Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN IV - BÀI 44

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN IV - BÀI 44

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN IV - BÀI 44


Tôn đi rồi, Thạch định chạy theo, ra khỏi sân; con vá giữ chân lại. Có cảm giác trong lòng trống vắng, liền vào giường, lấy chiếc gối định ôm nằm một lúc; dưới gối rơi ra miếng giấy nhỏ, chờ thêm chút nữa, Thạch mới mở ra: “Em Thương…/ Anh là Phạm Tôn Chân”. Từ từ gấp lại, Thạch đến bàn học, mở cuốn nhật ký mới ghi được mấy trang, lấy bút viết lên mảnh giấy: Ngày...Tháng...Năm...; kẹp vào giữa rồi ấp lên ngực.

Tôn lên chiếc thuyền đi buôn đường dài tìm về làng Bích. Ngồi cạnh là một người đàn bà, gánh hàng chất đầy những: bắp, đậu, khoai khô, sắn lát… có cả quế thanh từ phía bên kia mang sang. Qua từng đoạn, bà chỉ cho Tôn nghe những câu chuyện: đây là bến Tầm. Từ đây, theo đường cái lớn, lên vùng Bảng Sơn, thủ phủ của hồ tiêu. Xuống một đoạn phía hạ lưu, bà cho biết, làng mới của cư dân Trà Ân: có đầy đủ, chợ, lớp học, trại chăn nuôi…Thuyền trôi mãi trên sông, nhìn hai bên bờ, màu xanh hoa màu, chạy dài hàng mấy cây số. Trước mắt, chiếc cầu sắt sừng sững, như vẽ lên bầu trời một đường cong khổng lồ. Đã vào địa giới tỉnh lị. Nhìn lên, hai tòa nhà xây theo kiến trúc Pháp, nguy nga, đồ sộ. Đó là nơi cơ quan tỉnh làm việc. Phía dưới, chợ trung tâm, người mua bán, quán xá, tràn ra tận bờ sông. Thuyền ghé vào cho khách lên, xuống. Tôn bước ra khỏi thuyền, một mình theo con đường rải đá. Nhớ lại, hình như vào cỡ ba, bốn tuổi, lần đó theo mẹ, cũng con đường này, phía dưới chợ là chùa Phật học, lớn lắm, bây giờ chỉ là ngôi nhà phôi pha bởi thời gian. Rồi xuống nữa là bãi cát rộng, người ta sắp đá tảng để làm lối đi. Phía bên mé sông, ở đó có loại cây rậm, thấp, mọc dày đặc; là bãi “Rù rì”. Đó là trường bắn. Một buổi chiều cuối hè, cả làng xôn xao. Những người đàn ông, chạy xuống xem, về kể lại, hai người - một đàn ông và một đàn bà - vì phạm tội gì nặng lắm mà phải ra pháp trường. Đi một đoạn nữa thì gặp bến đò ngang. Đến quê ngoại rồi, nhưng chiếc đò gỗ - kỷ niệm thân thương của tuổi thơ - cũ kĩ, người chèo là một cậu choai choai, vài người khách lèo tèo, sang bến. Tôn chọn chỗ có bóng mát, ngồi. Không cần phải hỏi, anh nhận ra, gần phía sau lưng là vườn nhà ông, bà; phía trước mặt, hà bá nuốt mất hàng chục mét đất, hàng tre xưa dày đặc đến thế, chỉ còn trong nuối tiếc. Trở về quê ngoại, còn đậm nét trong trí nhớ; ngày trước, mỗi lần về, gia đình đông vui, nhà cao cửa rộng. Bây giờ, biết là không có ai ra đón. Con đường làng khá rộng, một bên là bờ sông, dựng đứng, nước sâu; một bên là vườn bà, không có bất cứ một vật gì làm mốc phân biệt. Tôn bước vào, một vườn chuối rậm rạp, lá xanh xanh còn phe phẩy trong gió, nhiều tàu lá khô gãy đổ. Tôn lách qua những bụi cây, đám cỏ; đi dọc rồi lại đi ngang, không biết đâu là vườn bà, đâu là của hàng xóm.

Trên mảnh đất này, anh lưu lại không nhiều về thời gian - cả thảy cộng lại chưa đầy năm - nhưng nó để lại nhiều lắm cho đứa trẻ như anh: Nhà trên, loại nhà rường, ba gian hai chái, lợp ngói. Cửa ra vào là loại gỗ gõ, có cánh xếp. Nhà dưới, liền với nhà cầu, thông xuống nhà bếp, cũng là nhà ngói. Ngõ vào nhà, dựng cổng, gỗ màu đen, hai cánh cửa đồ sộ. Tôn không nhớ mặt ông, bà, các cậu, các dì. Nhưng đứng chân lên vườn xưa, cảm giác thương nhớ mẹ, bây giờ trở nên cồn cào. Mẹ, những đêm mùa đông nhớ chồng, ôm thằng bé, nói về thân phận người con gái lấy chồng xa…

Ngày hôm sau, anh đi tìm một người lớn tuổi, rất may gặp thầy Tề, ngày xưa, xưa lắm, từng học với thầy, chỉ mấy tuần thôi, nhờ giúp.

Chọn ngày tốt, thầy đến cùng với ba người con trai. Đúng 7.00 giờ, thầy trải tấm bìa hướng ra lối vào, đặt lên đó nải chuối mật mốc, cốc đựng cát và nén hương: Hướng này, nhìn từ vườn ra sông là đông-bắc, tốt! Thầy chỉnh sửa lại áo, thắp hương, đứng nghiêm đọc mấy lời tạ. Đến lượt Tôn, vái ba vái.

Thủ tục xong, mấy người con trai bắt đầu đào móng, đúc nền; để đặt lên đó tấm bia. Anh con trai đào sâu chừng nửa mét thì chạm phải tảng đá. Tất cả, cùng móc đất, khoét sâu thêm, một lúc sau thì bật lên được. Thầy bước tới, nhìn kĩ rồi gọi Tôn:

-Anh xem, dưới hố có gì đặc biệt!

Tôn nhẹ nhàng nhảy xuống, đưa bàn tay, thọc vào, móc đất ra:

-Có vật cứng, thầy ạ!

-Lấy bay, cạy lên.

Chỉ mấy phút, dùng hai tay, bưng lên vật bằng gốm, gồm hai mảnh hình vành khăn ghép lại, Tôn trao cho thầy. Thầy bưng ra chỗ trống, cầm bay cạy nhẹ, bên trong là một ống đồng màu thẫm. Hai người dừng lại một lúc, ngắm kĩ rồi thầy nâng lên cao, trao cho người đang đào đất, đứng gần:

-Anh cầm thử xem!

-Nhẹ, thầy ạ.

-Đúng rồi. Trong này chẳng có tiền - tiền kim loại xưa - cũng không có vật quí hay vàng bạc cất giấu. May ra thì… Họ cùng nhau đi về nhà.

Cuộn trong mấy lớp giấy màu đen, chỉ một tờ duy nhất màu vàng, có chữ viết. Thầy đọc chậm rãi; thầy lấy giấy, bút ghi mấy dòng đưa cho Tôn. Rồi anh hỏi những thủ tục về cúng bái, về bà con họ hàng; thầy đưa anh tới nhà ông Năm. Ông là lớp sau hàng ông ngoại, vào loại lão làng. Gặp Tôn, ông ta không hình dung được, có đứa cháu ngoại đi xa, bây giờ trở về, đang làm những việc “hiếu, nghĩa”. Dù sức yếu, nhưng ông sẽ đến từng nhà, mời mọi người.

Tôn trở lại, nói với anh lớn tuổi, cố gắng chiều xong bệ, còn anh phải làm tiếp công việc cho ngày mai.

Theo lời chỉ dẫn, Tôn lên ngã ba sông, theo thuyền vào huyện Hải Thành, đặt làm bia. Ở một vùng cát, cạnh ngọn núi thấp, có một làng nghề làm đá. Già, trẻ, trai, gái… mỗi người một cái đục, với khúc gỗ - dùi đục -  để gõ, tạo nên những đồ vật trang trí: con nghê, tượng Phật…Còn tấm bia, thật đơn giản, mẫu đã sẵn, chỉ cần khắc chữ mà thôi. Chiều, xuôi thuyền về, ngoài tấm bia, Tôn còn vào tận chợ trong núi mang theo con heo rừng và tập giấy viết.


///---///--- Hết bài thứ 44

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét