Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - PHẦN III - BÀI 19

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT
- PHẦN III - NGÀY 19

VỀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH - TÁC GIẢ NGÔ BÁ TIẾT - PHẦN III - NGÀY 19


Trưa, nắng, một mình; trên vai vác tấm gỗ mà ông Khắc dặn là phải chọn rất kỹ vì khách không thân quen dễ bị người bán tráo. Đường xa, mênh mông… vừa khát, vừa đói; phải cố lên thôi. Thêm một đoạn nữa, phía xa thấp thoáng ngôi nhà nhỏ, có niềm hy vọng, thế là chân bước càng nhanh thêm. Đặt tấm gỗ nặng trịch, vừa thở, vừa mệt; nói không thành lời; từ trong nhà một ông già bước ra. Chỉ một nụ cười không thành tiếng, ông cầm chiếc quạt mo, chỉ tay; Tôn vào ngồi trên chiếc giường tre mà hàng ngày ông nằm trên đó:

-Ngồi xuống; nghỉ chút xíu rồi uống nước.

Giây phút ban đầu đơn giản thế mà giữ lại trong ký ức Tôn không bao giờ phai mờ.

Ông đem nước hàng ngày ông uống là “lá mồng năm” bỏ vào ấm đất đun sôi rồi cứ thế để dùng và rổ đậu phụng luộc.

-Ngon quá bác ơi!

-Vì đói và mệt chứ có  “cao lương mỹ vị” gì đâu.

Gió thoảng, lá cây xào xạc… anh chìm vào giấc ngủ. Chiều, ông bảo nán lại để dịu nắng rồi hãy về. Ông nằm trên chiếc võng dây dừa, vừa đu đưa, vừa nói chuyện: “Cậu đã nghe chuyện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, nó oai hùng như thế nào không? Ngàn năm đó, chúng ra sức đồng hóa, nhưng dân tộc ta không bao giờ khuất phục!”. Mỗi lần ghé vào, như về với người thân, ngồi uống nước, thỉnh thoảng ông lại kể chuyện.

Lần này thì khác. Tôn cho ông biết hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại, mong vài điều dạy bảo:

-Cậu cứ ở lại đây, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Lần gặp đầu tiên, nói chuyện với nhau, tôi hiểu cậu, tôi biết cậu … Những điều không cần nói thành lời.

Đến tối, sau khi ăn cơm xong, ông bảo:

-Ngày mai, cậu chuẩn bị ít thức ăn, phải mang theo nước uống. Con người ta cần nước lắm. Uống nước đầy đủ, đầu óc mới minh mẫn.

Ông dừng lại một lúc, đưa mắt nhìn vào Tôn, rồi hạ giọng:

-Chúng mình đã ở chung một nhà, cứ nói hết!

-Thưa bác, cháu ngại quá khi nói với bác điều này.

-Có gì đâu!

-Cho cháu gởi bác hai đồng, coi như phụ thêm với bác.

-Tằn tiện cũng phải được vài ba tháng.

 Đêm nay, đêm đầu tiên …

 

Một ngày trời dịu nắng, nhưng không khí oi bức. Trên đầu chụp chiếc mũ vải cũ màu vàng bạc phếch, Tôn tìm đến các xóm làng vùng ven, trong mắt vẫn nhìn quanh, mong có một chút ánh sáng, mà trí óc mờ mờ tối tối như mò kim đáy biển. Bỏ lại cái đói, cái khát ra phía sau, lòng tự hỏi lòng: Vòng vây này thắt lại? Nhưng… Để làm gì cơ chứ?!

Chiều. Anh mang tâm trạng một chút buồn, một chút vui, trở về căn nhà anh có thể nằm dài trên chiếc giường rất đơn sơ mà không phải lo nghĩ, tính toán cho cuộc sống thường nhật. Có gì đâu, mỗi lúc bước chân nặng nề, lòng dạ không yên; ông già cười: “ Hữu thân hữu khổ”, cứ nhẹ lòng mà đi rồi sẽ đến…

Bất ngờ, nối tiếp bất ngờ: Ăn cơm xong, như những lần trước, mỗi người ngồi một nơi, ông rất tinh tế, dành cho Tôn những phút riêng tư. Lần này, ông đi ra sân, ngắm bầu trời; biết ý, Tôn đến gần:

-Có một chút tài sản gọi là “của quý”, cho cậu xem…

-Bác phải để dành cho tuổi già!

-Có cậu rồi, còn gì phải lo.

Anh đứng lên, ôm ông, gục đầu vào lòng ông. Anh khóc. Chưa bao giờ… Có phải là định mệnh? Hai người trèo lên “gác xép”, ông kéo cái rương, màu nâu bạc phếch:

-Coi như tài sản chung; anh có thể tìm được…

Mở nắp, đầu tiên, hai hàng chữ dọc: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/Đâm mất thằng gian, bút chẳng tà”. Trong đêm tối, chỉ có ngọn đèn dầu, sao mà thấy ánh sáng lan tràn khắp phòng. Tất cả là sách, mỗi ngăn sắp theo từng mục. Từ Truyện Kiều do Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ biên soạn, sử xưa của Lê Quý Đôn… Anh đậy nắp lại:

-Bác ơi, cháu chưa từng bước chân đến trường. Đây là trường, đây là thầy.

Anh chỉ tay vào ông già và tủ sách.

Thời gian qua, việc thường nhật chiếm hết tâm trí; bây giờ là lúc phải giữ lại nền nếp cũ: tiếp tục nâng cao… 

Đêm hôm sau, anh lật đến Tân ước, rồi Cựu ước. Ngày trước, đi qua nhà thờ, gặp cố đạo râu ria xồm xoàm, thấy lá cờ tam tài, anh không thiện cảm; bây giờ hiểu biết phải khác trước chứ!

Việc ở nhà, anh tự mình biết phải làm gì: thấy hết nước thì đi gánh, chiều nay đi lấy củi rồi về hái rau. Một đêm nữa, học thêm được gì? Cái môn gì mà khó hiểu: duy tâm, duy vật; đến các ông Kant, Freud… đẻ ra nhiều trường phái làm gì cho khổ nhân loại!

Thấy ông già chưa ngủ, anh ngồi dậy:

-Bác ơi, ngày mai cháu phải đi xa một chuyến!


///---///--- Hết bài 19

Nguồn: Về một cuộc hành trình - Tác giả Ngô Bá Tiết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét