằng nhau. Chọn
hai quả giống nhau về độ
lớn. Quả thứ nhất giữ nguyên, quả thứ hai, anh dùng dao khoét một lỗ nhỏ, cắt
từng miếng quả thứ ba, nhét vào đầy ruột quả thứ hai, rồi dùng mũ mít dán kín
lỗ vừa khoét. Anh nhờ Liên lấy chiếc cốc và nước. Anh gọi các em lại: Chú ý
nhé. Anh đổ đầy nước vào cốc, dìm quả thứ nhất xuống gần đáy cốc, nước trào ra.
Lấy quả vả ra, dùng thước đo chiều cao nước còn lại trong cốc. Cũng làm tương
tự như quả thứ hai, chiều cao số nước còn lại xấp xỉ như nhau. Sau đó, anh buộc
hai quả vả vào hai sợi dây, đem treo lên hai đầu chiếc đũa; giữa đũa, đặt lên
trên một điểm tựa giống như chiếc cân. Ai cũng biết, “đòn cân” lệch về phía quả
thứ hai. Anh lại hỏi: Bây giờ thả hai quả vả vào chậu nước và các em hãy cho
nhận xét.
-Sao anh biết những cái loằng ngoằng rắc rối ấy?
-Mấy trăm năm trước, có một “ông Tây” ở một nước xa chúng ta lắm; ngày
đêm tìm cho được, tại sao vật này nổi, vật kia lại chìm, dù cho hai vật như
nhau!
-Anh đã tìm đường sang bên đó?
-Đâu có.
-Hay anh định làm “ảo thuật” để đùa chúng em!
-Với anh, tất cả phần lớn là nhờ sách: Một người thầy đáng yêu và đáng
kính, là nhân tình, cũng là bạn tri kỷ.
Đến lúc này, tất cả ngồi dậy,
vây quanh Tôn. Bóng tối đã phủ kín khu vườn. Một đứa lên tiếng:
-Tối nay, chúng em ở lại chơi.
-Còn chuyện nào hay hay, anh kể thêm!
-Ba chuyện làm quà nhé:
Một: Hôm đó, có mấy người lính trong cùng một tốp, hành quân đến nằm
dưới giao thông hào, chờ lệnh xuất kích. Ba cậu chụm đầu, đọc cho nhau nghe,
những trang còn lại của cuốn sách nhặt được. Họ chia nhau, mỗi người đọc một đoạn.
Người thứ ba cũng là người đọc những dòng cuối cùng. Hai người bên cạnh, do
hành quân đường xa, mệt quá, lăn ra ngủ ngon lành. Còn anh này đọc xong, không
muốn gấp lại. Hình ảnh người cha đứng ở nơi pháp trường, vì mang trên mình cái
“danh” quá lớn, không dám nhận người tử tù là đứa con đẻ, để xin khoan hồng…
làm nỗi lòng người lính trước giờ ra trận, trào lên cảm xúc mãnh liệt. Anh ta
đã vi phạm kỷ luật vì bước ra khỏi nơi trú ẩn, đưa mấy trang sách lên soi trong
ánh chớp của pháo hiệu, để tìm xem cái gì ẩn chứa trong đó, làm lay động lòng
người đến thế!
Hai: Câu chuyện này thì ông nội anh kể: Sinh ra trong gia đình nhà Nho,
người cha - là đích tôn - hằng ngày chăm, dạy con trai - cũng là đích tôn -
theo kiểu Nho gia. Cuộc sống thường ngày, hai cha con như bạn bè: tất cả vui
buồn gì, ông đều tâm sự với con trai. Hôm đó, đầu hè, ông vừa tỉa cành cho mấy
cây cảnh trước nhà, đi vào; cầm cốc nước trên bàn, uống một ngụm; nhìn con trai
đang lay hoay với bài toán đố, cảm thấy vui vui, ông gợi ý:
-Chúng ta dượt vài ván cờ cho đầu óc sảng khoái, được không con?
-Dạ!
Người con thu xếp sách vở, rồi ra sau tủ, bưng bàn cờ đặt lên bàn lớn ở
phòng khách.
Hai cha con bắt đầu. Ván đầu, người con thua vì
đầu óc chưa thật tập trung. Ván thứ hai, người con tự thua, nhưng đã thấy những sơ hở ở những thế cờ của cha. Vào ván thứ
ba, mấy nước đi ban đầu, người con hớ hênh, quân của người con mất những vị trí
quan trọng. Người cha thấy thế thắng trong tầm tay, có phần lơi là phòng thủ.
Người con bắt đầu phản công: đầu tiên, mất mã; tiếp theo, mất pháo. Trên trán
người cha đã xuất hiện những giọt nước. Không dừng lại, người con thịt thêm hai
con xe. Và nước cờ cuối cùng: chiếu tướng! Không có gì cứu vãn, người cha bật
đứng dậy, hai tay ông bưng bàn cờ, đập mạnh vào đầu cậu con trai, loạng choạng
đi ra ghế, ngồi yên, mắt nhìn lên trần nhà, bộ mặt ông ta xanh xanh đỏ đỏ như
tượng sáp. Người con xốc lại quần áo, nhè nhẹ đến trước mặt cha, hai tay vòng
trước ngực:
-Con không hỗn láo gì cả, sao cha lại đánh con?
Các em có hiểu, ông nội anh, muốn nói với anh điều
gì?
-Anh ơi, sao anh có nhiều chuyện tiếu lâm thế?
-Không phải tiếu lâm, vì “thua” cờ là thua trí
tuệ. Nhưng cái thua lớn hơn là tự hạ thấp nhân cách của mình.
Ba: Hơn mười năm trước, anh có nuôi một con trâu.
Hằng ngày, dắt qua sông, cho vào núi tìm cỏ. Một buổi chiều, cho trâu về. Sông
thì mênh mông, chả có bóng dáng thuyền bè gì hết. Trời dần dần tối, anh ném bó
củi lên lưng trâu, rồi nhảy theo, thúc nó bơi qua sông. Ra được một đoạn, chưa
tới giữa dòng ( giòng), ngọn gió quái ác ập đến. Trâu sợ, lồng lên, ném anh ra
giữa dòng nước chảy xiếc. Các em biết không, miệng đã uống nhiều nước, sắp
chìm, chỉ còn nhú lên bàn tay vẫy vẫy.
-Sao anh sống được?
-Nhờ có người chèo đò, tới đúng lúc, kéo anh lên,
xổ nước trong bụng ra. Đêm đó, anh ngủ lại trên thuyền, không biết gì hết. Sáng
ra, trâu thì mất nhưng được gặp một
người con
gái…
Đêm nằm trên thuyền, Tôn liên tưởng tới hình ảnh
ba anh sống lại - một khoảnh khắc hiếm hoi - nói với anh một câu (không phải của
ông mà của một người khác, một nơi khác, một quê hương
khác): “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng để sống, con sẽ làm gì?” (*)
///---///--- Hết bài thứ 45
Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét