Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN I - BÀI 7

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 7

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - BÀI 7


Những ngày sau đó, mỗi lần đem vở ra học mà nghe tiếng trống, xập xòe vọng tới là Tôn thẫn thờ. Buổi cuối cùng đoàn xiếc sắp dời đi diễn chỗ khác, Tôn cứ đến lân la bên anh chủ gánh xiếc: “Anh cho em đi theo với”.

-Không được đâu em. Nghề này cực lắm. Anh phải theo, vì ông nội, cha đẻ… mấy đời như vận vào nó rồi, giống như cái “nghiệp” em ơi!

Ngày thứ sáu, Tôn vào trường; đến trước mặt thầy:

-Thầy cho con vào ngồi phía cuối lớp, con sẽ giữ yên lặng.

Thầy mặc bộ đồ lụa màu mỡ gà, tay ôm mấy quyển sách – nhìn kỹ sách mòn vẹt nhiều chỗ - bước đi khoan thai, nhẹ nhàng; đôi guốc mộc, quai là ruột xe đạp. Tôn vừa đi vừa ngước nhìn thầy: “Giống một người nào trong … nghĩ mãi chưa ra”.

-Lớp này là lớp bé, con cứ ngồi nghe cho quen.

Thầy vào cửa sau, nhìn bao quát rồi đi lên bảng. Gần chục đứa, cả trai lẫn gái, đứng lên chào.

-Bài hôm trước, các em làm đúng cả; chỉ có một bài sai thôi: Điền hai chữ “đen”, “sáng” vào hai chỗ để trống “…”; bài này có một em viết: “ Gần mực thì sáng, gần đèn thì đen”; là ngược rồi. Mấy đứa con trai cười ồ… Đến lúc thầy dạy bài mới: “ Nước ta hình giống như chữ S, từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau...”. Đó là những khai mở ban đầu, sau bao nhiêu năm nhớ lại, thầm cảm ơn ngôi trường nhỏ bé nơi làng quê ấy, không bao giờ Tôn quên được!

 

Buổi chợ sáng nay đông quá, mấy người khách xa vào đong vài bao gạo, hơn chục bơ đậu; họ để lại nhiều bó măng khô. Tiền Bầm bán được cũng kha khá. Hai người ăn xong gói xôi bắp nếp do bà ở trên xóm Hói cho. Không khí vui vui, Bầm lại kể tiếp: “Làm gì để sinh sống? Mẹ tìm đến đường quốc lộ, nối lên phía ngược tỉnh, trèo lên chiếc xe ngựa lọc cọc, nhập vào bạn hàng đi buôn chuyến. Trầy trật lắm con ơi! Ban đầu, u u mê mê, hàng hay bị mất. Quen dần, mẹ biết hàng gì, mua tận gốc, đem bán tận ngọn… Gần một năm, có vốn, mẹ tìm về chợ này “ngụ cư” luôn đó”.

Công việc hàng ngày tuần tự diễn ra như thế, Tôn giúp mẹ được nhiều việc. Đúng ngày Rằm, Bầm đến quán sớm sai Tôn đi mua bánh ướt, nước mắm vùng Cửa Vạn, có trái ớt xanh tại quán cô Loan. Tất thảy gói vào lá chuối, buộc lại. Tôn đem về treo lên thanh tre gác trên đòn tay. Tôn lại tiếp tục xách củi để chiều mẹ nhờ người mang về nhà. Bầm không dọn hàng như mọi khi, ăn mặc tươm tất, khác ngày thường. Trở lại quán, thấy Bầm đang ngồi nói chuyện với một ông già chưa bao giờ gặp.

-Chào cụ đi con.

Tôn bước hẳn vào trong, đến trước hai người:

-Con kính chào cụ.

Ông đứng lên, xách chiếc ghế nhỏ, đặt bên cạnh:

-Con ngồi xuống đây.

Cuộc gặp bất ngờ, ban đầu có chút e ngại; sau đó, Tôn nghe ông cười, dễ gần và thiện cảm; ông bắt đầu:

-Gọi là gì chứ không thể Bé Bé được.

-Thưa. Con là Tôn.

Hỏi thế thôi, chứ hàng ngày, đi chợ về, bà đã kể hết mọi chuyện cho ông nghe rồi. Ông còn gởi cho Tôn cuốn sách toán mà hàng ngày, có giây phút nào rảnh là đem ra; có khi đánh vật cả giờ, ong cái đầu, vẫn không hiểu hết.

-Còn quê ở đâu con?

Nhíu trán một lúc:

-Là… gì … lâu quá. À… là Biều, không, là Thuận Biều không biết có đúng không nữa!

-Làng Thuận Biều . Đúng. Làng này ở trong Quảng Lợi.

 Mặt trời lên cao rồi…

Họ ra đi. Ông có dáng người... chắc học cao lắm. Tóc, râu dài mà sạch sẽ. Bầm xách gói bánh. Hai người đi ngang nhau, sánh bước. Thỉnh thoảng họ đi chùa.

Ông bà gặp nhau rất hy hữu: ông thời trước làm “quan” gì đó. Người làng khi gặp ai cũng chào “quan”. Thời thế biến loạn, người ta đưa ông đi khỏi quê nhà, đến một vùng khác, an toàn hơn; gọi là đi “an trí”. Gần mười năm, tình hình yên yên, ông được tự do. Mà ai có thể biết được: ông không về quê, còn gia đình…? Ông là người kiệm lời, nhưng rất hòa nhã và rộng lượng. Hai người đến với nhau như mt “đnh mệnh” vậy. Cứ mỗi lần nhắc lại, Bầm rất tự hào “… số mẹ thế mà vui”. 

 

Chiều nay, bầu trời nằng nặng, mây xám đùng đục. Mẹ dọn hàng, rồi bảo Tôn tranh thủ ăn cơm; đi về nhà sớm. Trời tối đen. Mưa, gió sầm sập ập đến. Tôn vào giường, mở chăn, quấn đầu. Nằm mãi, không thể nào chợp mắt. Lúc đầu, còn ghê ghê thế nào ấy. Chỉ thoáng qua thôi, Tôn như tỉnh hẳn: đầu óc không còn lờ m nữa. “Phải đi! Đi đâu?”. Người đời thường nói: Đi sẽ thành đường! ”. Khó khăn đâu chỉ có lần này?

///---///--- Hết bài 7

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét