Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN I - BÀI 5

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN I - BÀI 5

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - BÀI 5


Chiếc tàu thô sơ đã vượt gần trăm cây số, đến gần chiếc cầu bị sập thì dừng lại. Ba người “lái tàu” xuống ngồi nghỉ, họ uống nước và lấy cơm nắm ra ăn. Trời đã ửng nắng, đa số người trèo qua cầu tre bắc tạm, đi lên phía bắc. Nhóm của Hiền, xuôi đường về phía đông. Gần trưa, họ tìm đến làng Sơn Khê. Sơn Khê có ba xóm. Trường Lê Híếu đóng ở xóm giữa; ở nhờ nhà cụ Đĩnh. Làng này có lịch sử mấy trăm năm rồi. Những nhà rường, làm bằng lim hay mít, chạm trổ rất tinh xảo. Phần nhiều thợ ở ngoài Bắc vào hoặc ở Huế ra. Vườn rộng, ngoài chuối, chè (trà), còn lại là cây lâu niên: cau, mít, bưởi… Thầy giáo đã lớn tuổi, hay mặc bộ đồ lụa nâu. Thầy ngồi ở bàn làm việc, đặt ở gian chính giữa. Hiền dẫn mấy anh chị em vào:

-Thưa thầy, chúng con ở trong mới ra, xin thầy cho chúng con nhập học.

-Đi đường gặp nhiều trở ngại không? Có cần ít thời gian nghỉ ngơi?

-Chúng con muốn …

-Cho thầy biết cụ thể.

-Chúng con có sáu bạn: hai gái, bốn trai; học lớp hai và ba; chỉ có một em hơn mười tuổi mới học chưa hết lớp một.

-Thầy sẽ bàn cụ thể với thầy Thoan về sắp xếp lớp, ăn ở, sinh hoạt.

Mọi việc ban đầu tương đối thuận lợi: Hiền, Diệu học lớp ba; An, Đức và Hồng học lớp hai. Khâu cuối cùng cũng là khâu khó nhất: Tôn thiếu tuổi và chưa có lớp. Hiền và Diệu gom hết số tiền cả bọn mang theo được khoảng một trăm hai mươi đồng. Nếu chi cho sinh hoạt sáu đứa thì vẫn còn lại hai chục. Ban đầu, Diệu xin Thầy cho Tôn ở lại làm việc gì cũng được để phụ giúp trường, nhưng đã có bé Bình bên chùa gởi sang tuần trước rồi. Ngày hôm sau, theo ý thầy, Hiền và Diệu tìm ra chợ Lai đến quán mẹ Bầm gởi nhờ Tôn. Biết ý thầy, mẹ nhận lời; nhưng hỏi rất kỹ: tên tuổi, quê quán, học hành, tính cách…

Sáng sớm, Diệu dẫn Tôn đi chào các thầy, các bạn. Khi bước ra cổng, mắt Tôn ướt ướt, chớp chớp:

-Gần thôi. Thỉnh thoảng chạy về chơi với anh chị.

Quán bà Bầm nằm ngay lối cổng lớn vào chợ. Thấy hai đứa từ xa, bà đã cười. Bà bảo ngồi chơi, bà ra ngoài một lát. Bà ghé hàng bên cạnh, mang về hai trái bắp, bảo hai đứa ăn tự nhiên. Tính tình bà xởi lởi, trong cảm giác đơn côi, Tôn không buồn lắm. Còn Diệu cũng không lo lắng nhiều như lúc ban đầu. Hàng của bà là loại hàng khô: gạo, nếp; các loại đậu, vừng…

Khi còn lại một mình, cảm giác gì lạ lắm. Giây phút này trôi qua nhanh vì bà bắt đầu hỏi chuyện:

-Con gọi là gì?

-Các anh chị hay gọi là Tôn.

-Ở đây với mẹ, cùng mẹ bán hàng. Hàng ngày mẹ đặt cơm bên quán trong đình giữa chợ. Tối ngủ một mình có sợ ma không?

-Dạ.       

Chợ họp buổi sáng. Đa số là đàn bà. Một ít đàn ông, họ là những người gánh củi, bán heo. Có mấy người đến mua bắp, đậu và gạo nếp, khách hàng quen. Họ vào ngồi cạnh sạp hàng, nói chuyện. Bà nhờ Tôn đi mua nước chè xanh về ủ lại, để uống cả ngày. Quá trưa thì chợ tan, người thưa thớt dần. Bà sắp hàng vào cái sập bằng gỗ, có nắp đậy nhưng chả có khóa. Bà đưa cho Tôn mấy chiếc bát sứ và dĩa, vào gian hàng bà Nụ trong đình mua cơm để ăn trưa và chiều. Mọi việc xong xuôi, bà ngồi nghỉ một lúc; lấy nước chè ra hai mẹ con cùng uống. Bây giờ, Tôn mới nhìn kỹ, tóc bà dài và xanh như con gái, mặt bầu bầu, nghiêm nhưng mà dễ gần. Xế bóng, bà căn dặn mấy việc nữa; đứng lên xoa đầu Tôn mấy cái, xách giỏ đan bằng cói đi về nhà. Nhìn theo, trong lòng Tôn cảm giác nhè nhẹ; dáng đi từ tốn dần dần ra ngoài cổng chợ.

Chiều. Thời gian chầm chậm trôi. Tôn bưng bó giấy lộn dùng để gói đồ cho khách hàng, sắp xếp lại. Lần giở từng tờ, thật ngạc nhiên; sách và báo cũ. Và Tôn bắt đầu chìm đắm vào thế giới sách vở. Tờ đầu tiên, cũ quá; đọc chữ được chữ mất. Tờ tiếp theo: trên mấy hàng kẻ, ghi các tên gọi, hàng thì ghi mét; hàng thì ghi gam; hàng thì ghi lít. Hay! Nhờ thế mới biết thêm đề ca, xăng ti... Lật thêm tờ nữa: “... Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân...”. Nghĩa là thế nào? Phải hỏi thầy thôi! Những ngày tiếp theo, khi có thời gian trống là Tôn vùi đầu vào mấy trang sách, mất hết bìa: Hai anh em ruột, chỉ vì chị dâu ích kỷ mà họ phải chia lìa; còn bà dì ghẻ sao tàn ác với Tấm thế thêm chuyện Trầu, Cau đem đến cho Tôn những rung cảm ngây thơ ban đầu!

///---///--- Hết bài 5

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét